Lãnh đạo Tổng cục Thể dục Thể thao đón đoàn vận động viên eSports Việt Nam trở về sau thành công tại Giải WCG 2012.
Thưa ông, năm 2012 Tổng cục Thể dục Thể thao đã chính thức công nhận 7 game là 7 bộ môn với 9 nội dung thi đấu tại Giải vô địch thể thao điện tử quốc gia 2012 (VEC 2012). Vậy tiêu chí nào để một game được xem xét, công nhận là một bộ môn eSports?
Về nguyên tắc một môn thể thao hay trò chơi vận động muốn trở thành một môn thể thao thì cần xây dựng được quy định (hay còn gọi là luật thi đấu) một cách chặt chẽ, quy định được số lượng người chơi, luật chơi, phân định được thắng thua, phân định được tất cả tình huống xảy ra trong cuộc đấu. Với các nguyên tắc để đảm bảo vận động viên thi đấu trên tinh thần fair-play, đoàn kết, hữu nghị.
Để một game trở thành môn thể thao điện tử (eSports) thì game đó phải có luật thi đấu chặt chẽ, được cơ quan quản lý có thẩm quyền (Tổng cục Thể dục Thể thao - PV) quyết định ban hành luật thi đấu đó và cho phép áp dụng tại Việt Nam. Game được phát hành ở Việt Nam (có thể do các doanh nghiệp Việt Nam phát triển hay nhập khẩu từ nước ngoài) muốn được công nhận là một môn eSports ở Việt Nam cũng cần tuân thủ những tiêu chí trên.
Ông đánh giá thế nào về xu hướng phát triển eSports ở Việt Nam trong những năm tới? Và ngành Thể dục Thể thao có định hướng phát triển eSports thế nào?
eSports ở Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ với hàng chục triệu người chơi. Sự phát triển eSports là một xu thế tất yếu của thời đại CNTT và Internet đang bùng nổ, ngày càng gắn liền với đời sống xã hội. Tôi cho rằng eSports rất phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của giới trẻ Việt Nam. Giới trẻ luôn học hỏi rất nhanh, yêu thích những cái mới, qua đó rèn luyện phẩm chất và ý chí cũng như hình thành và phát triển nhân cách con người một cách chủ động hơn.
Về chính sách của nhà nước, các môn thể thao đều được khuyến khích phát triển, trong đó có eSports. Thời đại CNTT và Internet đang làm thay đổi cả thế giới thì xu hướng phát triển eSports là rất cần thiết. Nhà nước ủng hộ chủ trương xã hội hóa các môn eSports để mọi người tự nguyện rèn luyện, tập luyện một cách hữu ích.
Song vạn sự khởi đầu nan, khó khăn hiện tại khi phát triển rộng rãi eSports là thiếu cơ sở vật chất, cũng như nhận thức của nhiều cơ quan quản lý và một bộ phận xã hội chưa hiểu rõ về bộ môn này. Trong thời gian tới, tôi tin rằng eSports sẽ phát triển mạnh, rèn luyện sức khỏe, ý chí của con người Việt Nam, góp phần đẩy mạnh ứng dụng CNTT -VT vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thưa ông, hiện vẫn còn những ý kiến trái chiều về quản lý game online nói chung, Tổng cục Thể dục Thể thao có áp lực gì khi công nhận các game online trở thành môn thể thao điện tử hay không?
Thời gian qua, chúng tôi không có bất cứ áp lực gì khi ủng hộ Hội Thể thao Giải trí Điện tử Việt Nam và một số doanh nghiệp tổ chức các giải đấu eSports ở trong nước cũng như tổ chức cho các vận động viên đi thi đấu quốc tế.
Nhưng theo tôi, để eSports phát triển một cách hữu ích phải làm tốt việc tuyên truyền và phổ biến rộng rãi các môn eSports tới mọi người dân. Để cho xã hội hiểu rằng chỉ có thời đại phát triển CNTT và Internet mới sản sinh ra eSports. Các ngành, các cấp cần chung tay để xã hội hóa môn thể thao này tại Việt Nam, tạo điều kiện để eSports phát triển rộng rãi, tạo môi trường thể thao giải trí lành mạnh.
Đồng thời, nhà nước cần ban hành luật thi đấu những môn eSports trên thế giới đang áp dụng để đưa vào thi đấu tại Việt Nam. Quan trọng hơn là phổ biến cho người dân hiểu sâu sắc về eSports và thực hiện tốt chính sách pháp luật về eSports. Tổ chức được những giải đấu quy mô rộng nhằm thu hút nhiều người tham gia hơn, tổ chức các đội tuyển xuất sắc đi thi đấu các giải thể thao điện tử quốc tế.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)