Bà chị dâu tôi thì cứ luôn miệng: “Phúc à, con lấy cái khăn cho mẹ coi”, “Phúc ơi, con chạy hỏi bác sĩ coi tối nay có chích thuốc không?...”. Thằng Phúc mau mắn làm, hết chạy chỗ này tới chỗ kia. Khi mẹ nó ngủ, nó vẫn ngồi kế bên quạt nhè nhẹ; ban đêm nó trải chiếu nằm ngủ ngay dưới đất để phòng khi mẹ có việc cần gọi... “Tôi chưa thấy thằng con trai nào nuôi mẹ chu đáo như vậy. Phải chi nó chưa có vợ, tôi gả con gái cho nó”- bác già nằm giường bên cạnh ước ao. Lập tức mấy người khác góp chuyện. Chung quy, ai cũng khen chị dâu tôi khéo đẻ con. Nghe vậy, chị dâu tôi nhìn thằng con, ánh mắt rất lạ mà chỉ có tôi và chị hiểu.
Năm 1971, anh Ba tôi mới 19 tuổi nhưng cha mẹ tôi bắt phải cưới vợ. Lý do thật chính đáng: Cha mẹ có hai đứa con trai nhưng anh Hai tôi đã theo Việt cộng. “Tụi tôi chỉ còn cu ki một thằng, nếu không cưới vợ sớm, lỡ mai mốt nó lại theo thằng anh vô khu với mấy ổng thì coi như mất giống. Mà không đi Việt cộng thì cũng bị bắt lính, khổ lắm”- cha tôi nói với bác sui của tôi như vậy khi đặt vấn đề cưới xin. Vậy là hai bên nhất trí tác hợp cho đôi trẻ. Sợ có điều bất trắc nên ngày đám hỏi, chị Tư phải đóng giả làm anh Ba bưng khay trầu rượu qua nhà gái. Một tháng sau, khi làm đám cưới thì anh Ba tôi mới có mặt.
Cưới chị về cha mẹ tôi cho anh chị ra riêng ở cồn Phú Đa (xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). 1 năm sau thì chị sinh đứa con đầu lòng. Sau đó, cứ cách năm, chị lại sinh một đứa. Tổng cộng là 4 đứa, trong đó có 3 thằng con trai và cô con gái út.
Tôi nhớ, khi sinh thằng con thứ ba của anh chị là thằng Phong vào năm 1976, bác sui tôi cũng rước chị dâu về nuôi 1 tháng như những lần sinh trước. Anh Ba tôi ở một mình dưới cồn Phú Đa, không biết buồn tình thế nào mà anh lại lăng nhăng với cô Hai Ri, cháu gái của bác hàng xóm mới từ Ba Tri lên chơi. Chuyện không ai hay ai biết, mãi cho tới ngày có một bà mẹ già lặn lội đến tìm anh Ba tôi thông báo một tin động trời: “Chú ăn ở với con Hai Ri làm sao mà nó có chửa. Giờ nó đẻ con rồi quăng cho tui, bỏ đi mất rồi. Nếu chú không đem thằng nhỏ về nuôi thì chắc nó chết”. Bà mếu máo nói.
Anh Ba tôi điếng hồn, còn chị Ba tôi lúc đó núp sau vách buồng thì thiếu điều chết giấc. Rồi chị Ba tôi xông ra, đấm thùm thụp vào lưng anh Ba, kêu khóc thảm thiết: “Anh là thứ không ra gì. Sao lại gạt tui? Tui không ở với anh nữa, tui về thưa với cha mẹ, tui thôi anh....”. Trong lúc anh Ba loay hoay chống đỡ thì bà già đã quỳ sụp xuống: “Tui lạy chú thiếm... chú thiếm thương dùm... tui già cả rồi, thân tui tui còn lo chưa xong, làm sao nuôi thằng nhỏ...”. Chị ba hét lên: “Nuôi không nổi thì đem cho người khác nuôi. Bà về đi...”. Vừa nói, chị Ba vừa kéo tay bà già đẩy ra cửa.
Lúc đó anh Ba tôi cũng đứng chết lặng nhìn theo bóng người đàn bà đang xiêu vẹo trên đường. Chị Ba tôi lại nhào tới cấu xé: “Anh vừa lòng chưa? Anh ôm quần áo đi theo nó luôn đi, tui không ở với anh nữa...”. Rồi chị khóc ngất... Khóc đã đời rồi, chị chợt giật mình: “Chết rồi... anh vô coi chừng thằng Phong, coi chừng nó lọt xuống mương...”. Anh Ba chưa hiểu chuyện gì thì chị Ba đã hấp tấp chạy về hướng lúc nãy người đàn bà đã đi.
