Đó là nhận định chung của các diễn giả trong hội thảo Fintech Career Unlock do Học viện Ngân hàng và F88 phối hợp tổ chức vào sáng 21-2 tại Hà Nội.
Trong hội thảo, ông Nguyễn Công Niềm - Phó Tổng Giám đốc F88 nhấn mạnh không thể xem fintech chỉ là một ứng dụng thanh toán đơn thuần mà đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực như cho vay, đầu tư, bảo hiểm... Do đó, cần phải đặt sản phẩm fintech vào bối cảnh tổng thể, có sự đầu tư nghiên cứu thị trường, tiếp thị sản phẩm đến vận hành, quản trị rủi ro hay nhân sự… một cách bài bản. Ông Nguyễn Đăng Thắng - Giám đốc VNPT Fintech cũng khẳng định fintech đang phát triển theo 3 xu hướng mới là thúc đẩy thanh toán phi tiếp xúc, xây dựng ứng dụng thành hệ sinh thái hoàn chỉnh có tích hợp trí tuệ nhân tạo và nâng cao khả năng chống gian lận, lừa đảo nên người làm fintech cần nhiều kỹ năng, kiến thức hơn là chỉ biết về tài chính và công nghệ. Đồng quan điểm, bà Lê Hiền Trang - Giám đốc khối Chiến lược và Truyền thông, Ngân hàng CIMB tại Việt Nam cho biết một tổ chức tín dụng có tới 80% nhân sự làm trái ngành vẫn có thể thành công, miễn là họ có tư duy sẵn sàng đổi mới, như cách mà CIMB Việt Nam đang vận hành.

Các diễn giả chính trong hội thảo Fintech Career Unlock
Tư duy mới được nhắc đến là Digital Maverick - hiểu một cách đơn giản là dám suy nghĩ độc lập, sáng tạo, thách thức các chuẩn mực truyền thống, tìm kiếm những cách tiếp cận độc đáo trong không gian kỹ thuật số và đương nhiên là dám thất bại.
Nói về tư duy độc lập và dám thách thức các chuẩn mực truyền thống, ông Phùng Anh Tuấn - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc F88, chia sẻ chuyện tư duy độc lập trong những ngày đầu khởi nghiệp. Khi đó, nhiều người đã cản ngăn ông làm cầm đồ nhưng nhận thấy đây là ngành nghề được nhà nước cấp phép, có thị trường khá tốt với hơn 50% người trong độ tuổi lao động chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn ngân hàng nên ông rất kiên định với mô hình kinh doanh này. Còn về tinh thần thách thức các chuẩn mực truyền thống, ông cho rằng nếu thiếu nó, F88 sẽ không có ngày hôm nay. Ví như 10 năm trước, cửa hàng cầm đồ thường nhỏ bé, kín đáo thì F88 cứ chọn các ngã ba, ngã tư lớn mà mở; các cửa hàng thường có biển hiệu lấy màu đỏ làm chủ đạo thì F88 chọn màu xanh và vàng; nhân viên các cửa hàng là nam thì F88 ưu tiên nữ; các cửa hàng xập xệ thì F88 phải sạch sẽ, máy lạnh, khang trang; quy trình cầm đồ nhập nhèm thì F88 công khai, minh bạch. "Họ mở cửa hàng, chúng tôi mở phòng giao dịch. Đó là suy nghĩ khác biệt!". Ông Tuấn mong rằng chuyện về F88 có thể truyền cảm hứng về tư duy khác biệt, dám làm khác với truyền thống tới bạn trẻ bởi sẽ luôn có cơ hội trong sự khác biệt.

Ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc F88, chia sẻ câu chuyện về tư duy thách thức các giá trị truyền thống để đổi mới trong thị trường tài chính cá nhân
Góp phần thúc đẩy các bạn trẻ thể hiện tinh thần dám nghĩ khác, làm khác, dám thực chiến và dám thất bại, F88 và Học viện Ngân hàng đã công bố cuộc thi FinSpark. Đây được xem là chương trình hỗ trợ phát triển nhân tài trong lĩnh vực fintech đầu tiên tại Việt Nam.
Cuộc thi FinStark gồm 3 giai đoạn. Từ ngày 21-2 đến 16-3 là vòng Tìm kiếm tài năng, giai đoạn Ban Tổ chức nhận, sàng lọc hồ sơ để tìm kiếm ứng viên phù hợp. Các hồ sơ đạt chuẩn sẽ được mời phỏng vấn để tìm hiểu kiến thức nền và tinh thần tạo đột phá. Từ ngày 24-3 đến 11-4 là vòng Đào tạo chuyên sâu, tập trung truyền tải kiến thức và tư duy phát triển dựa trên dự án cụ thể của ứng viên. Từ ngày 14-4 đến 24-5 là vòng Thực chiến, sẽ tập trung đánh giá hiệu quả dự án và đưa sản phẩm vào thử nghiệm, ứng dụng… Hỗ trợ các bạn trẻ trong cả ba vòng thi là đội ngũ Coach/Mentor do ông Nguyễn Công Niềm - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 điều phối…
Đêm Chung kết diễn ra vào ngày 30-5 với cơ cấu giải thưởng gồm 1 giải nhất trị giá 50.000.000 đồng, một giải nhì trị giá 30.000.000 đồng, một giải ba trị giá 15.000.000 đồng và 4 giải khuyến khích trị giá 5.000.000 đồng mỗi giải. Ban Giám khảo cuộc thi FinSpark gồm PGS.TS Nguyễn Thanh Phương - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng; ông Phùng Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 và các thành viên khác là diễn giả trong hội thảo.
Theo nghiên cứu của Mordor Intelligence, thị trường fintech Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, quy mô thị trường xét theo giá trị giao dịch dự kiến sẽ tăng từ 39,02 tỉ USD năm 2024 lên 72,24 tỉ USD năm 2029, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 13,11%. Theo MSB Security, Việt Nam còn có lợi thế là gần 50% dân số trong độ tuổi 20-45, thuộc nhóm am hiểu công nghệ số và được xem là lực lượng chủ chốt thúc đẩy sự phát triển fintech, với vai trò là khách hàng và nhân sự trong ngành. Tuy nhiên, chất lượng nhân sự fintech trẻ tại Việt Nam lại chưa thật sự cao, thiếu kỹ năng thực chiến.
Bình luận (0)