xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phép tính hôn nhân

Theo Thùy Dương (Phụ Nữ TPHCM)

Bên cạnh nỗi lo gặp người không chung thủy, mắc nhiều tật xấu, đời sống hôn nhân hiện đại còn phát sinh thêm một nỗi lo lớn là gặp phải các ông chồng/bà vợ “giỏi môn toán”: biết làm phép trừ tài sản của người bạn đời để nhân tài sản của mình lên.

Lật kèo

Đầu tháng 10-2009, chị Hà Thu Hoa ở Củ Chi đã tìm đến Báo Phụ Nữ nhờ can thiệp vì chồng chị tẩu tán hết tài sản chung của vợ chồng, đẩy mẹ con chị ra đường trong cảnh trắng tay. Chị kể: chị và anh Nguyễn Văn Quang kết hôn ở Nam Định và vào TP.HCM sinh sống năm 1998. Khi “Nam tiến”, chị Hoa có tài sản riêng là một cây vàng, của hồi môn cha mẹ cho riêng con gái. Chị lấy số vàng đó thuê nhà, mở một tiệm tạp hóa ở Q.Gò Vấp. Làm ăn khấm khá, chị mở thêm quán nước với bàn bi-da. Kinh tế gia đình ngày càng khấm khá hơn. Trong khi đó, chồng chị làm tài xế, lương cũng không cao nên thu nhập của anh chỉ để chi tiêu cá nhân. 

img


Sau hơn 5 năm làm lụng cực nhọc, chị Hoa bàn với chồng mua mảnh đất, xây nhà để ổn định cuộc sống. Anh Quang đồng ý nhưng bảo nhờ chị của anh mua vì chị quan hệ rộng, lại am hiểu về  pháp luật nên dễ dàng làm thủ tục. Thấy có lý, chị Hoa đưa 300 triệu đồng  nhờ chị chồng mua nhà mà không làm biên nhận.

Mua nhà xong, vợ chồng chị Hoa cho thuê, hàng tháng đến thu tiền, dự tính khi khu vực này đông dân cư mới dọn về để buôn bán. Nhưng, chị chưa kịp về nhà mới thì phát hiện chồng có bồ nhí, vợ chồng bắt đầu lục đục. Chị ghen là bị anh đánh không thương tiếc, nhiều lần chị  còn phải trốn khỏi nhà mấy hôm liền để tránh đòn.

Hoảng sợ trước những trận đòn của chồng, giữa năm 2009, chị Hoa nộp đơn xin ly hôn. Khi tòa mời lên hòa giải, chị mới tá hỏa khi  nghe anh khai tài sản chung không có gì. Căn nhà vợ chồng chị nhờ người chị chồng mua hiện nay trị giá đã đến hơn 800 triệu đồng được chồng chị khai là tài sản của người chị. Tòa xác minh, chị của anh Quang khẳng định là tài sản riêng và chị trưng ra giấy tờ chủ quyền hợp pháp. Về việc chị Hoa đi thu tiền cho thuê nhà hàng tháng, người chị giải thích: “Vì thương em nên tôi cho tụi nhỏ tiền thuê nhà”.

Chị Hoa cay đắng mất trắng căn nhà vì không có chứng cứ xác nhận chị là chủ sở hữu hay chị đã nhờ chị chồng mua giùm. Hiện chị vẫn phải ở nhà thuê, bán tạp hóa nuôi ba con nhỏ và mỏi mòn đi kiện đòi nhà.

Chị Phạm Thúy Bình (ở Q.10) đã có một thời vui vẻ và hài lòng với công việc nội trợ sau khi chồng chị trúng chứng khoán năm 2006, bảo chị nghỉ việc ở nhà. Chỉ quanh quẩn cơm nước, chị có thời gian rảnh thì đi shopping, “luyện”  phim bộ và đọc sách nên nghĩ, số mình thật may mắn, an nhàn. Nhưng, cuối năm 2008, chị phát hiện chồng  mình là anh Nguyễn Phúc Nguyên ngoại tình, đã có một con riêng bốn tháng.

