Dù đã rất cố gắng để đưa ra những phán quyết hợp tình, hợp lý nhưng những người cầm cân nảy mực vẫn không thôi trăn trở trước mỗi vụ ly hôn. Còn với người trong cuộc, đó là vết thương lòng không dễ lành miệng.
Đòn ghen hiểm ác
Anh M. (quận 2) kiên quyết xin ly hôn dù chị L. nước mắt ngắn dài, một mực nói còn rất yêu thương chồng và không muốn con cái phải lìa xa cha hoặc mẹ. “Tôi biết mình đã gây nên tội lỗi khó tha thứ nhưng những gì tôi làm cũng chỉ vì quá yêu chồng, không muốn mất anh ấy”- chị L. nghẹn ngào.
Vị thẩm phán hỏi M. có thể vì con mà tha thứ, suy nghĩ lại? Anh kiên quyết: “Tôi không thể ở chung nhà, ăn chung mâm, ngủ chung giường với một phụ nữ đã từng ra tay quá tàn độc với mình như vậy. Làm sao có thể sống thanh thản khi lúc nào cũng ở trong tâm trạng hoang mang, lo sợ; lúc nào cũng phải đề phòng với chính người sống bên cạnh mình?”.
Hơn 10 năm trước, họ là một cặp thanh mai trúc mã. Sau khi sinh 3 cô con gái, nhan sắc của L. ngày một phai tàn, trong khi M. vẫn điển trai, phong độ. Mặc cảm sinh con toàn gái, lại vài lần phong thanh chồng quen cô này, ghẹo cô nọ, L. thắc mắc thì anh gắt: “Ở không rảnh quá, cứ ghen bóng ghen gió!’’.
Sau hơn 2 giờ phẫu thuật, “của quý” đã được trả về khổ chủ nhưng L. phải ra đứng trước vành móng ngựa với tội danh “cố ý gây thương tích”. Nghĩ tình chồng vợ bao năm và vì các con, M. làm đơn bãi nại, L. bị phạt 6 tháng tù. Sau khi chị ra tù, anh làm đơn xin ly hôn bởi vết thương da thịt đã lành nhưng những tổn thương tình cảm thì không thể hàn gắn được.
Xét tình trạng vợ chồng giữa hai bên đã đến mức trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được, tòa án đã chấp nhận đơn xin ly hôn của anh M. Chị L. lại khóc cạn nước mắt vì ân hận.
Vợ là “bác thằng bần”
Quần áo bạc phếch, hai tay dắt hai đứa con trai - một lên 10 tuổi, một lên 6 tuổi, ông Q. (quận 10) xin gặp vị thẩm phán giải quyết vụ án ly hôn của mình. Theo những gì ông Q. trình bày, ly hôn là điều bất đắc dĩ mà ông buộc phải lựa chọn, bởi người vợ đã bỏ cha con ông đi từ lâu.
Làm tài xế xe container nên dăm bữa, nửa tháng, ông mới ghé qua nhà đưa vợ vài triệu đồng để nuôi con rồi lại đi tiếp. Cũng vì muốn vợ có thời gian ở nhà chăm sóc, nuôi dưỡng con tốt hơn, ông cam lòng chịu khổ một mình, chạy ngày chạy đêm, không dám tiêu xài. “Dư đồng nào hay đồng đó cho vợ con. Nhiều khi thấy đồng nghiệp vào quán lai rai, tôi cũng không dám vì sợ tốn kém, cứ mua một hộp cơm ăn cho qua bữa’’ - ông Q. kể.
Thế nhưng, “nhàn cư vi bất thiện”, bởi chồng đi vắng, việc nhà cũng chẳng có gì vất vả, vợ ông Q. giết thời gian bằng cách tham gia sòng bài của mấy bà hàng xóm. Lâu dần thành quen, bà bỏ bê việc nội trợ, suốt ngày cắm mặt vào mấy lá bài. Một ngày không “làm” vài ván là bà cứ thấy trong người bứt rứt, khó chịu.
Những lần về thấy nhà vắng tanh, lặng ngắt, ông Q. lại đi tìm vợ về, nhẹ nhàng nhắc nhở, khuyên bảo nhưng lời ông cứ như nước đổ lá khoai, càng ngày bà càng “lậm” bài bạc. Đưa đón con đi học thì bà giao cho xe ôm, hai bữa cơm cũng không thèm nấu, đưa tiền cho hai đứa trẻ muốn ăn gì cứ mua. Về sau, bà còn theo “chiến hữu” qua Campuchia đánh bài, bỏ mặc nhà cửa bề bộn, con cái nheo nhóc và chồng thì “cày” đến mờ mắt, mỏi lưng. Kinh tế gia đình trở nên khó khăn, thêm vào đó chủ nợ cứ réo liên tục khi bà chơi bài chỉ toàn thua. Không ít lần cháy túi, bà còn “thế thân” để có tiền đánh tiếp. Thương con bơ vơ, ông Q. lại bỏ tiền chuộc bà về.
Chịu đựng mãi, cuối cùng ông Q. bỏ mặc, không đưa tiền chuộc vợ nữa. Cũng từ đó, bà bỏ đi luôn. “Có vợ ham chơi, sa đà cờ bạc là một bất hạnh của người đàn ông, nhất là con cái” - ông Q. ngậm ngùi. Ông quyết định làm đơn ly hôn vắng mặt vợ cũng bởi không muốn căn nhà cha con ông ở có ngày bị vợ cầm cố vì thua bạc.
Chỉ vì mê nhậu Gia đình anh V. và chị M. (quận 11) được xem là thành đạt, hạnh phúc khi đều là những người có học vấn, địa vị xã hội, con cái ngoan ngoãn. Thế nhưng, sau mấy lần hòa giải không thành, mới đây tòa án đã quyết định công nhận thuận tình ly hôn cho họ. V. và M. cùng làm việc trong cơ quan Nhà nước, cũng có nghĩa sau 8 giờ ở cơ quan, họ đã có thể về nhà quây quần bên nhau. Tuy nhiên, người có mặt thường xuyên để đón 2 con ở trường luôn là chị, còn anh - lúc thì bận “gặp mặt mấy thằng bạn cũ’’, khi thì “hẹn với đồng nghiệp trong phòng”, hôm khác lại “bận họp” hoặc bỗng dưng “ngoài vùng phủ sóng”. Chị tất bật đón con, đi chợ, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, dạy con học… Đồng hồ chỉ 21-22 giờ, anh mới chân nam đá chân chiêu trở về. Câu trước, câu sau lấy lệ, anh tắm táp rồi đi ngủ. Nghĩ đến con, chị cố nuốt nỗi buồn vào trong, khuyên chồng bớt nhậu nhưng đâu lại vào đó. Hơn một năm trước, chị phát hiện chồng ngoại tình. Kìm nén hờn ghen, chị yêu cầu anh phải chấm dứt ngay quan hệ với cô gái kia, kiểm soát kỹ hơn giờ giấc đi về của chồng nhưng những tin nhắn tình tứ vẫn xuất hiện. Mâu thuẫn vợ chồng gay gắt khi anh bỏ ngoài tai lời khuyên của vợ, chị quyết định chấm dứt những ngày tháng nghi ngờ, căng thẳng và cay đắng vì bị phản bội bằng quyết định ly hôn sau 10 năm chung sống. Không tranh chấp về tài sản, chị nhận nuôi cả 2 con, tạo điều kiện để anh gặp gỡ, chăm sóc con nhưng cương quyết không quay về chung sống vì “tình cảm đã không còn”. |
Bình luận (0)