Trên quan điểm cá nhân, tôi cho rằng việc Pháp bị loại hoàn toàn không oan uổng chút nào khi đoàn quân của Didier Deschamps đã thừa mứa danh hiệu, chẳng còn khát vọng chinh phục để xứng với danh xưng ứng viên số 1. Cả đội bóng hầu như mạnh ai nấy đá, trừ N’Golo Kante một mình cày ải khắp sân thì đồng đội của anh thờ ơ như người ngoài cuộc, mất bóng chẳng buồn tranh cướp lại.
Đức bị loại, như đánh giá ban đầu từ trước vòng chung kết, là hệ quả của quá trình chuyển giao quá muộn. Một nền bóng đá luôn tự hào vì sản sinh ra những tiền đạo tầm cỡ như Gerd Muller, Karl-Heinz Rummenigge hay Miroslav Klose, nay chỉ có thể đưa một đội bóng không có chân sút thực thụ nào để đua tranh ở Euro, World Cup. Cứ nhìn cách chân sút lừng danh một thời Thomas Mueller sút ra ngoài khó hơn ghi bàn mà vẫn chọn giải pháp khó cũng đủ hiểu vì sao "Die Mannschaft" phải dừng bước sớm.
HLV Nguyễn Việt Thắng
Tây Ban Nha đang trẻ hóa lực lượng, Bỉ vẫn dựa trên bộ khung của "thế hệ vàng" hay CH Czech, Đan Mạch khẳng định tâm thế của những "chú ngựa ô"… chính là những nét thú vị của cuộc chiến "bát đại anh hào" lần này. Chỉ tiếc cho Thụy Điển, một đội bóng không thu hút người hâm mộ bằng nét bóng bẩy của những cầu thủ đẹp trai, nét hào nhoáng của dàn sao triệu phú đi đá bóng nhưng để lại những ấn tượng đậm nét về tính cống hiến, tinh thần thi đấu không khoan nhượng và sẵn sàng "chiến" đến tận phút cuối cùng vì vinh quang của màu cờ sắc áo. Thụy Điển rời cuộc chơi, khán giả khó lòng được xem chàng lãng tử Emil Forsberg phô diễn tài nghệ ở đẳng cấp cao nhất lần nữa. Ở tuổi 29, cơ hội cuối của tiền vệ hào hoa đang khoác áo RB Leipzig có lẽ chỉ còn tại World Cup 2022 dù chưa rõ tuyển Thụy Điển có khả năng giành vé vào vòng chung kết trên đất Qatar hay không.
Câu chuyện "thái độ hơn hẳn trình độ" chắc chắn sẽ còn được đề cập khi Euro 2020 đang bước vào giai đoạn quan trọng nhất.
Bình luận (0)