Rồi sự chờ đợi của chúng tôi cũng xuất hiện. Dù chỉ biết nhau qua hình ảnh nhưng chúng tôi nhận ra họ ngay. Tôi nắm chặt tay mẹ. Đứa em út của tôi thì bước về phía trước để đón hai người phụ nữ, một già, một trẻ vừa từ phòng kính bước ra.
Họ nhìn nhau, một thoáng ngỡ ngàng. Rồi bất ngờ, họ ôm chầm lấy nhau. Không có tiếng khóc thành lời, chỉ có đôi vai hai người phụ nữ cứ rung lên bần bật. Họ đã vượt qua một quãng đường dài 35 năm mới có cuộc hội ngộ này khi người đàn ông, khoảng cách vô hình giữa họ không còn nữa…
Ba tôi là một người con miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954. Khi ấy ba còn là một cậu bé 11 tuổi. Năm 1968, ba mẹ tôi gặp nhau. Nhưng lúc đó chiến tranh ác liệt nên mãi đến năm 1971, đơn vị mới làm lễ tuyên hôn cho họ. Ông bà ngoại tôi dù rất thương ba nhưng lại không chấp nhận cuộc hôn nhân này. Một phần vì chiến tranh sống chết khó lường, một phần vì ba tôi quê tận trong Nam, không biết gốc gác thế nào. Nhưng đơn vị cử người thuyết phục, cuối cùng ông bà cũng đồng ý.
Tôi sinh ra đời đúng vào ngày 27-1-1973. Mẹ kể, lúc đó ba đã hét toáng lên: “|Đình chiến, đình chiến rồi…”. Vậy là ba mẹ thống nhất đặt tên cho tôi là Trần Đình Chiến. Hai năm sau, đứa em kế của tôi ra đời. Nó là Trần Hoài Nam. Em tôi chào đời được 3 tháng thì đất nước hòa bình, thống nhất. Ba tôi là một trong những đứa con miền Nam đầu tiên trở về quê sau ngày 30-4-1975. Sau này mẹ tôi kể lại, trước khi chia tay, ba đã nói: “Anh sẽ thu xếp để sớm trở ra đón em và con”.
Thế nhưng công việc của những ngày đầu giải phóng miền Nam cứ cuốn hút lấy ba. Lời hẹn đón vợ con đoàn viên cứ khất lần hồi. Khi Hoài Nam tròn hai tuổi, ông bà ngoại tôi quyết định: “Để thằng bé đây ba mẹ trông, con vô trong đó tìm nó xem thế nào”.
Mẹ tôi âm thầm chuẩn bị cho chuyến hành trình dài nhất trong cuộc đời với ngổn ngang buồn thương, nhung nhớ, giận hờn… Theo lời chỉ dẫn của một người chỉ huy cũ của đơn vị, mẹ tôi đã tìm được ba giữa Sài Gòn. Ba ở một căn thiệt thự thật lớn gần sân bay Tân Sơn Nhất, có người canh gác, cơm nước phục vụ. Mẹ ở với ba đúng 1 tháng. Và đó là những ngày tháng cuối cùng mẹ nếm trãi yêu thương vợ chồng. “Anh bận quá không đưa em về quê thăm mẹ được. Em cứ về đi, anh sẽ thu xếp để sớm đón em và các con vào. Anh nhớ tụi nó lắm…”- ba an ủi khi thấy mẹ buồn vì không được về quê ra mắt bên chồng.
Nhưng linh cảm của một người vợ đã mách bảo với mẹ, đó không phải là lý do chính đáng. Đêm cuối cùng bên ba, mẹ hầu như không ngủ. Đến sáng, lúc chuẩn bị ra tàu, mẹ đưa cho ba một gói đồ và dặn: “Anh giữ cái này… Nếu có chuyện gì thì cũng còn một chút của tin…”. Ba nhìn sững mẹ rồi cúi mặt. Lúc ở sân ga, ba chỉ ôm mẹ mà khóc, không nói được câu nào…
Người phụ nữ sau của ba tôi vốn là một cô giao liên quê ở Long An. Người ấy được giao nhiệm vụ chăm sóc cho ba tôi ngay từ những ngày đầu mới về tiếp quản sân bay. Sau này mẹ kể với tôi: “Biết ba đã có vợ con ngoài Bắc nhưng cô ta vẫn bất chấp. Hôm mẹ vào, mẹ đã nhận ra thái độ khác thường của hai người. Thoạt đầu mẹ không tin nhưng tình cờ tối hôm đó ba về khuya, người lại có hơi men nên mẹ thay quần áo rồi đỡ ba lên giường ngủ. Trong lúc dọn dẹp đồ đạc của ba, mẹ thấy một mảnh giấy trong túi quần. Đó là một bức thư đầy những lời lẽ ghen tuông trách hờn. Lúc đó mẹ chết điếng, không tin vào mắt mình. Nhưng rồi bình tĩnh lại, mẹ nghĩ, chuyện gì cũng có thể xảy ra… Mấy ngày sau mẹ lẳng lặng tìm hiểu và phát hiện mọi việc. Chính là cậu lái xe đã nói với mẹ. Hình như cậu ta có cảm tình với cô giao liên ấy nên muốn nhờ tay mẹ tách họ ra. Khi ấy mẹ đã muốn làm cho ra lẽ nhưng rồi mẹ lại thôi. Ba là cán bộ cao cấp, có chuyện gì sẽ ảnh hưởng rất lớn...”.
