Game “4 nút”, so với các game trong thời điểm hiện nay, được xem như những dòng game sơ khai và tương đối đơn giản, đồ họa không thực sự bắt mắt, thậm chí so với nhiều game DOS sau đó, game “4 nút” vẫn còn thua rất nhiều về chất lượng và tính năng. Tuy thế, “game “4 nút” vẫn có cái hay của game “4 nút””, anh Trường – chủ một studio ảnh cưới ở Hóa An (Bình Dương) nhận xét. Game “4 nút” thường gắn liền với thế hệ game thủ 8x và vì thế, với nhiều người, nó là cả một kỷ niệm của thời ấu thơ. Game “4 nút” thường không bao giờ gây nghiện như các dòng game bây giờ, kết cấu game đơn giản và đơn thuần mang tính giải trí đích thực, người ta có thể chơi xong rồi quên ngay chứ không gây nghiện và gây tâm lý ức chế cho người chơi (nếu chơi thua) như các game hiện giờ.
Lùng tìm đồ cổ
Các máy chơi game “4 nút” ngày xưa có giá khá cao, lên tới 300 ngàn một máy – thời điểm mà lúc đó, giá vàng chỉ mới có 3 triệu/cây trong khi bây giờ, giá vàng đã lên tới 38 triệu/cây. Như vậy, nếu quy đổi ra, một máy chơi game “4 nút” bây giờ sẽ có giá tới 3,8 triệu/máy, tức tương đương với nhiều dòng máy chơi game hiện đại. Tuy nhiên, các máy chơi game “4 nút” đã… tuyệt chủng từ cách đây hơn 5 năm, khi mà các dòng game trên máy tính có những bước phát triển mạnh mẽ khiến máy chơi game “4 nút” không còn chỗ đứng. “Các máy chơi game “4 nút” vào thời đó đã bị đẩy từ thành thị về các vùng nông thôn và tiếp tục được trẻ em ở các vùng ấy… chiếu cố vì không còn có bất kỳ phương tiện giải trí game nào khác vào lúc ấy”, anh Quang, chủ một cửa hàng bán đồ chơi game trên đường Phan Đình Phùng (Đồng Nai) nhận xét.
Cũng theo anh Quang, các máy chơi game hiện giờ còn bán trên thị trường ở Việt Nam có xuất xứ từ 2 nguồn, một là các máy chơi game từ thời rất xưa nhưng chưa được tiêu thụ hết – các máy này có nguồn gốc từ Nhật và chất lượng khá tốt, ổn định tuy vậy, tương đối khó kiếm. Một dạng máy chơi game “4 nút” khác có thể dễ dàng tìm được ở nhiều khu chợ lớn, chợ dân sinh xuất xứ từ Trung Quốc. Thực ra, các máy chơi game cũng như máy đánh chữ - vốn đã tưởng như bị tuyệt chủng khi máy tính ra đời nhưng thực tế vẫn tiếp tục được một số nước như Trung Quốc, Malaisia, Philippin… sản xuất và khách hàng đến từ các quốc gia kém phát triển ở châu Phi.
Tuy thế, do các doanh nghiệp Việt Nam không nhập các máy chơi game này nữa (vì nếu có nhập thì cũng không có khách hàng) nên việc tìm các máy như thế cũng khó khăn. Phần lớn thường được đặt hàng qua Ebay hoặc nhờ người thân ở quê nếu thấy thì mua dùm hay có bạn bè nào qua Trung Quốc du lịch nếu gặp thì rinh hộ một bộ. “Các máy chơi game từ Trung Quốc có thiết kế hơi… dại (???) và tuổi thọ kém, dễ cháy nếu chơi lâu hoặc điện áp thay đổi thất thường. Mình đã cháy mất 3 cái trong một tháng, vì thế, bây giờ - nhiều khi nhớ game “4 nút”, muốn chơi lại, mình phải cẳm nó vào ổn áp cho chắc ăn”, Hùng – trưởng phòng KCS một công ty thực phẩm ở Quận Phú Nhuận (TP. HCM) cho hay. Theo Hùng, hành trình để tìm các máy chơi game “4 nút” thường khá gian nan và không phải muốn là tìm được, nhiều người phải mất 3-4 tháng hoặc nửa năm mới có cơ hội… tình cờ thấy các máy này trên đường đi chơi hoặc đi công tác xa.
Giả lập trên máy tính
Tuy thế, với các game thủ 8x không có thời gian đi tìm các máy chơi game “4 nút” để chơi trong thực tế thì giải pháp thường được dùng nhất là giả lập các game này để chơi trên… máy tính. Theo Miên – kỹ sư một công ty phân bón ở An Giang thì “mặc dù cảm giác không bao giờ giống 100% như khi chơi trên các máy chơi game “4 nút” thật sự nhưng nó cũng giải tỏa nỗi nhớ được… 80%”. Cách giả lập game “4 nút” trên máy tính khá đơn giản, với những ai có tay nghề thì chỉ cần tạo ra ROM của các chương trình game rồi gắn nó vào trong các trình giả lập là có thể chơi như bình thường.
Tuy vậy, chơi game “4 nút” mà lại thao tác bằng bàn phím thì chẳng khác bắt một người nước ngoài ăn cơm bằng nĩa, nay phải dùng đũa để ăn. Cảm giác chơi khi đó sẽ rất… lạ lẫm và… thua liên tục. “Tốc độ thao tác rất chậm và trái tay nên khó điều khiển game lắm”, Hùng lắc đầu ngao ngán về ý tưởng chơi game “4 nút” bằng bàn phím. Theo Hùng, với các dân chơi game “4 nút” hoài cổ, bên cạnh việc bỏ thời gian truy tìm ROM và giả lập tương ứng trên máy tính thì phần lớn còn trang bị thêm các bộ “đồ nghề” là những gamepad để giúp việc chơi… như thật hơn. “Về cơ bản thì gamepad thời nay chính là gamepad của game “4 nút” thời xưa được cải tiến… rất nhiều mà thôi”, Hùng nhận xét hóm hỉnh.
Và game “4 nút” vẫn tiếp tục được khá đông người quan tâm đến mặc dù chúng đã tuyệt diệt khá lâu. Những trò trong game “4 nút” như bắn xe tăng, Rambo, đặt bom, Mario ăn nấm… thậm chí còn được phát triển thành nhiều thể loại game 3D đặc sắc cho máy tính hoặc máy chơi game chuyên nghiệp. Và về một mặt nào đó, game “4 nút” dường như lại tiếp tục được phát triển – theo một hình thức khác.
Bình luận (0)