Khi quý cô Charlotte Von Schedvin ngồi xuống ở Quảng trường Connaught nhộn nhịp mua bán ngay trung tâm thủ đô New Delhi một ngày tháng 12-1975 để anh chàng P.K. Mahanandia phác họa chân dung mình, họ nào ngờ duyên phận đã bắt đầu gắn kết họ từ giây phút đó.
P.K. Mahanandia trở thành giáo viên dạy nghệ thuật tại Thuỵ Điển, còn Von Schedvin dạy nhạc.
Chuyện tình cổ tích này đã được nhà văn Thụy Điển Per J. Andersson chấp bút thành cuốn sách bán chạy nhất khi xuất bản năm 2013 – Câu chuyện kinh ngạc về người đàn ông đạp xe từ Ấn Độ đến châu Âu vì tình yêu. Bản dịch tiếng Anh thì mới ra mắt tháng 2 vừa rồi.
Khoảnh khắc gặp gỡ định mệnh hơn 40 năm trước vẫn còn sống động trong tâm trí hai người, khi họ trò chuyện với tờ Thời báo Chủ nhật (The Sunday Times) qua Skype từ nhà mình ở Boras, Thụy Điển. Gọi là nhà nhưng thực ra là một cơ ngơi mênh mông với 4 cái hồ và một khu rừng.
Cô Von Schedvin để ý thấy chàng nghệ sĩ tóc quăn ngồi trước một đài phun nước ở Quảng trường Connaught, và quyết định bỏ ra 10 rupee để kiểm chứng tuyên bố "chân dung 10 phút có ngay” của anh chàng.
Ông Mahanandia, giờ đã 65 tuổi, kể: "Tối mùa đông đó, khi thấy một cô gái tóc vàng mắt xanh bất ngờ xuất hiện trước mặt, tôi đã thầm thốt lên, "ôi trời, nàng nào có khác chi một thiên thần".
Cô Von Schedvin đã làm cho chàng sinh viên mỹ thuật Delhi cuống hết cả lên. "Tay tôi run lập cập", ông Mahanandia nhớ lại.
Cuống cũng phải, nhất là khi anh chàng sực nhớ đến lời “tiên tri" mà một thầy bói nói với anh trước đó: Vợ anh sẽ là người cung Kim Ngưu, từ rất xa mà đến và sở hữu cả một khu rừng.
Von Schedvin theo P.K. Mahanandia về quê, tại Orissa.
"Tôi còn chả hỏi tên nàng trước. Tôi cứ hỏi có phải nàng sinh vào tháng Năm, có phải thuộc cung Kim Ngưu và có phải sở hữu một khu rừng không. Câu nào nàng cũng trả lời có", ông phá lên cười khi nhớ lại.
"Thế là tôi biết định mệnh đưa chúng tôi đến với nhau rồi. Tôi bảo với nàng là nàng sẽ làm vợ tôi, rồi phát hoảng lên là nàng sẽ chạy đi báo công an ngay gần đó".
Nhưng cô gái trẻ Thụy Điển đã vô cùng ấn tượng. Bà Von Schedvin, hiện 61 tuổi, kể: "Tôi cảm anh ấy ngay và thấy thật là ấm áp. Tôi nghĩ anh chàng thật đáng yêu, tươi rói, tóc quăn tít. Với tôi lúc đó không chỉ là chuyện cưới xin mà là chuyện sống tốt với nhau. Kiểu Thụy Điển nó vậy".
Chỉ gần 3 tuần sau, nàng theo chàng về quê nhà ở tận bang Orissa, hay còn gọi là Odisha, và cưới nhau theo truyền thống địa phương. "Về Orissa tôi thấy như về nhà. Đến giờ tôi vẫn còn nguyên cái cảm giác khi vừa đặt chân đến Orissa", bà kể. Nàng viết thư cho cha mẹ, báo rằng con đã tìm được bạn đời. Chuyến đi này nàng lái xe đến Dehli cùng mấy người bạn, theo cung đường rất nổi tiếng trong giới hippie tóc dài hồi đó, từ châu Âu đến Ấn Độ qua Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Afghanistan và Pakistan. Và nàng trở về y như lúc đi.
Chàng nghệ sĩ nghèo hứa hội ngộ nàng ở Boras, nhưng quyết không nhận tiền của nàng làm lộ phí. Hai người thư qua thư lại cả hơn một năm đến khi chàng hạ quyết tâm tìm mọi cách đến được Thụy Điển. Chàng bán hết đồ đạc, mua một cái xe đạp cũ với giá 60 rupee và chọn chính cung đường du mục kia, cung đường mà người ta đi đến châu Âu bằng xe máy.
"Tôi nghĩ, xe đạp thì làm sao?", ông Mahanandia kể. Và thế là chàng lên đường ngày 22-1 năm 1977, dắt túi chỉ hơn 80 đôla và đống cọ. Nhờ tài vẽ mà chàng xoay xở kha khá. “Người ta trả công tôi bằng đồ ăn, có khi còn mời về nhà", ông nhớ lại.
P.K. Mahanandia dạy hội hoạ và mở triển lãm tranh tại Thuỵ Điển
Chuyến đi chẳng dễ dàng gì. Thời điểm tệ nhất là ở Kabul, Afghanistan, chàng phải đến bệnh viên bán máu để có tiền ăn. May thay, tờ Thời báo Kabul viết một bài về chuyện chàng đạp xe đến châu Âu để đoàn tụ với người thương. "Thế là tôi tự dưng có bao nhiêu là khách hàng", ông Mahanandia hồi tưởng.
Dù rong ruổi trên đường, chàng vẫn nhận được những lá thư động viên của cô Von Schedvin nhờ có dịch vụ thư lưu, nghĩa là các bưu điện lưu thư cho đến khi người nhận hỏi đến. 4 tháng và hơn 11.000 cây số trôi qua, ngày 28-5 chàng Mahanandia mỏi mệt và hẳn nhiên chẳng còn thơm tho đặt chân lên chuyến tàu hòa để đi 70 cây số từ Venice vùng Gothenburg, đến Boras, nơi vợ yêu đang mong chờ.
"Vừa nhìn thấy tôi là nàng lao đến. Tôi bảo 'anh hôi quá xin lỗi em', nhưng nàng ôm tôi thật chặt". Cái kết của hành trình phi thường đó là khởi đầu cho cuộc sống bên nhau của hai người ở Thụy Điển. Ông Mahanandia trở thành giáo viên mỹ thuật – tranh của ông được trưng bày ở Thụy Điển và châu Âu – trong khi vợ ông dạy nhạc. Họ có với nhau hai con - Emelie, 31 tuổi, kinh doanh hàng may mặc và Karl-Siddhartha, 28 tuổi, phi công trực thăng. "Ông ấy là người chồng tốt, người cha tốt", bà Von Schedvin nói.
Ông Mahanandia nói về chuyện tình của họ: "Ai cũng có ngày tìm được nửa kia của mình. Xuất thân của chúng tôi gần như đối lập như thế, nhưng chẳng phải chính sự khác biệt đã tạo ra giá trị cho cuộc đời chúng tôi sao. Đó là ân huệ của chúng tôi đó".
Từ đường phố Ấn Độ, giờ là cố vấn nghệ thuật và văn hóa cho chính phủ Thụy Điển, ông P. K. Mahanandia đã có rất nhiều triển lãm tranh ở khắp châu Âu. Từ ngày đặt chân đến Thụy Điển, cách quê nhà Ấn Độ cả hàng ngàn cây số, cách đây gần 40 năm, ông đã gắn bó đời mình với việc dạy vẽ và triển lãm tranh.
Sinh ra trong một gia đình thợ dệt có đến 8 anh chị em, nhà ông thuộc tầng lớp thấp nhất trong xã hội Ấn Độ. Ở trường, ông đã phải ngồi ngoài lớp trong giờ học, không được ăn chung trong nhà ăn với các bạn. Nhưng ông vẫn là một trong những người đầu tiên rời làng Kondpoda đi học xa. Ông theo học trường trung học Mahendra ở Athmallik rồi học tiếp trường cao đẳng về nghệ thuật và thủ công ở Khallikote. Ông nhận được học bổng theo học mỹ thuật ở Delhi năm 1971.
Delhi là chốn phồn hoa, đón nhận mọi người đến từ những tôn giáo, đẳng cấp khác nhau, nhưng mưu sinh đối với anh chàng Mahanandia trẻ tuổi vẫn rất khó khăn. Ông đã từng phải ngủ dưới gầm cầu hay trong nhà ga vì không có tiền thuê trọ. Nhờ học bổng mà ông được nhận 90 rupee mỗi tháng, nhưng thường nhẵn túi chỉ sau hai tuần, ông nhớ lại. Nhiều lúc ông phải “ăn ké” các đám cưới cho đỡ đói.
Trước khi gặp cô Charlotte Von Schedvin, ông đã có chút ít tiếng tăm trong nước khi vẽ chân dung phi hành gia người Nga Valentina Tereshkova, người phụ nữ đầu tiên ra ngoài không gian. Báo chí gọi là "cậu bé trong rừng gặp người phụ nữ ngoài vũ trụ”.
Năm 2012, ông được trao bằng tiến sĩ danh dự của Trường đại học Văn hóa Utkal ở Odisha. Ông cũng được chính quyền Odisha chỉ định làm đại sứ văn hóa Oriya tại Thụy Điển.
Bình luận (0)