Chị suy sụp vì ghen. Anh chẳng những không hối lỗi, còn mắng vợ: “Mấy năm nay tôi cho cô cuộc sống sung sướng như bà hoàng, cô biết điều thì im lặng đi”. Sau đó, anh cắt giảm viện trợ, thường xuyên bỏ nhà đi qua đêm. Hết hăm dọa đến năn nỉ cũng không kéo được chồng về, chị đòi ly hôn, chia tài sản. Anh Nguyên dọa: “Cô biết điều lẳng lặng ly hôn thì tôi cho căn nhà để mẹ con ở. Còn thưa kiện, tranh chấp tôi không cho một xu”.

Lời hăm dọa của chồng khiến chị vô cùng hoang mang, vì mọi tài sản đều do chồng chị nắm giữ, chị chỉ nghe chồng khoe mua miếng đất này, căn hộ kia chứ không hề thấy “mặt mũi” thế nào, chỉ biết có căn nhà đang ở. Ra tòa, anh Nguyên khai căn nhà đang ở đã được thế chấp để anh lấy tiền chơi chứng khoán và đã thua lỗ  hết trong năm 2008. Sắp đến ngày đáo hạn, anh không có tiền  trả nên sẽ để ngân hàng phát mãi nhà. Anh Nguyên nói, đó là nợ chung, vợ chồng phải cùng chịu. Anh còn lấy lý do vợ không có việc làm nên giành quyền nuôi cô con gái tám tuổi. 

Không chỉ phụ nữ mới bị lật kèo, mà có những ông chồng cũng chịu chung số phận vì mất cảnh giác. Anh Đoàn Quốc Hùng từng đến Báo Phụ Nữ nhờ  tư vấn chuyện nhà của mình. Vợ chồng anh làm chung ngành xây dựng, thu nhập cao và ổn định nên sau bốn năm kết hôn, anh chị đã có một căn nhà, một miếng đất và gần một tỷ đồng gửi ngân hàng. Tuy nhiên, đất và nhà đều do mẹ vợ anh đứng tên, bởi vợ chồng anh mua để kinh doanh, sợ bị đóng thuế thu nhập (mỗi người đều đã đứng tên tài sản của cha mẹ cho riêng).

Gần đây, mỗi lần vợ chồng gây gổ là vợ anh đòi ly hôn. Tuần rồi, anh đến ngân hàng định rút tiền thì mới hay vợ đã làm đơn đề nghị ngân hàng phong tỏa tài khoản (vợ anh đứng tên chủ tài khoản, còn anh tên phụ) vì vợ chồng sắp ly hôn, đang chờ tòa án giải quyết. Anh về hỏi vợ, chị cho biết đã nộp đơn ly hôn và kê khai tài sản chung vợ chồng chỉ có 600 triệu đồng gửi ngân hàng. Còn nhà và đất thì chị Oanh - vợ anh, thản nhiên: “Nhà đất nào? Ai đứng tên là của người đó”.

Hoạch định cuộc sống trước khi kết hôn

Khi kết hôn, ai cũng mong có được một mái ấm hạnh phúc, nhưng “đời không như là mơ” nên đã có nhiều bị kịch xảy ra như những trường hợp trên. Chị Bình tâm sự: “Khi kết hôn, ai cũng nghĩ sẽ sống đến trọn đời và cố gắng vun đắp cho gia đình, đâu có bao giờ nghĩ đến chuyện ly hôn mà “thủ”, mà “tẩu tán tài sản”. Đó cũng là suy nghĩ của hầu hết những người kết hôn vì mục đích mưu cầu hạnh phúc, đã đặt trọn niềm tin vào người bạn đời. Vì thế, họ không tính toán thiệt hơn khi chồng/vợ đề nghị để người thân bên mình đứng tên nhà cửa, đất đai, hoặc mua lại tài sản từ cha mẹ cũng không yêu cầu làm giấy tờ sang tên cho hai vợ chồng. Chị Thùy Linh ở Long An là một trường hợp cả tin để rồi cay đắng như thế.

Vợ chồng chị sống chung nhà với cha mẹ chồng, ngoài việc được ông bà cho 1.000m2 đất, anh chị còn mua rẻ của cha mẹ chồng 3.000m2 đất để trồng trọt. Nghĩ người cùng một nhà, chị Linh không yêu cầu sang tên. Mấy năm qua chị vẫn chịu thương chịu khó làm lụng, vun vén cuộc sống nhưng từ ngày có tiền, chồng chị mê nhậu hơn làm. Một tháng anh nhậu đủ 30 ngày, lại còn sinh tật bia ôm, gái gú. Về nhà là anh vòi tiền vợ, chị đưa thì yên, không đưa thì no đòn. Chị muốn ly hôn nhưng sợ cảnh ra đi tay trắng, không tiền nuôi con vì chồng chị đã cảnh báo như vậy. Còn tiếp tục sống chung xem như chấp nhận làm đầy tớ không công, bởi chị chẳng có tài sản gì ngoài “công sức làm dâu”.

