Kỳ tích sẽ xuất hiện tại sân vận động Olympic Berlin sau khi tiếng còi dứt trận chung kết vang lên rạng sáng 15-7, bất kể đó là màn đăng quang lần đầu của tuyển Anh hay lần chạm tay đến ngôi vô địch thứ 4 của người Tây Ban Nha.
Tham vọng "La Roja"
Cuộc đối đầu đầy kịch tính với Hà Lan ở bán kết đã nghiêng chiến thắng 2-1 về cho tuyển Anh nhờ pha lập công phút bù giờ của cầu thủ dự bị Ollie Watkins. Một lần nữa, "chuyên gia lội ngược dòng - Tam sư" tìm được lối thoát sau khi bị dồn vào đường cùng, tiếp tục tạo ấn tượng trên hành trình trở lại đỉnh cao sau khi phải hứng chịu vô vàn chỉ trích suốt 8 năm.
Không thể dùng bất cứ ngôn từ nào để mô tả sự phấn khích của các cổ động viên Anh những ngày qua, cho dù cũng chính họ khi giải đấu vừa khởi tranh đã nặng nhẹ chê trách thầy trò HLV Southgate đủ điều. Ngay cả Hoàng gia Anh cũng lên tiếng về việc sẵn sàng trao tặng tước hiệu Hiệp sĩ các cấp cho ông Southgate cùng dàn tuyển thủ - những người làm rạng danh bóng đá lẫn uy tín Vương quốc Anh, bên cạnh việc "bật đèn xanh" cho cả nước nghỉ ngơi ăn mừng nếu đội bóng mang về chức vô địch châu Âu.
Quả thật, chỉ có giành chiến thắng và mang về danh hiệu vô địch được chờ đợi suốt 58 năm qua, tuyển Anh mới có thể ghi tên mình vào lịch sử như một trong những tập thể hay nhất của bóng đá châu Âu và thế giới. Nhiệm vụ này, tuy vậy, đầy thách thức khi đối thủ Tây Ban Nha như bức tường thành lừng lững, án ngữ bước đi sau cùng của "Tam sư".
"La Roja" đã có màn trình diễn hết sức ấn tượng tại Euro 2024 với mạch 6 trận toàn thắng, không cần đến loạt sút luân lưu 11 m. Họ để lại phía sau hàng loạt bại tướng tên tuổi như Croatia, Ý, Đức, Pháp trên đường tiến vào trận chung kết. Chưa từng có đội bóng nào làm được điều tương tự và Tây Ban Nha đang chờ thắng nốt tuyển Anh, thực hiện rốt ráo tham vọng "đè" đủ 4 đối thủ đến từ các nền bóng đá hàng đầu châu Âu dưới gót chân chinh phục của mình.
Rực lửa chung kết
Cho đến thời điểm này, mọi dự báo của giới chuyên môn về tuyển Anh ít nhiều đều… khác xa với thực tế. Tuyển Anh không phải là đội bóng thuộc dạng "ngựa ô" để làm nên những bất ngờ nhưng rõ ràng, họ đã khẳng định sự đoàn kết và quyết tâm tạo nên những kết quả khó ai có thể đoán định.
Cứ cho là "Tam sư" đã chơi không tốt cho đến tận trận tứ kết nhưng việc họ chỉ còn cách danh hiệu vô địch đúng một trận thắng đã cho thấy hiệu quả công việc của HLV Gareth Southgate và tinh thần "không buông bỏ" của đội bóng dưới quyền ông.
Ngay cả Tây Ban Nha trước giải cũng không được đánh giá cao và chỉ có quyết tâm cùng màn trình diễn "vượt lên chính mình" của thầy trò HLV Luis de la Fuente mới đang tạo dựng nên kỳ tích. Sự trở lại của 2 trụ cột hàng phòng ngự là Robin Le Normand và Dani Carvajal, về lý thuyết, càng giúp lối chơi của Tây Ban Nha thêm chắc chắn. Tiền đạo đội trưởng Alvaro Morata cũng đã sẵn sàng trở lại sau chấn thương ở sự cố hy hữu cuối trận bán kết.
Về phía tuyển Anh, sẽ chẳng có gì bất ngờ nếu HLV Southgate tung Luke Shaw ra sân trong đội hình xuất phát, thay cho Kieran Trippier. Dàn sao dự bị Ollie Watkins, Cole Palmer, Conor Gallagher… vẫn sẽ ngồi ngoài, chờ thời cơ tạo thêm sự khác biệt như họ từng được kỳ vọng và đã từng làm nên chuyện.
Đội Anh lần này sẽ vào trận với tư thế đội "chiếu dưới" và các tiền vệ tấn công sẽ tìm khe hở giữa Rodri với các hậu vệ nhằm tạo sự đột biến. Ở điểm nóng hàng tấn công, cuộc chiến giữa Lamine Yamal và Jude Bellingham thực sự đáng xem. Real Madrid của Bellingham đã thắng Barcelona của Yamal cả 3 lần gặp gỡ mùa giải vừa qua (2 tại La Liga, 1 Siêu cúp Tây Ban Nha), trong đó, Bellingham ghi 3 bàn và thực hiện 1 kiến tạo.
Liệu Yamal có cơ hội đòi nợ khi lần này xung quanh chàng trai 17 tuổi là dàn tuyển thủ đồng đều, đẳng cấp trội hơn hẳn so với khi anh khoác áo Barcelona? Phong độ hủy diệt của Tây Ban Nha lúc này là không cần bàn cãi. Nếu Anh tiếp tục duy trì sự bền bỉ và khai thác tối đa những khoảnh khắc tỏa sáng cá nhân, họ sẽ có cơ hội lớn, giống như cách Real Madrid của Carlo Ancelotti đã từng làm tại Champions League.
Bình luận (0)