Nhiều tình tiết được thêu dệt xung quanh câu chuyện cổ tích thời hiện đại này, bay bổng có, phi lý có khiến mọi chuyện có vẻ đi quá đà, làm mất đi vẻ đẹp đích thực của bóng đá chính là những yếu tố bất ngờ hoàn toàn có thể tạo nên một kỳ tích, tất nhiên, chỉ khi các đội bóng có thực lực và một nền tảng căn cơ.
Euro 1992 ghi nhận một kỷ nguyên mới của bóng đá châu Âu, ở đó những năm cuối cùng của thế kỷ XX chứng kiến vài thế lực hàng đầu như các đội tuyển CHLB Đức và Liên Xô chấm dứt sự tồn tại trên bản đồ bóng đá. Ở thời điểm Euro 1992 sắp khởi tranh, đến lượt một siêu cường từng 2 lần vào đến chung kết Euro là Nam Tư vô tình đóng vai chính trong câu chuyện cổ tích của Đan Mạch.
Kim Vilfort (18) và John Jensen (13) ghi 2 bàn thắng trong trận chung kết Euro 1992 (Ảnh: UEFA.COM)
Euro 1992 là lần cuối cùng được tổ chức theo thể thức 8 đội tham dự VCK trước khi nâng lên 16 đội ở giải đấu sau đó 4 năm. Đây cũng là kỳ Euro sau cùng mà đội thắng trận được 2 điểm cũng như lần sau cùng cho phép hậu vệ trả bóng về và thủ môn được giữ bằng tay.
Hàng loạt biến động và xung đột chính trị trong khoảng thời gian này khiến Nam Tư bị chia cắt và không còn tồn tại với tư cách là một quốc gia thống nhất. Đó là lý do khiến tuyển Nam Tư, đứng đầu một bảng vòng loại, bị bãi miễn tư cách tham dự VCK và đội nhì bảng Đan Mạch được chọn thay thế. Chuyện xảy ra khi chỉ còn 2 tuần nữa trước ngày Euro 1992 khai mạc.
Các học trò của HLV Richard Moeller Nielsen khi đó đang chuẩn bị cho trận giao hữu với CIS (Cộng đồng các quốc gia độc lập thuộc Liên Xô cũ). Ngôi sao Michael Laudrup từ chối quyết định triệu tập lên tuyển nhưng cậu em trai Brian Laudrup đã đồng ý trở lại, tham gia cùng các đồng đội như Peter Schmeichel, Lars Olssen, Kim Vilfort, Henrik Larsen…
Rơi vào bảng đấu "tử thần" cùng với tuyển Anh (vào bán kết World Cup 1990), Pháp (vô địch Euro 1984) và chủ nhà Thụy Điển, cơ hội của Đan Mạch vốn đã ít ỏi lại càng mong manh hơn sau trận mở màn hòa Anh 0-0 và thất bại 0-1 ở trận kế tiếp với Thụy Điển.
Xếp cuối bảng sau 2 trận đầu ra quân, Đan Mạch gặp Pháp và bất ngờ giành chiến thắng với các pha lập công của Henrik Larsen và cầu thủ vào thay người Lars Elstrup. "Quả bóng vàng 1991" Jean-Pierre Papin chỉ kịp gỡ bàn danh dự cho "Les Bleus".
Ở bán kết, nhà vô địch Euro 1988 Hà Lan không coi Đan Mạch vào đâu và sự tự mãn của họ đã phải trả giá đắt. Đan Mạch bất ngờ dẫn trước với bàn thắng của Henrik Larsen trước khi Dennis Bergkamp san bằng tỉ số 15 phút sau đó cho Hà Lan. Larsen và Frank Rijkaard cùng ghi bàn, đưa trận bán kết vào 2 hiệp phụ rồi cả các loạt đá luân lưu 11 m. Đứng trước "gã khổng lồ" cao đến 1,96 m Peter Schmeichel, người hùng của Hà Lan - Van Basten đã hoàn toàn bị khuất phục. Hậu vệ Kim Christofte thực hiện cú sút quyết định, đưa Đan Mạch lần đầu tiên vào chung kết một giải đấu lớn.
Đương kim vô địch World Cup 1990 Đức là đối thủ của Đan Mạch ở chung kết nhưng John Jensen và Kim Vilfort đã thay nhau lập công, đem về danh hiệu vô địch ở giải đấu mà họ không bị chút áp lực nào. Sự kết hợp giữa khả năng tổ chức tốt và tinh thần đồng đội đáng kinh ngạc đã giúp Đan Mạch đạt được thành tích vĩ đại nhất từ trước đến nay, như lời trung vệ Kim Vilfort: "Chúng tôi không có những cầu thủ tốt nhất nhưng chúng tôi đã tạo nên một đội bóng tốt nhất".
Bình luận (0)