Để chọn hình thức phạt theo đúng lỗi của trẻ, bạn có thể tham khảo những cách sau:
Kiên quyết với trẻ
Nếu bé cưng có nhiều hành động như: không chịu lên giường ngủ, chơi trong lúc ăn, không dọn đồ sau khi chơi, gặp người lớn không chào..., bố mẹ cần nghiêm khắc để bé đi vào khuôn phép. Bạn nên yêu cầu con thực hiện tốt nhiệm vụ của mình ngay lúc ấy. Nếu bé vẫn bướng bỉnh, bạn có thể nói: “Con làm đi, chiều mẹ cho đi công viên chơi”. Tuy nhiên, bạn nhớ thực hiện lời hứa nhé.
Lời nói
Tránh dùng “vũ lực” với bé nếu con có hành động nào đó làm bạn chưa vừa lòng. Bạn hãy kể cho bé nghe một câu chuyện có liên quan, lồng vào đó là những lời khuyên, bài học giúp trẻ nhận ra sai trái của mình.
Để con cái chọn lựa
Nếu bé cưng vòi mẹ mua đồ chơi, quần áo đẹp, hãy để bé chọn món nó thấy cần thiết nhất. Bạn không nên mua tất cả các thứ bé muốn vì như thế sẽ tạo thói quen xấu cho con.
Chú ý đến thái độ
Không nên la mắng con khi bé tỏ thái độ không tốt. Bạn cũng khoan vội phê bình thái độ đó tốt hay xấu, chỉ nên nhẹ nhàng: “Mẹ rất yêu con nhưng mẹ không thích con cư xử như vậy”. Trẻ sẽ hiểu mình đã sai và mẹ không hài lòng.
Không thô bạo
Việc phạt con úp mặt vào tường hay không được đi chơi… có thể giúp bé nhận thấy lỗi của mình. Nhưng hình phạt nhốt bé vào kho, đánh mắng con… chỉ áp đảo tinh thần của chúng. Nếu bị đánh nhiều, bé sẽ trở nên “lì đòn” và không sợ bố mẹ nữa. Những cách phạt này dễ khiến bé bị tổn thương tâm lý cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần về sau của trẻ.
Cấm bé tiếp xúc với điều xấu
Trẻ chửi thề, nói bậy thường do ảnh hưởng của môi trường xung quanh. Khi bé nói những câu không “lọt tai”, bạn cần bảo cho con biết đó là thói quen không tốt để bé sửa đổi. Nếu trẻ vẫn như thế, bạn cấm con không được chơi với các bạn hay nói bậy.
Phạt đúng lúc
Khi trẻ mắc lỗi, bạn hãy chỉ cho bé thấy điểm sai. Nếu bé phản ứng lại, bạn cần phạt trẻ ngay. Nếu để lâu, bé sẽ chẳng nhớ mình đã phạm lỗi gì để sửa nữa.
Bình luận (0)