Chị đuổi kịp bà ta ở bến đò từ Phú Đa qua Phú Phụng để về Ba Tri. Không nói không rằng, chị theo bà về tận nhà. Đến tối mịt chị mới quay về, trên tay ẳm theo đứa nhỏ còn đỏ hỏn. Chị lau mình mẩy, thay quần áo, cho nó bú rồi bắt đầu săm soi, nắn bóp tay chân nó. Thằng bé mới sanh được 8 ngày, người nhăn nhúm, nhỏ xíu như con chó con. Chị hết ngó nó rồi lại nhìn anh Ba. Cuối cùng chị phán một câu: “Không biết nó có phải con anh không nữa; nhưng thôi, cứ nuôi nó đi chớ để nó chết tội lắm. Anh liệu mà nói sao với cha mẹ cho êm thì nói nghen”.
Anh chị nói dối cha mẹ tôi là lượm thằng nhỏ ngoài đình Phú Phụng. Không ai biết nguồn gốc xuất xứ của nó ngoài anh chị và bà ngoại nó. Tất nhiên là cả mẹ nó nữa. Nhưng chị ta đã đi lấy chồng và bỏ mặc con. Anh chị tôi đặt nó tên Phúc. Từ chỗ nhận nuôi vì sợ nó chết, chị đã thương nó hồi nào không hay. Sắm cho mấy đứa kia thứ gì thì thằng Phúc có thứ ấy. Mấy đứa kia ăn cái gì thì thằng Phúc ăn cái ấy; buổi tối nó còn được ngủ chung với chị lâu hơn mấy đứa kia. Nó gọi chị là mẹ và cứ ngỡ chị là mẹ ruột của nó.
Đến năm nó 12 tuổi, chị quyết định: “Anh à, em muốn thưa thiệt với cha mẹ. Dù sao thì nó cũng là máu mủ của ông bà, phải cho nó nhận chớ”. Anh Ba tôi ngó sững chị: “Em nói thiệt không?”. Chị dâu tôi gật đầu: “Em nghĩ kỹ rồi, tội lỗi của người lớn, đừng bắt con nít phải chịu...”. Anh chị dắt nó về thưa với cha mẹ tôi: “Con biết anh Ba có lỗi với con, có lỗi với cha mẹ nhưng chuyện dĩ lỡ rồi, giận ảnh thì con cũng đã rất giận nhưng cái gì rồi cũng qua. Thằng nhỏ là ruột thịt của cha mẹ, con muốn nó được ông bà nhìn nhận cho nó đỡ tủi...”.
Cha tôi khóc, còn mẹ tôi thì bỏ vô buồng. “Cha xin lỗi con vì đã không dạy dỗ thằng Long cho nên thân nên hình, để nó làm khổ con... Nhưng cha mẹ cũng cám ơn con vì đã bỏ qua cho nó mà nuôi thằng nhỏ...”- cha tôi nắm lấy tay chị dâu nghẹn ngào.
Tin thằng Phúc là “con rơi” của Ba Long chẳng mấy lúc mà lan khắp cồn Phú Đa, lan qua Phú Phụng rồi Vĩnh Bình... Và chuyện “vợ Ba Long nuôi thằng nhỏ từ lúc nó mới sinh” cũng lan nhanh như vậy.
Sau này, mẹ nó có về. Chị ta đã có gia đình mới và cũng không muốn đem thằng nhỏ về nuôi nhưng chị ta xin lỗi chị Ba và đưa cho chị một nắm tiền: “Coi như em phụ chị nuôi thằng nhỏ...”. Chị ba tôi đỏ mặt vì tức: “Cô đi đi và chớ có léo hánh về. Tôi mà thấy mặt cô nữa thì đừng có trách. Không có con cái nào của cô ở đây hết. Cô làm ơn đi đi...”. Nói đến đây chị dâu tôi cũng khóc bởi bây giờ mà bắt thằng nhỏ đi thì có khác nào cắt ruột của chị? Mẹ đẻ thằng Phúc lại cám ơn chị rồi vội vã ra đi. Chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau của chị ta xem ra không bằng mấy chục năm chăm bẵm của chị dâu tôi.
Thằng Phúc được học hành, có công ăn việc làm ổn định. Anh chị tôi còn cắt cho nó mấy công đất giống y như những đứa con khác. Giờ đây, mấy chục năm trôi qua, người ta không còn nhớ nó là thằng “con rơi” mà chỉ biết nó là thằng con hiếu thảo nhất của anh chị tôi. Thi thoảng có ai nhắc lại chuyện cũ thì mắt nó đỏ hoe: “Không có mẹ thì con đã chết rồi. Con có làm bao nhiêu thì cũng không trả nổi công ơn của mẹ...”.
Bình luận (0)