Cuối tuần, để xả stress, nghe tôi rủ về Tiền Giang- quê tôi, để hưởng cái không khí trăng thanh gió mát, đi hái bông so đũa nấu canh chua ăn cùng cá đồng nướng, gà vườn chính hiệu xé phay và nhậu không say không về, cả phòng tôi ai cũng hào hứng lên đường.
Biết tôi đưa bạn về chơi, ông chú họ của tôi từ thị xã cũng về góp vui cho xôm tụ. Người thì đi hái trái ớt, kẻ thì đi hái thêm mớ rau thơm “ăn cho đã”. Đứa thì hối đốt than cho sớm để mau nướng mồi cho “bắt”. Rồi thì trải một cái chiếu dưới nhà, dù dân quê hay thành, quẹt chân 3 cái ngồi vào coi như tứ hải giai huynh đệ. Sau đó là màn xoay tua, hồn ai nấy giữ, ly ai nấy uống.
Nhậu được một hồi, sếp của tôi bốc lên, đứng lên sần sần lệnh: “Ê, tụi bây hát mấy bài nghe chơi coi. Tình anh bán chiếu, Võ Đông Sơ-Bạch Thu Hà hay gì đó nghe coi. Về miền Tây mà không nghe vọng cổ thì thiếu chất quê lắm đó bây”… Nghe sếp hứng mà tôi cứng họng. Ở trong bàn, ngoài chú của tôi còn có anh Hưng, anh Tài cùng phòng đều lớn tuổi hơn nhưng đều được gom chung trong cái đám “tụi bây”.
Chú tôi nghe thế quay qua nửa đùa nửa thật: “Ê, thằng Hùng kia, lúc nãy mày mới đòi nhận tao làm chú nuôi mày mà giờ mày đã tụi bây là sao hả? Mày muốn tao quăng mày xuống ao cá nhà tao cho nó rỉa hết xương mày à?”. Bí thế, sếp xụi lơ, xin lỗi chú tôi rồi giả lả: “Con lộn. Hột vịt còn lộn nữa mà. Thôi chú bỏ qua cho con”. Thấy không khí căng thẳng, cả bàn xúm vào nói hộ cho sếp của tôi vì đã lỡ lời. Dù rằng có vài người (có tôi trong đó) hả hê trong bụng.
Chuyện sếp tôi tự cho mình là cao hơn người là chuyện thường thấy đến nỗi nhiều người ghét mà không dám nói. Vì sự thật luôn làm mất lòng mà. Thôi thì nghe qua rồi bỏ. Nhưng vẫn ức, vẫn tức. Bình thường vẫn oang oang ra lệnh, “tụi bây cái gì cũng đợi cầm tay chỉ việc. Không biết tự kiếm việc mà làm. Đầu óc để đây vậy?”, dù đang nói với một người đáng tuổi anh mình và một nhân viên mới vào làm việc. Lúc thì quát nạt: “Làm được thì làm, không làm được thì nghỉ đi”. Đối với chị em có phần nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn quan cách: “Tôi nói chị nghe này…”. “Lệnh của tôi thế thì cứ theo đó mà làm. Cãi hoài! Nhức đầu lắm…”.
Có bữa, sinh nhật một đứa trong nhóm, chúng tôi kéo nhau đi karaoke gần cơ quan. Sếp đi giao tế, nhậu ở cách đó 2 phòng nên tình cờ biết được, chạy qua. Lại ào ào: “Tụi bây nhậu lâu chưa? Ê, có ông Hải ở đây nữa hả. Lâu quá mới gặp lại…”. Bị đánh đồng trong đám “tụi bây” ông già Hải quê độ, không bắt tay lẫn cụng ly vì lý do “bác sĩ không cho nhậu”.
Riết rồi chẳng ai thèm có ý kiến gì đóng góp hay phản biện để công việc phòng ngày càng tốt hơn. Chuyện rủ sếp đi các tiệc vui trong nhóm hay đến tụ tập bù khú với nhau lại càng không. Một là để cho không khí thoải mái , hai là khỏi gỡ những “ca khó đỡ”, khỏi phiền những lúc sếp quen miệng cứ mày tao mi tớ với tất cả mọi người như con cháu trong nhà dù có lần sếp bao biện rằng: “lúc tui nóng thì nói vậy. Vả lại có thân mới nói thế…”.
Chướng tai, có lần tôi bảo hay là mình góp ý thẳng với sếp, anh Tài, đại ca trong phòng lắc đầu: “Việc coi mình là bề trên, là giỏi hơn người nên không cần nghe ai góp ý nó không phải là tính nữa mà là tật rồi. Tính thì còn có thể sửa. Tật thì thôi, bó tay!”.. Chị Hương- chủ tịch công đoàn, sang phòng tôi tám hưởng ứng: “Ôi, nó tự cao tự đại lắm mày ơi! Tao lớn hơn nó vài tuổi mà nó vẫn cô cô, tui tui với tao…đó. Đi nhậu nó còn hào hứng kể là nó không phục nên xưng hô vậy đó”.
Nghe tôi kể chuyện sếp mình, nhỏ bạn tôi cười khảy: “Thì mày cứ coi như là làm việc với sếp tây đi. Tụi Tây “Du du, mi mi” chứ có anh, ông, em gì như mình đâu mà vẫn “gút” đó thôi. Mackeno cho nhẹ đời”.
Có đúng là người Việt quá coi trọng hình thức giao tiếp hay không? Nhưng nói gì thì nói, theo tôi, sự tôn ti trật tự, kính trên giúp đỡ dưới vẫn cần có dù ở hình thái xã hội nào đi chăng nữa. Và càng không thể so sánh giữa văn hóa tây và ta.
Ừ, thì cứ mắt nhắm mắt mở để bỏ qua vậy. Con người ta có mấy ai được vẹn toàn thế nên sếp cũng không ngoại lệ. Sếp nào mà không có thói hư tật xấu kia chứ. Đành tự kỷ theo kiểu AQ cho nó nhẹ lòng: Rằng "nó đang nói với bố nó đấy"…
Bình luận (0)