Chị đang tất bật kiểm kho hàng, công việc mỗi sáng chị đều thực hiện thì điện thoại báo có tin nhắn. Chị lom khom cầm điện thoại ra xem, những dòng chữ khiến cho mắt chị hằm hằm nhìn vào màn hình: “Chị đưa cho mẹ một triệu thì bõ bèn gì, nhà anh Khang cho mẹ 6 triệu rồi đấy, chị phải cùng anh ấy lo toan tiền viện phí, thuốc thang cho mẹ, đừng để người ta cười nhà mình con dâu bất hiếu…”. Trán chị nhăn lại, tay run run.
Bỗng chị vứt quyển sổ “phẹt” xuống bàn, chị la lên tức tối: “Trời ơi! Tôi phải làm sao, làm sao cho vừa lòng “giặc bên ngô”, chồng tôi chết, con tôi thơ dại, lương tháng còm cõi chỉ đủ đóng tiền học cho con…”. Cô bé làm cùng thấy chị mất bình tĩnh, gào thét om sòm nên kéo tay chị vào nhà vệ sinh rồi khóa trái cửa, giúp chị hả cơn giận.
Từ khi chồng chị mất, nước mắt chị khô lại quanh quầng mắt hốc hác, sâu hoắm. Chị cứ ngỡ ngày tháng đau khổ ấy sẽ vĩnh viễn không rời xa chị nhưng thời gian là phương thuốc giúp vết thương lòng của chị lên lớp da non. Tuy vết thương có lành lặn thì vết sẹo tồn tại mãi, chẳng dễ dàng quên đi người đàn ông là bố của con trai chị, đã hơn chục năm má ấp tay kề, tình nghĩa vợ chồng son sắt, lớn lao.
Nỗi đau ấy cuồn cuộn trong tâm trí chị hàng ngày, hàng giờ, rồi chị phải tự gượng dậy niềm tin từ chính bản thân mình như sau cơn giông bão; con người bắt đầu tìm lại sự sống, bắt đầu vun lại mất mát, tang thương. Những lúc ấy gia đình chồng chỉ lăm le để ý đến ngôi nhà chị và các con đang ở, chẳng đả động đến việc hai đứa cháu nội cần yêu thương che chở ra sao, con dâu tinh thần thế nào?
Cứ nhắm mắt lại, nỗi cô đơn, nỗi đau, nỗi nhớ về chồng lại khiến giấc ngủ hoang hoải thâu đêm!. (Ảnh minh họa: internet)
Anh mất đi gia đình chồng ghẻ lạnh với chị, coi chị như “người dưng nước lã”, tỏ thái độ nhờ nhạt rõ mồn một. Nhất là hai cô em chồng, đòi cha mẹ chia đất cho họ. Vốn mảnh đất anh chị sống được chồng chị mua từ hồi chưa lấy chị nhưng lại đứng tên bố mẹ chồng chị, chúng sợ chị sớm lấy chồng tài sản rơi vào tay người đàn ông lạ dòng.
Chị nghĩ rằng họ toan tính cũng có lý nên không hề trách móc. Bấy lâu nay mẹ chồng chị ốm yếu, mới chiều hôm trước chị xin nghỉ sớm để vào viện thăm mẹ chồng, nay chị ngã ngửa vì số tiền biếu mẹ em chồng bảo “đáng gì”, nghĩ mà sôi máu. Chị mà dư dả thì chẳng nói làm gì, đằng này một nách hai con đang tuổi ăn tuổi học, gọi là chắt bóp chi tiêu mới đủ sống qua ngày. Trong khi anh cả ở với mẹ, kinh tế vững, làm chủ căn nhà rộng đến 300m2.
Con được nghỉ hè, chị đi làm thường xuyên khóa cửa, để hai con đứa lên 7, đứa lên 3 tự túc bảo ban nhau khi mẹ vắng nhà. Nhiều hôm tranh thủ trưa về ngó nghía chị rơi nước mắt vì thằng em bi bô kể: “con được anh cho đi bô rồi nấu mì tôm cho ăn,….”
Bận rộn thế nhưng thứ bảy, chủ nhật chị đi học ban ngày, chỉ còn nửa năm thôi là hoàn thành khóa học dược sĩ nên chị không muốn “trồng cây sắp đến ngày hái quả” lại bỏ. Tối lại làm bù đến 21 giờ đêm mới mò mẫm về nhà.
Chỉ tội hai đứa trẻ, ăn uống, bày đồ chơi, đồ ăn bừa bộn khắp nhà. Mẹ chồng chị xót nên sai em chồng đến đón bé về chơi. Nhà chồng cách nhà chị 30 km, để con sang ông bà chị không dám ngủ một mình. Cứ nhắm mắt lại, nỗi cô đơn, nỗi đau, nỗi nhớ về chồng lại khiến giấc ngủ hoang hoải thâu đêm!
Chị ngủ nhờ nhà cô bạn học cùng! Sáng dậy lại tiếp tục công việc. Buổi trưa đang ngồi ăn cơm, em chồng lại gọi: “Tối qua chị đi đâu? Sao không ngủ ở nhà? Nói cho chị biết, em đang theo dõi chị đấy. Đàn bà dù chồng có chết thì cũng đừng có léng phéng với giai, thiên hạ ỉa vào mặt cho. Liệu liệu mà sống cho phải đạo với nhà chồng…”
Đôi đũa rời khỏi tay chị, nước mắt chị chảy tràn trụa trên má. Chị không thể nuốt nổi những hạt cơm bụi rời rạc. Chị đứng phắt dậy bước như bay vào nhà vệ sinh. Chị xả nước, xối liên tục vào mặt. Mấy em gái cùng làm lo lắng chạy theo sau chị. Ai cũng bần thần nhìn chị, khuyên chị cố gắng, đừng để ý đến “giặc bên ngô” làm gì. Cho dù thế nào đi nữa, với họ sự tồn tại của chị đã đứt đi cái móc nối là chồng chị thì không còn ý nghĩa…
Chị quệt nước mắt, “đúng”-chị phải sống vì chị, vì con chị chứ không thể vì những lời nói như dao nhọn của kẻ để ích kỉ đè bẹp lương tâm. Chị chỉ nên đau khổ vì người yêu thương chị, chứ không thể khổ đau nghĩ về người khiến chị tổn thương,…
Bình luận (0)