Ngôn từ và việc chúng ta sử dụng nó, về bản chất, không phải là vấn đề. Vì thế, điều quan trọng nhất mà chúng ta cần nói đến ở đây chính là cách mà chúng ta sử dụng nó trong mối quan hệ với bạn đời và những người xung quanh. Và sự lạm dụng cũng như bất cẩn trong sử dụng ngôn từ chính là hai nhân tố chính ăn mòn, thậm chí là phá huỷ nhiều mối quan hệ.
Không nhất thiết phải sử dụng những từ gay gắt, nặng nề mới có thể giải quyết được vấn đề. Có rất nhiều cách tích cực và có "tình" hơn để bạn cư xử với những người xung quanh ngoài những ngôn từ được thốt ra thiếu sự thông cảm. Nói như thế không có nghĩa là bạn không được nói ra những gì mình nghĩ. Chỉ có điều cách cư xử ấy cho thấy bạn thực sự quan tâm và tôn trọng cảm xúc và sự yếu đuối của người bạn đời. Những ngôn từ mang tính "tấn công" kiểu như: "Anh/cô là đồ ngu xuẩn". "Anh/cô luôn luôn...", "Anh/cô không bao giờ có thể..." sẽ luôn bảo đảm cho bạn nhận lại những phản ứng ngược rất thiếu tích cực từ người bạn đời. Một khi đã bị dồn vào chân tường, không có lựa chọn khác, phản ứng tự nhiên bao giờ cũng là phòng thủ.
Vì vậy khi các bạn xảy ra xung đột, có 4 nguyên tắc bất di bất dịch mà bạn nên nhớ là:
1. Dùng quan điểm cá nhân
2. Luôn đặt chữ "tình" giữa bạn và người bạn đời.
3. Lắng nghe trước khi nói
4... Và nói ở thời điểm thích hợp.
Chẳng hạn, khi bạn đời của bạn luôn cáu kỉnh và la hét bạn mà chẳng có lý do nào cụ thể. Bạn có thể nói: "Câm miệng, anh lúc nào cũng la hét tôi một cách vô lý. Anh là đồ tồi".
Hay bạn sẽ nói:
"Đừng nói với em như thế. Em không đáng bị anh nói như thế. Nó làm em bị tổn thương"?.
Chắc chắn, với một cách nói trung lập và nhẹ nhàng hơn hẳn cách buộc tội ban đầu kia, sẽ dễ dàng hơn cho bạn đời có cơ hội bình tĩnh lại và lắng nghe bạn nói, phản ứng một cách có hiểu biết và thậm chí còn có thể thay đổi hành vi của mình. Hãy nói suy nghĩ của bạn mà không chọc vào đống than đang nóng bừng bừng trong người bạn đời của bạn.
Cách giao tiếp tốt nhất từ xưa tới nay luôn là bày tỏ quan điểm và suy nghĩ của mình mà không làm cho người khác có tâm lý phòng thủ. Nó cũng có nghĩa là dù bạn nói gì thì nói nhưng bạn phải luôn có trách nhiệm với lời nói của mình và đảm bảo rằng nó không phải là lời trách mắng vô lý, nó không gây cho người đối diện cảm giác xấu hổ và không làm huỷ hoại họ. Mục tiêu chính là giao tiếp một cách tỉnh táo và hiểu biết.
Tóm lại trước khi nói ra bất cứ điều gì, bạn nên nhớ:
1. Lắng nghe chính mình
2. Nghĩ tới cảm giác của bạn đời và sử dụng những ngôn từ mà anh ấy/cô ấy có thể hiểu
3. Bình tĩnh trước khi nói. Đừng tranh cãi với một cái đầu nóng. Hãy cố gắng bày tỏ sự tức giận, đau đớn hay thất vọng mà không làm cho người đối diện cảm thấy bị xúc phạm, bị tổn thương, xấu hổ. Hãy công bằng và bình đẳng.
4. Nhớ rằng bạn chỉ cần giải quyết mọi thứ trong hoà bình, không nhất thiết phải là Mr/Mrs Right.
5. Luôn luôn cư xử tốt bụng và tình cảm.
Bình luận (0)