Trả lời: Chăn gối có lẽ không thích hợp với không khí “hàn lâm” nên nêm chút gia vị là việc nên làm, có điều cẩn thận kẻo quá tay làm hỏng nồi canh. Phổ biến là việc quý ông mang “thổ ngữ” phòng the nhạy cảm ra pha trò mà quên... biên tập lại. Có ông nhại nháy mấy câu thoại ỡm ờ nghe được đâu đó trên phim. Dễ sốc hơn cả là những bình phẩm kiểu “thở như trâu”, “la như chọc tiết”...
Cợt đùa có thể không cần cất lời mà từ thái độ ai đó vô tình tạo ra. Chẳng hạn có ông vừa “tả xung hữu đột” vừa nhóp nhép nhai kẹo cao su. Có cô đương “phu xướng phụ tùy” chợt nhìn lên trần rồi buột miệng nhắc ông xã sáng mai... thay bóng đèn sắp hỏng.
Như đã nói không phải câu pha trò nào cũng đâm sau lưng chiến sĩ, luôn có chỗ cho những khôi hài ý nhị. Các chuyên gia đều cho rằng nên giải phóng tối đa mọi cảm xúc gối chăn. Như vậy một câu bông đùa “vạ miệng” chủ yếu vì trái tai người nghe hoặc khiến họ cảm thấy bị xúc phạm. Chúng còn có thể khiến quý cô nghĩ rằng người chung chăn gối đang bỡn cợt. Nhiều quý ông chủ quan vợ chồng nhẵn mặt nhau đến nốt ruồi nằm chỗ nào đều biết thì khách sáo chi cho phiền. Thật ra với phụ nữ dù “mâm cỗ” dọn đi dọn lại hàng trăm lần y như thế thì họ vẫn cứ đánh giá cao “lời chào”, của cho không bằng cách cho.
Ở một khía cạnh khác, mấy lời cợt nhả có thể làm sứt mẻ hình ảnh bóng tùng quân. Chưa nói thần khẩu hại xác phàm còn đẩy quý ông vào diện bị nghi ngờ rành sáu câu vọng cổ về giới “vành trong vành ngoài”. Thực tế không chỉ các ông mà mấy cô nhiều khi cũng lỡ lời, kinh điển là câu “biết ông thế này ngày xưa... ma nó lấy!”.
V.Phùng thân mến, chắc bạn là người vui tính. Trong chuyện này tuy không cố ý nhưng dù sao bạn cũng có lỗi nên đành chịu khó hát bản “trường ca” năn nỉ vậy. Bà xã bạn chắc cũng nhận ra và không chừng “lệnh ân xá” đã được thảo sẵn từ lâu, chỉ chờ thời gian cảnh cáo hết hiệu lực. Chén đĩa trong rổ còn khua, hết khua chén lại kề bên đĩa thôi bạn ạ.
Bình luận (0)