Trở về Hà Nội, mẹ đã dứt khoát không liên lạc với ba nữa. Mẹ làm việc như điên và câm lặng như một cái bóng. Đến khi bé Hoài Thương được 3 tuổi, mẹ lại gởi cho ông bà ngoại để đi nghiên cứu sinh ở Nga. Đằng đẳng nhiều năm trời, chúng tôi sống như những đứa trẻ mồ côi. Cho đến ngày mẹ trở về, chúng tôi có nhà mới, có đủ thứ tiện nghi từ những đồng tiền mẹ chắt chiu mang về. Chúng tôi có tất cả, chỉ thiếu một người cha…
Lớn lên một chút, tôi bắt đầu thắc mắc khi thấy sự khác biệt giữa họ của mình và cô em út. Tôi nhất quyết hỏi mẹ cho ra lẽ. Nhưng dường như tôi đã gõ vào cánh cửa của một ngôi nhà hoang bởi không có bất cứ một phản hồi nào. Tôi đành phải đi từ hướng ông bà ngoại và những người quen cũ của mẹ tôi. Cuối cùng tôi cũng biết, trong tâm hồn của mình có một nửa hồn vía của một vùng quê Nam Bộ. Tôi tìm kiếm bằng mọi cách có thể, tôi đưa cả thông tin lên mạng: “Con, Trần Đình Chiến, tìm cha Trần Ẩn Lâm, quê ở Cái Bè, Tiền Giang…”.
Đến bây giờ, tôi càng tin vào câu châm ngôn: “Có đi là có đến, có gõ cửa ắt có người mở cửa”. Một cô gái có người cha tên giống như vậy, quê quán đúng như vậy đã trả lời. Sau rất nhiều thông tin qua lại, tôi đã gần như chắc chắn rằng, đó chính là những người tôi cần tìm. Chỉ tiếc là, người tôi muốn gặp nhất đã không còn nữa.
Khi tôi nói điều này với mẹ, thoạt đầu mẹ lặng im, nhưng sau đó mẹ đã giận dữ vớ lấy chiếc bình hoa trên bàn ném xuống đất vỡ tan tành. Rồi mẹ bật khóc như một đứa trẻ. Lâu lắm rồi tôi không thấy mẹ khóc nên điều đó lại hóa hay. Rồi khi nghe tôi bảo sẽ mời những người trong ấy ra ngoài này, mẹ lại nổi trận lôi đình: “Sao con lại dám? Mẹ chưa bao giờ tha thứ cho họ…”.
Tôi nói cho mẹ một điều mà mẹ chưa biết: Đó là năm 1977, sau khi chia tay mẹ ở sân ga, ba đã nhận nhiệm vụ mới trên nước bạn Kampuchia. Đến năm 1982, ba tôi trở về nhưng với cơ thể không còn lành lặn nữa. Người phụ nữ kia sống với ba không có đám cưới, cũng không có hôn thú. Nhưng hạnh phúc đối với bà cũng thật ngắn ngủi. Ba tôi mất năm 1988 vì một căn bệnh hiểm nghèo. Họ chỉ kịp có với nhau một đứa con gái. “Nhưng tại sao ba lại không trở ra tìm mẹ lần nữa? Mẹ học xong thì trở về chớ có đi luôn đâu?”- mẹ tôi nghẹn ngào.
Sự vắng mặt của ba tôi đã làm cho khoảng cách giữa hai người phụ nữ dường như thu hẹp lại. “Trước khi mất, anh Lâm đưa cho em cái này, dặn nếu có cơ hội gặp lại thì trao cho chị và các cháu…”. Người phụ nữ thứ hai của ba tôi đưa cho mẹ tôi chiếc gói. Đó chính là 3 chiếc áo của mẹ, của tôi và em Hoài Nam mà mẹ đã gói gởi theo ngày ba về Nam. Kỷ vật thứ tư là chiếc khăn tay mẹ đã trao cho ba trong lần gặp cuối cùng. Giờ những kỷ vật ấy đã quay về với cố chủ. Chúng tôi đã lặng đi rất lâu. Rồi tất cả đều khóc.
Những gì cần nói đã nói hết. Người khách tần ngần đứng dậy: “Em xin phép ra khách sạn…”. Mẹ tôi lau nước mắt, nắm lấy tay bà: “Thôi, chuyện gì đã qua thì cho qua… Nhà cửa rộng rãi thế này không ở mà còn định đi đâu…”.
Tôi nhìn hai người phụ nữ của cha tôi, chợt thấy mắt mình cay cay. Ba tôi không còn nữa nhưng giờ đây tôi có thêm một đứa em và một người mẹ. Có lẽ ở dưới suối vàng, ba tôi đang ngậm cười...
Bình luận (0)