Chàng là dân xây dựng công trình, phụ trách giám sát hẳn hòi, chủ yếu ngồi văn phòng chứ không phải dãi nắng dầm mưa. Nghe “bà mối” của mẹ nói, chàng giỏi lắm, từng du học trời Tây mấy năm, yên tâm là hành xử văn minh nhé. Ta hồi hộp ra trò, dù chẳng tin gì chuyện mối lái. Nhưng không mở rộng vùng giao tiếp của mình, thì cũng chẳng có cơ hội thoát cảnh ế để mẹ hân hoan. Với lại, lý lịch đối phương thế, không dưng cũng khiến ta tò mò.
Hai đứa bắt đầu dò xét nhau. Ta bắt đầu thấy khó chịu. Chà, đến cái tuổi này, hóa ra tình yêu nó biến tướng thành thực dụng đến thế rồi! Ngồi trước mặt hắn là cả một khối tinh thần dồi dào mẫn cảm thế này, mà hắn có chịu tìm hiểu đâu. Hắn hỏi ngay: “Cưới nhau xong, em thích sống chung với gia đình chồng không, hay thích ở riêng?” (sao có thể vội vã trắng trợn thế nhỉ, choáng váng!).
Hắn hỏi ta biết cắm hoa không, biết nấu mâm cơm cúng thế nào không, tối đi làm về có khuya không (ta thường về trễ lắm, thế là hắn khuyên ngay: không được rồi, một người vợ tốt chả ai làm thế!). Bỗng dưng ta cảm thấy mình như một món hàng được đặt lên bàn để cả hai cùng đánh giá, tiêu chí đánh giá là hình mẫu người vợ hoàn hảo của hắn. Mà chính ta, lây lan không khí đó, cũng bắt đầu cân đong hắn theo những chuẩn mực của mình: khô cứng quá, bảo thủ quá, kiểm soát quá… Thôi, thế thì yêu đương sao được!
Kết thúc buổi tối “lãng mạn”, anh chàng xem ra hài lòng (chết chưa!). Chàng tính tiền, xong quay sang cười với ta: “Anh hy vọng lắm, anh mong chúng mình sẽ có kết quả tốt đẹp!” (sao y như cách anh chàng đấu thầu thế này: anh mong mình sẽ nhận được gói thầu này, em xem thế nào nhé!).
Ta chua chát ôm cái so sánh ấy trên đường về nhà, dẹp ngay mộng vàng với chàng kỹ sư. Mẹ và thằng em đứng đón tận cổng, bắt ta tường thuật chi tiết diễn biến “trận đấu”. Kết luận của mẹ: “Thằng nhỏ nghiêm túc đấy, tốt quá!” làm ta hết sức não nề, lập tức chuồn lên phòng ngủ.
Đây chẳng phải lần đầu. Thử hẹn hò mấy bận trên mạng xã hội, rồi ngoài đời, ta thấm thía chuyện gái ế tìm chồng. Người xưa nói chẳng sai, “Quả mai ba bảy đương vừa/ Đào non sớm liệu xe tơ kịp thì” (*), để đến khi thân như trái mơ rụng, thì đàn ông chỉ cần mang giỏ đến, nói một lời là xong. Xem ra ta chả còn phẩm giá gì để làm cao làm phách nữa. Mà ta cũng đâu muốn làm cao với ai, chỉ muốn tình yêu tự nhiên, không toan tính. Mà kiểu tình yêu đó, phải dần dà, hữu xạ tự nhiên hương, phải có thời gian tìm hiểu, phải trong sáng. Có phải người ta cảm thấy gái ế không cần yêu, không phải để yêu, mà chỉ cần cưới thôi nhỉ? Tội nghiệp quá đi ta ơi…
Nằm trong đêm, ta lục lọi trí nhớ, xem từ khi nào ta bị gọi là gái ế? Như là từ khi mẹ ta bắt đầu cằn nhằn. Mà từ khi nào mẹ ta cằn nhằn? Như là từ khi hàng xóm nói ra nói vào. Chuyện tận đẩu tận đâu, chứ bản thân ta chưa bao giờ cảm thấy mình ế. Ta vẫn bình tĩnh chờ mong một tình yêu đúng nghĩa, và dị ứng với tất cả những thể loại vơ vét cuối mùa gán cho gái ế. Dù có ế, cũng có phải hàng sale off đâu cơ chứ!
Mẹ ta dưới nhà đang hào hứng, tưởng đâu sắp có chàng rể là kỹ sư. Còn ta ở trên lầu đang đi đến kết luận đanh thép: ta sẽ còn ế dài dài đến khi anh chàng yêu thương thật sự xuất hiện. Một anh chàng thuyết phục ta bởi sự tôn trọng chân thành, và cũng bị thuyết phục bởi tâm hồn và tính cách của ta. Mẹ ta lúc đó hẳn phải mừng rỡ hơn bây giờ, vì chàng đến với bông hồng trao tay chứ không phải mang giỏ đến hốt ta đi. Phải thế chứ!
(*) Câu thơ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều.
Bình luận (0)