Hiếu và Lan (sinh viên năm thứ ba, trường ĐH Thương mại) yêu nhau được hơn một năm thì cả hai quyết định dọn về “chung sống” cùng nhau. Tuy nhiên, để tránh “tai vách mạch rừng” của thiên hạ và đỡ “mang tiếng”, đôi bạn quyết định thuê hai phòng trọ… ở gần nhau. Dù ở hai phòng riêng rẽ nhưng mọi sinh hoạt của đôi bạn đều nhất nhất trong một nhà. Ăn chung nồi, ngồi chung bàn, ngủ chung giường, tuy hai mà như một. Ngày ngày đôi bạn trẻ đến trường cùng nhau, rồi khi tan học về, chàng đi chơi thể thao, nàng ở nhà lo chuyện cơm nước, giặt giũ.
“Hai trong một”
Cứ như vậy ngày qua ngày, Lan và Hiếu sống với nhau không khác gì một gia đình. Chỉ có điều tới cuối tháng, thay vì chia đôi, tiền nhà cùng với hầu hết các chi phí khác của họ sẽ “được”… nhân đôi.
Không chỉ có đối tượng còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiều sinh viên mới tốt nghiệp, bám trụ mưu sinh ở Hà Nội cũng tỏ ra “hứng thú” với phong cách sống “hai trong một” như thế này. Nguyễn Thanh Tùng (cựu sinh viên Học viện Ngân hàng) và Lê Hoàng Ngân (sinh viên năm cuối trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội) là hai trong số đó.
Hiện tại, Tùng đang làm cho một công ty tài chính trên phố Phạm Ngọc Thạch, trong khi Ngân hoàn thành nốt năm cuối ĐH. Sau khi tan học, Ngân trở về nhà chợ búa cơm nước, chờ Tùng về ăn tối giống hệt một gia đình thu nhỏ.
Những hôm Tùng về sớm, đôi bạn trẻ lại cùng nhau xách giầy đi tập thể dục. Đến tối lại quây quần, trò chuyện hay lang thang dạo phố. Chia sẻ về dự định tương lai, đôi bạn trẻ cho biết, dù không cùng quê, (Tùng ở Hà Tây (cũ), Ngân ở Nam Định), nhưng sẽ cố gắng đi làm để thuê một căn nhà nhỏ nào đó với hy vọng sớm “quy về một mối”.
Chịu đắt hơn để không bị đánh giá?
Hầu hết những đôi “vợ chồng trẻ” đều vịn vào lí do không được cha mẹ đồng ý và để tránh những lời đàm tiếu từ bạn bè nên chọn cách chuyển đến ở gần phòng trọ nhau cho… tiện sinh hoạt. “Dù giảm được ít nhiều chi phí sinh hoạt nhưng tiền nhà bây giờ ở đâu cũng rất đắt. Chưa kể tiền điện, nước nên nếu so sánh thì ở hai phòng vẫn đắt hơn là sống chung một phòng”- Nguyễn Thanh Tùng cho biết.
Dẫu phải chi phí tiền nhà cao nhưng theo cách lý giải của Lan, phong cách sống “hai trong một” cũng có nhiều “cái lợi”. Cô bạn chia sẻ, ngoài việc giảm bớt được ít nhiều chi phí sinh hoạt, có nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc cho bạn trai/gái hơn thì cách sống như vậy cũng giúp cả ai cảm thấy tự do, thoải mái hơn những khi cần khoảng không gian yên tĩnh, thời gian riêng tư cho bạn bè hoặc khi có người thân ghé thăm...
“Sống cùng nhau không thể tránh khỏi chuyện cãi cọ. Những lúc đó ai về phòng người đó nên mọi việc lại ổn thỏa chứ không nghiêm trọng như trường hợp của một số bạn bè mình (?!)”, Lan cho biết thêm.
Đôn đáo làm thêm lo cho cuộc sống chung
Dẫu vậy, không phải cặp đôi nào cũng có điều kiện “dư dả” (dù vất vả) giống như Tùng-Ngân hay Hiếu-Lan. Trần Thùy An và Lê Hải (sinh viên năm thứ ba, trường ĐH Công nghiệp HN) là hai trong số đó.
Gia đình “hai họ” đều không dư dả gì nên để có đủ tiền trang trải cho cuộc sống, đôi bạn trẻ phải chấp nhận đi làm thêm rất vất vả. Tan học về thay vì nghỉ ngơi, An đôn đáo đi dạy thêm, Hải đi “chạy bàn” cho một quán cơm sinh viên. Mới là sinh viên năm thứ hai nhưng trông An lúc nào cũng phờ phạc và “già” hơn hẳn bạn bè cùng trang lứa.
An tâm sự: “Mình và bạn trai đều đang là sinh viên nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, muốn rủ bạn bè đến ở cùng để giảm chi phí nhưng bạn trai không đồng ý. Nhiều khi tụi mình cãi nhau chỉ vì số tiền bố mẹ gửi không đủ chi tiêu. Có lúc muốn chuyển đi nhưng lại không lỡ để người yêu sống một mình”.
Bình luận (0)