Cái chuyện ai là cha tôi đôi lúc cũng khiến tôi băn khoăn, nghĩ ngợi. Trong quyển nhật ký đã vàng ố của mẹ, chỉ thấy gọi người đó là “anh ta”. Mà thông thường, một khi đã gọi ai đó là “anh ta” thì chắc chắn là phần ác cảm nhiều hơn thiện cảm. Và điều đó còn vì những dòng chữ trong nhật ký của mẹ cứ ám ảnh tôi: “Anh ta bắt mình phá bỏ cái thai nhưng mình kiên quyết không nghe…”. Có nghĩa, tôi là tác phẩm vô ý của một người đàn ông nào đó. Vậy thì hà cớ gì tôi phải bận tâm, tìm về?
Chính vì vậy mà dù đã biết lờ mờ nhưng tôi không bao giờ có ý định tìm về nguồn cội của mình. Tôi nhớ hôm đó mẹ đã yếu lắm rồi vậy mà vẫn đèo tôi trên xe đạp từ Thủ Đức về quận 3 chỉ để cho tôi biết một điều: “Những người trong ngôi nhà ấy là ruột thịt của con nhưng mẹ không muốn nhìn vì họ giàu sang lắm… Sau này con lớn, nhìn hay không do con quyết định. Con nhớ chỗ này gần ngã tư, có cây cột điện thật to…”.
Ba hôm sau, mẹ mất. Năm ấy tôi 12 tuổi. Không còn mẹ, tôi chính thức trở thành đứa trẻ mồ côi trong cái trại trẻ mồ côi mà hai mẹ con đã tá túc bấy lâu. Ban ngày tôi đi học một buổi, bán vé số một buổi. Buổi tối thì phụ mấy mẹ, mấy dì lo cho những đứa bé hơn.
Tôi đã quen xem trại mồ côi như nhà mình, những đứa trẻ mồ côi chung quanh là anh em của mình, thế nhưng vẫn có những lúc thấy cô đơn, trống vắng đến chảy nước mắt. Thỉnh thoảng tôi lại nhớ đến ngôi nhà mà mẹ đã chở tôi đến những ngày cuối đời nhưng tôi không bao giờ muốn bước qua cánh cổng ấy để nhìn nhận những mối dây thâm tình của mình. Mà dẫu có muốn, tôi cũng không nhớ đường đi…
Năm tôi 18 tuổi, mẹ nuôi tôi ở trại mồ côi gọi tôi vào phòng: “Bây giờ con đã trưởng thành, con phải rời mái ấm để nhường chỗ cho những bạn khác. Các mẹ đã chuẩn bị cho con”.
Sự chuẩn bị của các mẹ là liên hệ với một cư sở dạy nghề để cho tôi vừa học, vừa làm vì không ai nghĩ rằng tôi sẽ đậu đại học. Thế nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra. Tôi đậu cả 2 trường và quyết định học đại học kinh tế. Tôi nghĩ mẹ ở trên trời đã phù hộ cho tôi.
Đã quen vất vả từ những ngày thơ bé nên việc làm thêm để kiếm tiền trang trãi việc học hành đối với tôi chẳng là gì. Có lẽ nhờ vậy mà sau khi ra trường không bao lâu, tôi đã tìm được công việc yêu thích cho mình. Có thể nói, tôi rất thích những con số. Điều đó là một thói quen được hình thành từ những ngày thơ dại, khi tôi hằng ngày đếm những đồng tiền từ những xấp vé số của mình. Chính điều đó đã giúp tôi say mê và làm tốt công việc đến nỗi chính giám đốc công ty đã nhiều lần khen ngợi.
Thế nhưng, giờ đây, tôi có nguy cơ phải nghỉ việc bởi tôi đang mơ hồ cảm thấy một mối đe dọa từ người giám đốc đáng tuổi cha, chú mình. Tôi không muốn lặp lại sai lầm của mẹ ngày xưa… Nhưng tôi chưa kịp làm gì thì một hôm sếp trưởng phòng của tôi bảo: “Hôm nay sinh nhật giám đốc, bác ấy mời cả phòng mình đến nhà dùng cơm”.
Vậy là hết giờ, cả phòng chất lên 2 chiếc taxi để đến nhà giám đốc. Tôi chưa bao giờ đến đấy nên theo thói quen, vừa bước xuống xe, tôi đã đảo mắt nhìn quanh. Nhà giám đốc cạnh ngã tư, ngay gần đó có một cây cột điện thật to. Cảm giác quen thuộc đến ngỡ ngàng. Tôi cứ đi tới đi lui khiến anh trưởng phòng phải giục: “Em làm gì vậy? Vô đi, mọi người đang chờ kìa”…
… Giờ thì bức màn bí mật về cha tôi đã được vén lên. Chính ông ta đã lần tìm trong lý lịch tên của mẹ tôi sau khi nhận ra nơi tôi “những điều quen thuộc đến lạ lùng” như lời ông ta nói.
Giá như tôi đừng bước vô ngôi nhà ấy thì có lẽ tôi thấy dễ chịu hơn. Khung cảnh xa hoa, lộng lẫy, kẻ ăn người ở nườm nượp phục vụ khiến tôi chạnh lòng nhớ tới những ngày tôi và mẹ đói khát, lang thang không nơi nương tựa. Giá như mẹ con tôi chỉ được bằng một phần nhỏ trong sự giàu sang đó thì có lẽ mẹ tôi đã không bỏ tôi lại mà đi trong lạnh lẽo, cô đơn, nghèo khó như vậy…
Và chẳng biết từ bao giờ, trong lòng tôi lại dậy lên một nỗi oán hờn. Mẹ tôi đã bị ông ta cưỡng hiếp khi là nhân viên dưới quyền. Khi ấy ông ta chỉ là một phó phòng tổ chức nhưng quyền sinh sát trong tay vì con của giám đốc. Khi biết mẹ tôi có thai, ông đã ép phải phá bỏ.
“Nếu ngày ấy, mẹ tôi nghe lời ông thì bây giờ làm gì còn có tôi trên đời này để ông nhìn nhận máu mủ, ruột rà? Ông biết là mẹ tôi không thể bỏ đi giọt máu của mình, vậy tại sao ông không đi tìm mẹ tôi? Ông có biết là mẹ tôi đã sống khổ sở thế nào không?”- tôi giận dữ nhìn người đàn ông đang khổ sở trước mặt mình. Ông ta nói rằng vì khi ấy ông đã có vợ con; vợ ông đang bệnh nặng nên không thể ly dị để đến với mẹ tôi; ông ta nói rằng, yêu mẹ tôi thật lòng.
Cho dẫu điều đó là sự thật thì tôi cũng không thể nào chấp nhận… “Tôi thà làm một đứa trẻ mồ côi còn hơn là có cha mà phải xấu hổ về người cha ấy. Ông về đi”- tôi đẩy ông ta ra khỏi phòng, đóng sầm cửa lại.
Tôi bỏ việc. Sếp trưởng phòng tìm tôi, bạn bè trong công ty tìm tôi, trưởng phòng nhân sự gọi điện liên tục. Tôi không tiếp, không nghe điện thoại. Cho đến khi có người gởi cho tôi tin nhắn: “Em gái, cha và anh biết là em còn giận nhưng hãy cho cha một cơ hội để chuộc lại lỗi lầm. Cha đang cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất. Nếu em vào thăm, có lẽ bệnh tình của cha sẽ chuyển biến tốt”.
Bình luận (0)