Đề xuất trên được đại diện cơ quan quản lý nhà nước về GTVT của thủ đô đưa ra tại một cuộc họp chuyên về vấn đề an toàn giao thông. Theo Sở GTVT TP Hà Nội, số lượng phương tiện cá nhân tại thủ đô đã liên tục tăng trong thời gian qua, kéo theo tình trạng ùn tắc giao thông cũng như thiếu điểm trông giữ xe ngày càng trầm trọng.
TP Hà Nội hiện có trên 7,86 triệu phương tiện giao thông các loại, trong đó ô tô là hơn 1 triệu chiếc; xe máy, mô tô các loại hơn 6,6 triệu chiếc; xe máy điện là hơn 184.000 chiếc. Điều đáng nói là TP Hà Nội mỗi năm lại tăng thêm khoảng 390.000 phương tiện, mỗi tháng tăng khoảng 32.700 phương tiện và mỗi ngày tăng khoảng 1.100 phương tiện giao thông các loại.
Để đáp ứng lượng phương tiện giao thông cá nhân gia tăng nhanh chóng, tổng diện tích đất cho giao thông tĩnh tại TP Hà Nội theo quy hoạch phải đạt 4% diện tích đất đô thị. Tuy nhiên, hiện diện tích dành cho giao thông tĩnh ở Hà Nội mới chỉ đạt 0,6% nên đang thiếu trầm trọng điểm đỗ ô tô. Trong khi đó, chỉ riêng năm 2023 vừa qua, trên địa bàn thành phố có 6.000 ô tô mới được đăng ký, tốc độ tăng bình quân trên 5%.
Nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu chỗ đỗ ô tô ngày càng nghiêm trọng, Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT cho phép thành phố tiếp tục sử dụng lòng đường, vỉa hè, gầm cầu cạn để trông giữ phương tiện giao thông, đặc biệt là ô tô. Trước đó, vào đầu tháng 5-2023, TP Hà Nội có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét, thống nhất với thành phố về việc tiếp tục tạm thời tổ chức trông giữ xe tại các điểm dưới khu vực gầm cầu Chương Dương, Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng và Mai Dịch để phục vụ nhu cầu gửi xe ngày càng tăng của người dân. Trên thực tế, UBND TP Hà Nội vào năm 2020 đã chấp thuận phương án của Sở GTVT sử dụng 4 gầm cầu: Chương Dương, Ngã Tư Vọng, Mai Dịch và Vĩnh Tuy để tổ chức trông giữ phương tiện tạm thời.
Việc đề xuất sử dụng gầm cầu cạn để trông giữ phương tiện giao thông được xem là một giải pháp tình thế nhằm giải quyết phần nào nhu cầu ngày càng cấp bách ở Hà Nội. Tuy nhiên, về lâu dài, đề xuất này cũng dẫn tới không ít ý kiến băn khoăn cùng những hệ lụy khác. Trước hết, Luật Đường bộ cũng như văn bản pháp luật liên quan chưa có điều khoản cho phép việc này. Thêm nữa, việc trông giữ xe tại gầm cầu cạn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn giao thông, cháy nổ… Một điều cũng rất quan trọng là nếu cứ chạy theo các giải pháp tình thế thì khi nào Hà Nội mới giải quyết một cách căn cơ vấn đề giao thông tĩnh, trong khi đây là vấn đề thấy trước từ lâu và đã có quy hoạch.
Thế nên, việc trông giữ xe dưới gầm cầu cạn dù đáp ứng nhu cầu cấp bách trước mắt, song phải có lộ trình giảm thiểu và chấm dứt đi kèm với thực hiện nghiêm quy hoạch phát triển giao thông tĩnh tại Hà Nội. Nếu không giải pháp tình thế có khi lại trở thành một giải pháp lâu dài với nhiều hệ lụy tiềm ẩn.
Bình luận (0)