Các quan chức do chính quyền Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm tại Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi email cho nhân viên, yêu cầu họ không trả lời những việc ngoài phạm vi chỉ huy của cơ quan mình, sau khi họ nhận email từ ông Musk.
Theo các nguồn tin và email mà Reuters đã xem được, nhân viên tại các bộ Quốc phòng, An ninh Nội địa, Giáo dục, Thương mại, cũng như tại Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang, Viện Y tế quốc gia và Sở Thuế vụ cũng nhận được yêu cầu "không trả lời" tương tự từ lãnh đạo cơ quan.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) và tỉ phú Elon Musk cùng một MC của đài Fox News khi hai ông tham dự một cuộc phỏng vấn - Ảnh: X
Trước đó, một bức email có tiêu đề "Tuần trước bạn đã làm gì?" đã được gửi hàng loạt cho nhân viên liên bang ở Mỹ hôm 22-2.
Nội dung bức thư điện tử này hướng dẫn họ trình bày chi tiết công việc họ đã làm trong tuần trước thời điểm 11:59 tối 22-2 (giờ địa phương).
Điều này diễn ra sau khi ông Musk đăng trên trang mạng xã hội X của mình rằng việc không phản hồi sẽ bị coi là từ chức.
“Nói một cách rõ ràng, đây là hành vi bất thường và cần được xác nhận thêm” - một giám đốc điều hành cấp cao tại Trung tâm Thông tin Môi trường quốc gia trực thuộc Bộ Thương mại cho biết.
Theo Reuters, động thái của các cơ quan liên bang là một dấu hiệu thể hiện sự căng thẳng giữa các thành viên của chính quyền ông Trump và ông Musk trong chiến dịch cắt giảm lực lượng lao động dân sự liên bang.
Ước tính lực lượng này gồm 2,3 triệu người và Bộ Hiệu quả chính phủ (DOGE) do ông Musk đứng đầu đã đề xuất sa thải 20.000 nhân viên, đề nghị thỏa thuận nghỉ việc với 75.000 người khác, ngay trong những tuần đầu ông Trump lên nắm quyền.
Tốc độ khẩn trương của chiến dịch này khiến chính quyền liên bang trong một số trường hợp phải vội vã tuyển dụng lại những vị trí quan trọng bị sa thải lầm, bao gồm bảo vệ kho vũ khí hạt nhân quốc gia, và cố gắng chống lại đợt bùng phát cúm gia cầm đang ngày càng trầm trọng.
Tuy lưỡng đảng nhất trí rằng chính phủ Mỹ, nơi đang gánh khoản nợ 36 ngàn tỉ USD, sẽ được hưởng lợi từ cải cách song cách tiếp cận của ông Musk vấp phải sự chỉ trích rộng rãi, kể cả từ các thành viên Đảng Cộng hòa.
2.000 nhân viên USAID bị buộc thôi việc
Chính quyền ông Trump tiếp tục nhắm vào Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) bằng động thái cắt giảm 2.000 nhân viên và cho hầu hết nhân viên khác nghỉ việc.
Sự việc diễn ra sau khi một thẩm phán liên bang hôm 21-2 "bật đèn xanh" cho đợt sa thải hàng ngàn nhân viên USAID trong nước và trên thế giới, bằng cách bác bỏ đơn kiện của nhân viên yêu cầu tạm thời dừng kế hoạch của chính phủ.
Theo thông báo gửi đến USAID, ngoại trừ nhân sự được chỉ định chịu trách nhiệm về các chức năng quan trọng, lãnh đạo cốt lõi và thuộc các chương trình được chỉ định đặc biệt, tất cả nhân sự mà cơ quan này từng tuyển dụng trực tiếp sẽ bị cho nghỉ hành chính trên toàn cầu.
Bình luận (0)