Những ngày đầu tháng 10, ngành tòa án TP.HCM bắt đầu tổng kết số án thụ lý trong năm. Dù chưa có con số tổng hợp cuối cùng nhưng điều làm không ít thẩm phán phải trăn trở là số án hôn nhân và gia đình lại gia tăng hơn năm trước.
Chỉ biết có riêng mình
Qua chuyện họ kể, tôi hình dung ra rằng có những cuộc hôn nhân sẽ rất đẹp nếu mỗi bên chịu san sẻ, thương yêu nhau. Nhưng hiện nay, không ít cặp vợ chồng trẻ sẵn sàng dắt nhau ra tòa bởi lối sống ích kỷ, chỉ biết có bản thân mình.
Anh T. mới 28 tuổi, đã lấy bằng tiến sĩ ở Nhật Bản, về nước làm trưởng khoa một trường đại học lớn ở TP. Anh kết hôn với chị V., nhân viên ngân hàng. Họ được cha mẹ hai bên cho một căn nhà ra riêng. Cuộc hôn nhân là quả ngọt của một tình yêu nồng nàn suốt một thời gian dài. Vậy mà chưa đầy một năm, họ đã nộp đơn ra tòa xin ly hôn.
Tại tòa, anh nói chị không tôn trọng bạn bè anh. Bạn anh đến chơi mà chị không ra tiếp đón cho phải phép. Có khó gì đâu, chỉ một lời chào, làm ly nước mời khách. Chị lại nói bạn anh anh tiếp, có ra chào hỏi được tí cũng quay vào, mất công thay bộ đồ. Còn nếu ngồi tiếp chuyện, chị cũng không biết nói gì bởi toàn chuyện chị không hề quan tâm. Chị đi làm về mệt, chỉ muốn nằm xem tivi thư giãn. Hơn nữa, bạn bè chị tới chơi, chị cũng đâu ép anh ra chào hỏi đâu mà anh bắt bẻ chị.
Anh đổ qua việc chị không chịu chăm bếp núc. Chị phân bua: “Tôi có nấu nhưng chưa ngon. Anh ta không một lời nói khéo động viên mà còn chê ỏng chê eo nên sau đó tôi quyết định chỉ ra ngoài ăn tiệm”. Chị nói: “Tôi đi làm cả ngày vất vả, về còn phải hầu anh ta sao? Hồi ở nhà, tôi có phải chăm sóc ai như vậy đâu!”.
Anh vặn vẹo chị điều này điều kia trong những cách cư xử rất nhỏ nhặt. Tức mình, chị tuôn thêm: “Tối tôi đi học thêm cho bằng bạn bằng bè. Về nhà, anh ta bắt tôi học theo cách của anh ta. Không làm theo, anh ta chê tôi ngu dốt. Tự ái không?”.
Đến đây, vị thẩm phán đã hiểu hết. Ông tâm sự: “Họ có thể là những người trẻ học thức cao, thành đạt, quan hệ rộng nhưng họ thiếu một điều rất quan trọng. Đó là kỹ năng chung sống. Họ là những cậu ấm, cô chiêu chỉ biết mỗi mình mà chưa biết hy sinh, bao dung, san sẻ, cùng nhau nâng niu tình yêu trong khi họ có đầy đủ điều kiện để có một gia đình hạnh phúc”.
Chỉ yêu thôi chưa đủ
Đến giờ này, một thẩm phán vẫn còn nhớ rõ vụ xin ly hôn giữa người vợ là một kiến trúc sư và anh chồng là tài xế taxi. Họ có sự khác biệt rất lớn về học thức, môi trường sống nhưng bằng tình yêu, cả hai vẫn tiến được tới hôn nhân.
Người vợ - chị H. tâm sự: “Ngày đó tôi tin rằng chỉ cần có tình yêu thì mọi thứ đều có thể vượt qua nhưng giờ tôi hiểu là không thể”...
Lấy nhau, thời gian hạnh phúc của họ rất ngắn ngủi bởi anh bộc lộ tính cách ghen tuông rất mù quáng.
Chẳng hạn, mỗi lần anh thấy được tấm ảnh chị chụp cạnh người đàn ông nào trong buổi tiệc, dù chụp chung cả tập thể, anh cũng sẽ khoanh tròn ảnh hai người rồi viết nên một câu chuyện với nội dung bậy bạ ở mặt sau để xúc phạm danh dự vợ. Anh còn nghĩ ra những trò quái làm chị bị tổn thương. Anh mua một SIM điện thoại khuyến mãi rồi nhắn tin vào máy chị tán tỉnh. Sau đó, dù chị không trả lời, anh vẫn mở máy chị, đem tin nhắn đó ra... chì chiết.
Chị hiểu anh yêu chị lắm mới ghen nhưng ghen như thế thì không thể nào chịu đựng được khi chồng luôn có ý nghĩ trong đầu là vợ đi lăng nhăng bên ngoài. Yêu anh, chị cũng từng vượt qua nhiều rào cản từ phía gia đình, bạn bè để mong có cái kết đẹp cho tình yêu của cả hai nhưng không ngờ rồi họ cũng phải ly hôn. Giờ chị vẫn yêu anh nhưng không thể quên được sự xúc phạm của anh. Thậm chí chị còn không muốn gặp anh nữa dù chỉ như là hai người bạn.
Lấy vợ, lấy chồng không ai muốn có ngày phải dắt nhau ra tòa chia tay nhưng thực tế cuộc sống gia đình không hề đơn giản. Có lẽ để vun đắp hạnh phúc thì cả vợ lẫn chồng đều phải cùng cố gắng mà thôi.
Có ba đứa “con” mà vẫn không biết mình vô sinh |
Bình luận (0)