"Cái ví" của đàn ông
Tôi bước chân vào hôn nhân với tâm trạng lâng lâng sung sướng của kẻ chiến thắng mà không biết mình đã bị... mất tự do kể từ đây! Tôi hân hoan chia sẻ cuộc đời mình với nửa kia, cả tâm hồn, thể xác lẫn hầu bao. Vợ tôi là tay hòm chìa khóa, thu nhập hàng tháng của tôi, tôi đưa cả cho nàng và sáng sáng, cô ấy lại dịu dàng hỏi: "Còn tiền tiêu không anh?".
Nếu mọi thứ cứ suôn sẻ như những ngày đầu mới lấy nhau thì tôi sẽ rất lấy làm hạnh phúc khi thức dậy với một gói xôi và 30.000đ trong ví - tiền chè nước và cơm bụi cho bữa trưa. Mình có làm gì đâu mà cần tiêu nhiều tiền nhỉ?
Nhưng chỉ được nửa năm thì tôi bắt đầu thấm thía kinh nghiệm của các đàn anh đi trước: bao nhiêu tiền đưa cho vợ cũng là ít mà lấy ra chi một chút cũng là nhiều. Vợ tôi lại được các mẹ, các chị "nhồi sọ" rằng đàn ông cứ rủng rỉnh tiền trong túi là dễ sinh hư nên càng muốn quản thật chặt cái hầu bao của chồng để tôi khó bề "đi ngang về tắt".
Nàng không chịu hiểu rằng cuộc sống của tôi đâu có đơn giản chỉ là ăn cơm vợ nấu, mặc quần áo vợ mua. Những khi anh em cơ quan hứng chí rủ nhau đi nhậu, tôi ậm ừ cáo bận. Mẹ cậu bạn thân nằm viện, tôi đã trình bày hết nhẽ mà nàng vẫn cằn nhằn: "Sao anh tiêu gì mà tốn thế?". "Cay đắng" nhất là khi hai vợ chồng giận nhau, nàng giận luôn cả cái ví của chồng. Tôi đã từng phải vét hết những đồng tiền lẻ trong túi mới đủ tiền trả hai bát bún ngan khi đi ăn trưa với ông em vợ. Chẳng lẽ lúc em vợ mời đi ăn lại bảo hôm nay chị em không nhét tiền vào ví cho anh?
Chiều nay, sau một chầu bia giãi bày tâm sự với anh bạn cùng phòng, tôi được khai sáng rằng đàn ông bao giờ cũng nên và cần phải có tiền riêng. Cái tiền đó, phụ nữ vẫn ghét cay ghét đắng gọi là quỹ đen, còn đàn ông thì sung sướng cho rằng, đó mới là phần tự do còn sót lại của mình.
1001 chuyện sung quỹ
Các bậc đàn anh dạn dày kinh nghiệm đối phó với "cảnh sát vợ" cho tôi rất nhiều bí quyết để lập quỹ đen. Người không có thu nhập thêm thì ngắt lại một phần lương. Người hay đi họp hành, hội nghị thì giữ lại "phong bì" để gây quỹ. Ai giỏi "kiếm ngoài" rất ngoan ngoãn không đưa thiếu một đồng lương nào cho vợ, thậm chí còn phô tô bảng lương cơ quan cho vợ kiểm chứng để đánh giá cao sự trung thực của chồng!
Cậu bạn thân làm phóng viên một tờ báo lớn thì thầm bảo tôi: "Ban đầu, tớ chỉ đưa lương cho vợ, giữ lại tất cả nhuận bút. Khi nàng phát hiện, tận thu cả nguồn thu nhập ấy thì tớ chuyển chiến lược: mỗi tháng tớ viết 10 bài thì chỉ ký tên thật ba bài, bảy bài còn lại lấy bút danh X, Y, Z nào đó. Có trời mà biết được. Nếu không làm thế, tiền đâu mời anh em bù khú suốt ngày thế này?".
Cảm ơn cái... ATM
Nói thật, gây được quỹ đen đã khó, cất giữ nó "ngoài tầm phủ sóng" của vợ còn khó gấp bội phần. Anh bạn đồng nghiệp có hôm rầu rĩ than thở: có một ít "lộc" giữ tiêu riêng, cất tít dưới cái áo mưa trong cốp xe, ai dè vợ mượn xe đi chợ phát hiện ra, thế là quỹ đen nghiễm nhiên chuyển sang "quỹ đỏ", lại còn phải mất cả tuần để thanh minh thanh nga, thề thốt và dỗ dành...
Có ông cất tiền ở đôi giày cũ trong góc tủ giầy, hôm vợ cao hứng dọn dẹp, vứt quách nó ra sọt rác, thế là ông đành ngậm bồ hòn khen ngọt và tự an ủi: may mà chỉ còn mấy trăm! Mà cái thói vợ lục ví chồng soi xét là tôi chúa ghét. Mình không có tiền thì bảo tiêu hoang thế, mà có nhiều tiền thể nào cũng bị tịch thu.
Từ ngày có thể ATM thì cánh đàn ông yên tâm vô cùng. Vợ có nhìn thấy tiền nhựa trong ví thì cũng đành hậm hực bỏ qua, còn khuya mới biết tài khoản của chồng có bao nhiêu. Nếu thích, các ông cứ đưa cho vợ cái thẻ, ra máy ATM mà rút. Không có mật khẩu, các bà đành bó tay. Thôi thì, lương ông ấy đưa đủ, có tý tiền riêng, càng đỡ xin thêm mình.
Bình luận (0)