Những trường hợp trên rất phổ biến và người đàn ông thường đóng vai phản diện. Qua tư vấn trực tiếp hàng chục trường hợp tương tự, chị Hạnh Dung - người giữ chuyên mục “Nhỏ to tâm sự” trên Báo Phụ Nữ “sơ kết”: “Người chồng thường có dấu hiệu tẩu tán tài sản khi ngoại tình, cờ bạc, ma túy... Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ban đầu là “động cơ trong sáng” khi nhờ người thân bên mình đứng tên nhà cửa, đất đai giùm; chỉ khi xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến khả năng ly hôn, lòng tham trỗi dậy khiến người ta trở mặt. Ngoài ra, cũng không loại trừ có những ông chồng/bà vợ có máu tính toán ngay từ đầu hoặc nghề “đào mỏ”.

img


Nói như vậy không có nghĩa là các ông chồng, bà vợ bị lật kèo là vô can, mà họ cũng liên đới trách nhiệm vì mắc phải các lỗi:

- Thụ động, an phận với việc chồng (vợ) nuôi, suốt ngày cặm cụi lo cơm nước nội trợ, hoặc chỉ lo làm kiếm tiền, cố gắng hoàn thành vai vợ hiền hay người đàn ông trụ cột là gia đình, không quan tâm tài chính được làm ra từ đâu hay được vợ/chồng sử dụng vào việc gì, như thế nào. Sai lầm này được gọi là “ngủ quên trên chiến thắng”.

- Nhiều người quan niệm, tiền bạc là chuyện tế nhị, nhất là khi  dính líu đến vợ chồng, cha mẹ, con cái nên không đặt vấn đề vợ chồng phải công khai, minh bạch tài chính. Hoặc, khi được cha mẹ cho tài sản riêng không yêu cầu làm thủ tục sang tên, để đến khi vợ chồng xảy ra mâu thuẫn thì thường bị “thu hồi”. Hoặc của hồi môn cha mẹ cho riêng, nhưng nhiều chị thấy ngại, sợ chồng tự ái nên đã biến thành của chung để chồng cùng sở hữu.

- Lòng tham: Thấy cha mẹ, người thân bên chồng/vợ có mối quan hệ rộng nên nhờ mua, làm thủ tục để được châm chước, nhanh chóng; ly hôn giả, sang tên tài sản cho một bên đứng tên để không phải thi hành án, trả nợ...

Trong cuộc sống chung, nếu tránh được những điều trên sẽ có ba cái lợi: tài sản minh bạch, vợ/chồng không có cơ hội tẩu tán tài sản; nếu có bạn sẽ phát hiện kịp thời, nếu tẩu tán bạn cũng biết đường “tầm nã”. Các chuyên gia tâm lý nhắc nhở: “Vợ chồng nên chủ động công khai, minh bạch thu nhập, tài chính và nên quan tâm xem chồng/vợ đang làm việc gì, tiền từ đâu có, kinh doanh như thế nào, lời lỗ ra sao.

Có thể bạn không hỏi thẳng, trực tiếp vì dễ bị  quy tội đa nghi, không tin tưởng nhau mà nên thể hiện như một sự quan tâm. Đã là sự ân cần, quan tâm thì không ai nỡ trách. Ngoài ra, bạn không nên lệ thuộc kinh tế vào chồng/vợ, sẽ tránh được khả năng bị chồng/vợ xem thường, vừa không trắng tay, không thất nghiệp nếu chẳng may phải ly hôn, một mình nuôi con".

Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề từ gốc, bạn phải tìm hiểu tính tình chồng/vợ; lên kế hoạch, tổ chức cuộc sống gia đình từ lúc tiền hôn nhân. Cụ thể: thu nhập bao nhiêu, tiết kiệm như thế nào, ưu tiên mua món gì trước...? Cùng nhau tính toán những điều đó, phần nào bạn sẽ đoán được tính cách, suy nghĩ của người bạn đời tương lai để sau này không phải nói câu “giá mà ngày xưa...”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo