Hồng nhan thường nhẹ dạ. Khi trao thân cho người mình yêu thương, tin tưởng, họ cứ đinh ninh đó là chỗ nương tựa suốt đời. Nhưng sự đời luôn biến chuyển, mọi chuyện không thể nhất nhất theo ý muốn của mình.
Mặc cảm... trót lỡ
“Tôi và anh ấy đã xác định tiến tới hôn nhân. Chúng tôi về sống với nhau chỉ là việc sớm hay muộn nên tôi đã cho anh ấy cả đời con gái”. H. Thanh, nhân viên tiếp thị một hãng mỹ phẩm lớn, bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy. Tiếc thay, trước khi cưới, có nhiều việc không hay xảy ra ngoài dự đoán, đôi bạn trẻ liên tục gây gổ, giận hờn. Cô gái trẻ ngậm ngùi: “Mấy lần tôi nghĩ mình không thể tiếp tục mối quan hệ ấy. Anh ấy cứ lấn lướt, hết lần này đến lần khác, tìm đủ mọi cách duy trì quan hệ với một cô sinh viên 19 tuổi. Tuy rất muốn chia tay nhưng cứ nghĩ “mình đã trót lỡ rồi” nên cũng ngậm bồ hòn làm ngọt. Chỉ hy vọng cưới xong anh ấy sẽ ổn định”.
Hầu như, cô gái bình thường nào cũng răn mình trong việc quan hệ tình dục trước hôn nhân. Không hoan nghênh việc sống vội, sống thử, những cô gái ấy biết rất rõ điều họ làm. Các nhà tâm lý khẳng định khi đã yêu thương, họ cho mình được quyền “dâng hiến”- và xem đó là một niềm tự hào, hạnh phúc vì biết mình đã thuộc về một người nào đó vĩnh viễn. Trao thân nhưng lại xem trọng chuyện trinh tiết tưởng chừng như điều nghịch lý, nhưng quả thật, đó là trường hợp của không ít cô gái trẻ. “Đời người con gái chỉ một lần, liệu có còn ai cảm thông, yêu thương hết lòng khi biết mình không còn trong trắng”- H.Thanh ngậm ngùi.
Đứng trước hoàn cảnh lỡ làng như vậy, cách nhìn nhận của T. Vân (sinh viên ĐH Văn Hiến) cũng không khá hơn: “Đôi khi cũng muốn bắt đầu lại mọi thứ nhưng mình như con chim bị tên sợ cành cây cong. Nhìn thấy đàn ông, cứ nghĩ, cái cuối cùng họ muốn cũng chỉ là chuyện chăn gối, thấy rợn người. Mình cũng tự ghê tởm bản thân mình nữa là...”. Đó chính là bi kịch của nhiều cô gái, dù rất ý thức về chuyện trinh tiết, nhưng không vượt qua được những cám dỗ, cảm xúc... để khi lỡ làng rồi lại tự dằn vặt, khóa bỏ mọi con đường sáng của mình. Bởi họ luôn có ý nghĩ khi đã thuộc về một ai đó thì muốn gắn bó với người ấy mãi mãi, chỉ duy nhất người ấy, không một ai khác.
“Sau khi chung sống với anh ấy như vợ chồng, dù đã kiên quyết rũ áo ra đi, tôi vẫn không đủ tự tin để yêu ai nữa. Bởi lẽ, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ gần gũi với ai ngoài anh ấy. Hơn nữa, người nào đến sau, tôi cũng thấy tội nghiệp họ, thật không công bằng khi để họ phải chịu thiệt thòi với một cô gái đã một lần dang dở. Nếu họ là người tốt, họ phải xứng đáng được đón nhận những gì trọn vẹn nhất”- N. Mai, nhân viên lễ tân khách sạn, chia sẻ.
Còn nhiều điều tốt đẹp khác
Xã hội Việt Nam có được sự giáo dục từ nhỏ của gia đình về chuyện “giữ gìn”. Nhưng từ nếp nghĩ đến tiếp nhận và hành động là khoảng cách khá xa. Bởi những ham muốn trong tình yêu, đâu phải ai cũng biết cách giữ mình- một nhà tâm lý phân tích.
H. Thanh, sau những tháng ngày cố níu kéo lẫn chịu đựng tình yêu đang dần tàn lụi, đã cay đắng triết lý: “Tiếc chữ “trinh” để rồi phải gắn bó với người mình không còn tình cảm hoặc không xứng đáng với tình yêu của mình, phải chịu những thiệt thòi không đáng có trong cuộc sống... thì quả là bi kịch”. Tự kết thúc mối tình của mình, cô gái này không biết mình có đủ tình cảm cũng như cơ hội để đến với những người sau hay không nhưng vẫn quyết định vì: “Nếu ai đó đánh giá phẩm cách của mình mà chỉ dựa vào chuyện “còn” hay “mất” thì mình cũng đành chấp nhận. Họ có cái lý của họ. Mình không biện hộ cho hành động của mình. Mình tin người phụ nữ cũng có nhiều giá trị khác, đáng giá hơn, không chỉ nằm ở “cái ngàn vàng”.
Chuyện thất thân của người con gái quả là nghiêm trọng. Không ai khuyến khích xem nhẹ giá trị của nó. Vấn đề cần suy nghĩ là: Cần đặt chữ trinh đúng nơi, đúng chỗ hơn. Đừng để vì chiếc màng che chắn ấy mà phủi bỏ tất cả những giá trị khác của một người con gái. Chữ “trinh” nằm ở trong đầu chứ không phải nằm ở một nơi nào khác. Đồng tình với ý kiến của nhà tâm lý, D. Khanh (kỹ sư xây dựng), chồng N. Mai, nhìn vợ đang cười rạng rỡ, thẳng thắn bày tỏ: “Cô ấy thông minh, dịu dàng, chu đáo, biết lễ nghĩa... Tại sao tôi phải bỏ qua những điều tốt đẹp ấy chứ? Nói không buồn vì cô ấy không là của mình trọn vẹn thì là dối lòng. Tuy nhiên, nghĩ đi nghĩ lại thì đó cũng do tính ích kỷ, sở hữu của đàn ông thôi. Tôi trân trọng những gì thực tế đang đem lại hạnh phúc cho mình”.
Việc người con gái phải “giữ gìn” trước hôn nhân không bao giờ là quan niệm cổ hủ, nhưng không đồng nghĩa với việc khắt khe với họ khi họ đã “lỡ làng”. Sống thoáng và nghĩ thoáng khác với cách nghĩ và cách sống phóng túng, buông thả. Thoáng như thế nào để đừng đánh mất những giá trị tốt đẹp của bản thân và nhìn nhận đúng giá trị của người khác mới là điều đáng trân trọng.
Bình luận (0)