Ảnh minh họa: Internet
“Ổng” mà N. nhắc đến chính là ông chồng Việt kiều của chị. Ở Đài Loan, ông H. đã có vợ con nên sống với chị N. không đăng ký kết hôn. Hai người có một con gái 15 tuổi. Khi mới sống chung, chị N. được ông H. mua cho một căn nhà rộng 60m2 ở Q.3. Do là Việt kiều, ông để cho chị đứng tên sở hữu nhà. Đây là nơi trú ngụ của ông khi lui tới TPHCM làm ăn.
Sống vui vẻ trong thời gian khoảng 10 năm thì hai người bắt đầu hục hặc, bất hòa. Nguyên nhân là do ông có thêm “vợ”, đã cắt giảm viện trợ cho mẹ con chị N. Căn nhà rộng, chị định ngăn đôi cho thuê để có thu nhập hàng tháng, nhưng ông không cho phép vì sợ chị viện cớ “chứa trai” trong nhà. Chị muốn ra ngoài làm việc để kiếm tiền, ông cũng không cho vì sợ chị sẽ có mối quan hệ khác. Mặc, chị vẫn xin việc ở một nhà hàng, ông H. truy ra số điện thoại, gọi đến rêu rao, nhục mạ chị N. đủ điều, khiến chị phải nghỉ việc.
Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm cách đây một năm, khi ông H. phát hiện mắc bệnh nan y. Ông sang VN thúc ép chị N. ký vào giấy cam kết có nội dung: “Tất cả tiền đã mua nhà là của ông H.; bà N. không được cho ai vào ở, không được bán nhà; đến khi con tròn 18 tuổi, bà N. phải sang tên cho con” và buộc chị cùng ra công chứng. Chị N. không chấp nhận ký vì sợ bị ông “quật” lại, hai mẹ con không còn nhà để ở.
Từ đó ông H. liên tục gọi điện thoại, nhắn tin hăm dọa sẽ “thanh toán” chị bất cứ lúc nào. Chị N. sợ hãi đem con đi trốn, khi ông trở về Đài Loan, chị mới dám về nhà ở, nhưng tâm trạng luôn lo sợ vì ông dọa “ngoan cố không chịu ký tên, ông sẽ thuê người xử đẹp”. Là chủ sở hữu căn nhà, là người “nắm đằng cán” nhưng chị N. vẫn dở khóc dở cười vì “chồng” chơi luật rừng.
Luật sư Vũ Thị Hoài Vân (Văn phòng Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ - Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp) tư vấn: “Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 nêu rõ: “nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng”. Chị N. là người độc thân, căn nhà là tài sản riêng của chị. Vì thế, chị có quyền sử dụng, định đoạt. Chị có thể nhờ chính quyền địa phương can thiệp, bảo vệ sự an toàn của mình và con gái. Sống trong không khí luôn bị hăm dọa như thế rất tổn hại cho sức khỏe, tinh thần của hai mẹ con. Chị có thể bán nhà, chuyển đi nơi khác sống để tránh những ràng buộc phức tạp về sau”.
Về việc ông H. làm áp lực buộc chị N. ký tờ cam kết, nếu nặng “cái nghĩa” hoặc nghĩ nguồn gốc căn nhà có được nhờ tài sản của ông H., chị N. có thể cùng ông H. soạn lại nội dung tờ cam kết để cả hai cùng an tâm. Chị có thể giữ lại vế sau của nội dung như ông yêu cầu “bà N. không được bán nhà; đến khi con tròn 18 tuổi, bà N. phải sang tên cho con” (vì điều này cũng hợp ý của chị N.). Tuy nhiên, nếu giữ lại nội dung “tất cả tiền đã mua nhà là của ông H.”, chị N. có nguy cơ trắng tay nếu ông H. căn cứ vào đó mà khởi kiện tranh chấp nhà.
Bình luận (0)