Quả thật có biết bao câu hỏi tội nghiệp mà phương cách giải quyết, khắc phục hậu quả thì không dễ dàng chút nào!
“Cho” để giữ người yêu ?
Làm công tác tư vấn, tôi thường gặp những chuyện đau lòng: H., quê ở miền Trung vào TPHCM học nghề may, tại đây H. quen một anh bạn đang học đại học. “Chúng em yêu nhau tha thiết và anh ấy hứa khi ra trường sẽ cưới. Vì quá yêu thương nên em đã đồng ý cho cả những gì quý nhất của đời con gái để mong giữ được anh ấy. Thế nhưng khi ra trường có công ăn việc làm đàng hoàng anh ấy lại bảo: “Thương em thì thương lắm, nhưng chuyện cưới xin thì chưa thể được!”. Gần đây anh ấy lại quen với một bạn gái khác cùng công ty trong khi vẫn lui tới với em, tính đến nay em đã một lần nạo phá thai và sáu lần hút điều hòa. Một năm nay em cố tình để có thai với mong muốn có một đứa con và cũng để gây áp lực với ảnh và cả gia đình anh ấy. Thế nhưng bác sĩ bảo em không thể có con được nữa”.
Qua thực tế tư vấn, chúng tôi được biết nhiều bạn gái trẻ ở tuổi mười tám, đôi mươi băn khoăn không biết xử trí thế nào trước “hăm dọa nghỉ chơi” của người mình yêu, nếu không “chiều” anh ta |
Đó không phải là trường hợp cá biệt, H.T, 24 tuổi (Q. Tân Bình - TPHCM), tâm sự: “Tôi và M. quen nhau thuở còn là sinh viên và dự định tiến tới hôn nhân. Vậy mà sau khi ra trường đi làm ở một công ty nước ngoài, anh ấy quen cô bạn đồng nghiệp và không còn quan tâm gì đến tôi nữa. Ghen tức, đau khổ và cũng vì muốn giữ anh ta cho bằng được nên nhân một chuyến đi picnic tôi đã cố tình để cho... chuyện xảy ra. Tôi nghĩ cái bào thai gần ba tháng là cách gây áp lực hữu hiệu với anh ấy. Thế nhưng khi tôi thông báo cho anh biết, anh đã gạt phăng đi!”. Còn L.N.N, 20 tuổi (Q.10 - TPHCM), kể: “Những lúc anh vuốt ve, mơn trớn, em đều cảnh giác, can ngăn, nhưng anh nói trước sau gì em cũng là vợ anh, em không “chiều” cũng sẽ có người khác “chiều” (?). Sợ mất anh ấy nên đã vài lần em “quan hệ” với anh ấy”.
Phải biết lường trước nguy hiểm, bất trắc
Trên thực tế, không ít trường hợp quan hệ tình dục quá sớm đã dẫn đến tan vỡ vì họ còn quá trẻ. Hoặc nếu có tiến tới hôn nhân thì lễ cưới diễn ra chỉ là hình thức, chỉ để cha mẹ đỡ... nhục, hoặc chỉ để đối phó với dư luận và họ hàng. Đối với những bạn gái quan hệ tình dục trước hôn nhân nếu có gây được áp lực, họ sẽ rơi vào tình trạng miễn cưỡng phải lấy nhau. Thực tế cho thấy “tuổi thọ” của các đôi vợ chồng này cũng không cao.
Những sinh viên, thanh niên, công nhân xa nhà vào TP học tập, làm việc... thường thiếu thốn tình cảm và các điều kiện vật chất... khiến họ phải nương tựa vào nhau. Rồi họ yêu nhau, đôi khi như một nhu cầu, có cơm ăn, có áo mặc thì cũng cần có người quan tâm, chăm sóc, chở đi chơi vào những ngày cuối tuần, ngày lễ, tết... Yêu nhau không bao giờ có tội! Và không ai trong chúng ta có thể trách cứ chuyện tình yêu với ý nghĩa thiêng liêng, cao đẹp và thánh thiện của nó.
Ngày nay tuy thái độ của xã hội đối với những đôi tình nhân “ăn cơm trước kẻng” có độ lượng và khoan dung hơn trước nhưng nói chung xã hội cũng không dễ chấp nhận chuyện tình dục trước hôn nhân. Ở đây không hẳn là vấn đề đạo đức xã hội mà vì sự nguy hiểm và nhiều bất trắc của nó. Dẫu rất hiểu và cảm thông cho giới trẻ, cho dù rất yêu nhau, yêu say đắm, thậm chí có thể chết vì nhau đi chăng nữa... nhưng không phải ai cũng tránh được sự trắc trở. Lỡ không đến được với nhau thì người con gái sẽ phải đương đầu và chịu đựng tất cả. Vì vậy, nên chăng tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức trong giới trẻ là phải nhận thấy, biết trước những khó khăn, bất trắc và những hậu quả đau lòng của tình dục trước hôn nhân, để tự giữ gìn, tránh phải gánh hậu quả vì “ăn cơm trước kẻng”.
Đừng đặt tình yêu nhầm chỗ Thế hệ 8X, 9X thời nay có tư tưởng đốt cháy giai đoạn, thậm chí có bạn trẻ còn lên án chuyện “nam nữ thụ thụ bất thân”. Thế nên họ tập và sống theo lối sống buông thả, tự do, thực dụng và vô trách nhiệm. Với tư tưởng muốn “ăn xổi ở thì”, thích giây phút hạnh phúc bề nổi, nhiều bạn gái thời nay dễ dãi cho đi cái quý giá nhất của mình để được nhập cuộc chơi. Với họ thích thì yêu, hợp thì sống chung, còn chán thì bỏ. Họ đâu biết được trái tim đặt nhầm chỗ sẽ nguy hại đến mức nào. THU HƯƠNG (Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình 1, Phủ Lý – Hà Nam) Trinh tiết là bản lĩnh sống của nữ giới Tôi nghĩ, châu Âu hay châu Á, dù có khác nhau về phong tục, tập quán đến đâu chăng nữa thì không ai lại muốn có một cô người yêu “thông thoáng” đến mức phóng túng, xem nhẹ sự thiêng liêng trong tình yêu, có thể dễ dàng trao thân cho những chàng trai mà cô chỉ mới có cảm tình và sẵn sàng “tình cho không biếu không”. Theo tôi, trinh tiết không đơn thuần chỉ là một cái màng mỏng như quan điểm của y học mà đó là biểu hiện cho một quan điểm sống, một bản lĩnh sống. Một khi cô gái đã trao thân trước hôn nhân thì dù có lấy được nhau, người chồng cũng cảm thấy hụt hẫng, vì cái đêm chính thức đó đã mất đi cảm giác thiêng liêng, đã mất đi cảm giác được khám phá nhau, được hòa hợp vào nhau... và như thế, sợi dây ràng buộc tình cảm xem như đã lung lay ngay từ buổi đầu. Còn nếu đó là người đàn ông đến sau, thì dù độ lượng đến mấy, đó cũng sẽ là một vết thương tiềm ẩn chỉ tạm thời ngủ yên và sẽ đốt cháy lòng người đàn ông những khi đời sống gia đình không yên ả. Cho dù anh ta có là người trí thức đến đâu, hiểu biết đến đâu, đơn giản vì đó chính là phản ứng tâm lý khi lòng kiêu hãnh của người đàn ông bị tổn thương, khi phải trở thành “người đổ vỏ”. L.A.DZŨNG (TPHCM) |
Bình luận (0)