Theo Tech In Asia, trong khi các báo nước ngoài lớn như Forbes, The Verge luôn cung cấp các bài viết chuyên sâu về “hiện tượng” Flappy Bird, tại Việt Nam, truyền thông lại đưa tin… không tốt và không hề nhận ra vì sao game này lại nổi như cồn.
Chính vì điều này, người dùng Việt tập trung vào các khía cạnh tiêu cực trong thành công của Hà Đông cùng với Flappy Bird. Tech In Asia cho rằng: khi dạo qua nhiều cuộc nói chuyện trên Facebook, kênh liên lạc chính của người Việt hiện nay, dễ thấy chủ đề chính quanh Flappy Bird là tác giả “ăn cắp” từ Nintendo, rằng anh sẽ bị đánh thuế thu nhập, hay anh quá may mắn đến mức không xứng đáng thành công và cuối cùng là game này quá dở.
Tech In Asia tóm lược và làm rõ một số nhầm lẫn của người dùng Việt về công nghệ, giải trí và thế giới game của chính đất nước mình:
1. Sao chép luôn luôn diễn ra và không phải là yếu tố dẫn đến thành công. Lấy ví dụ: Facebook không phải mạng xã hội đầu tiên, Gangnam Style cũng không phải bài hát đầu tiên có giai điệu và vũ đạo vui nhộn, iPhone không phải smartphone đầu tiên.
Lý luận thành công của Flappy Bird là nhờ “copy” ống nhựa màu xanh trong Super Mario của Nintendo vô cùng tức cười vì nó không phải là nguyên do mọi người tìm đến Flappy Bird. Yếu tố chính khiến game của Hà Đông thành công như vậy là độ khó ngay từ đầu khiến nhiều người chơi “thất điên bát đảo”. Bản thân Nintendo cũng bác bỏ bất kỳ tin đồn nào sẽ khởi kiện Hà Đông.
2. Bắt chước Flappy Bird không dễ. Hiện tại có ít nhất 10 game “nhái” theo Flappy Bird trên Android, iOS và leo dần lên trên bảng xếp hạng. Song, nếu là một game thủ, bạn dễ nhận ra sự khác biệt về chất lượng nằm ở đồ họa, đánh giá từ người chơi (Flappy Bird được đánh giá “4 sao” trong khi game đi sau không thể phá mức “3 sao”), mức độ “làm khó” người dùng.
3. Hà Đông mang cả đam mê và tính kỷ luật vào game. Thoạt nhìn, Flappy Bird như một game vô bổ, tốn thời gian nhưng được viết đơn giản, nhanh chóng. Việc tác giả quyết định game phải bị ảnh hưởng bởi trọng lực mạnh hơn các game tương tự đã là quyết định táo bạo. Với game như Temple Run, nhà phát triển muốn game thủ dành càng nhiều thời gian càng tốt để hoàn thành game, càng chơi càng tốt hơn và giành điểm số cao hơn từ hành trình dài hơn. Tuy nhiên, Hà Đông lại mang tinh thần thép khi muốn game khó ngay từ đầu. Các game khác đi từ dễ đến khó, còn Flappy Bird rất đơn giản: chiến thắng hoặc chiến bại. Đây được xem là một trong những yếu tố “gây sốt” của game. Đừng đánh giá thấp sự đơn giản, vì xét cho cùng, đơn giản là tận cùng của tinh tế.
4. Một số tờ báo so sánh Flappy Bird với Facebook, Apple hay các hãng công nghệ khác, tuy nhiên, đây là phép so sánh khập khiễng khi nó thuần túy chỉ là vấn đề nội dung. Sẽ hợp lý hơn khi đặt Flappy Bird lên bàn cân cùng những Gangnam Style, video “gây sốt” hay Angry Birds, Clash of Titans. Tất nhiên, vẫn có yếu tố may mắn trong trường hợp của Hà Đông. Chính bản thân anh cũng thừa nhận không tin có ngày sự nổi tiếng và vận may lại đến như vậy. Điều tương tự cũng xảy ra với Rovio, hãng đã thất bại tới 50 lần trước khi có được Angry Birds thành công rực rỡ. Dù vậy, không phải ai cũng có thể lặp lại ánh hào quang của mình thêm lần nữa. Flappy Bird trở thành hiện tượng nhưng Hà Đông cùng .GEARS (công ty của anh) có thể xuất xưởng thêm một game nào có tiếng vang hay không? Đó là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Có thể so sánh thành công của Flappy Bird với "hiện tượng" Gangnam Style của Psy
5. Nhà đầu tư mạo hiểm không có xu hướng đầu tư vào game vì chúng khó thành công. Tác giả bài viết cho rằng thông qua các cuộc nói chuyện với các nhà đầu tư tại Việt Nam, họ thường không mặn mà với game vì không có gì bảo đảm nó sẽ phát triển lớn mạnh và hái ra tiền. Sẽ bền vững hơn nhiều nếu bỏ tiền vào thương mại điện tử, hậu cần, công ty sản xuất với mô hình kinh doanh kéo dài nhiều năm. Họ muốn đầu tư vào nền tảng có thể cung cấp nội dung hay dịch vụ cho người dùng hơn là một game chỉ phổ biến trong thời gian ngắn rồi sau đó biến mất.
6. Dù người Việt Nam có quyền tự hào về sự nổi tiếng của Flappy Bird, nên nhớ game thành công không phải vì lập trình viên là người Việt Nam. Nói cách khác, một vài người xem Flappy Bird là dấu hiệu cho thấy Việt Nam là mảnh đất của nhiều người lập trình giỏi, nhiều nhà thiết kế giỏi nhưng nó không đúng trong dài hạn. Ví dụ, công nghiệp game Phần Lan “cất cánh” cùng Rovio và Supercell song họ chỉ làm được vậy sau khi hai hãng game liên tục cho ra tựa game mạnh. Ngược lại, Hà Đông lại là lập trình viên và thiết kế duy nhất đứng sau .GEARS. Nhiều doanh nghiệp trẻ và cộng đồng game còn không biết anh là ai cho tới khi Flappy Bird nổi lên. Chỉ khi nào có một người Việt khác thành công trên thị trường quốc tế, người Việt mới có đủ tự tin để nói đất nước không ngừng phát triển được game hay.
7. .GEARS là niềm cảm hứng cho nhiều công ty khác vì rõ ràng, thành công của Flappy Bird không thể phủ nhận. Các yếu tố thành công của game chỉ ra những điều mới mẻ vốn không được các hãng lớn chú ý. Sự đơn giản, tính khắc nghiệt, giao diện hoài cổ, không có các màn chơi, tính lan truyền chắc chắn sẽ được nghiên cứu cẩn thận và không lạ khi trong tương lai, thể loại game mới như Flappy Bird có thể xuất hiện.
8. “Ném đá” thể hiện sự ấu trĩ. Người dùng Facebook Việt chia làm 2 luồng ý kiến về Hà Đông và Flappy Bird: một bên tự hào và chúc mừng, một bên cho rằng tác giả không xứng đáng với thành công và những gì gặt hái được. Hành động của nhóm sau thường được gọi là “ném đá”, chỉ trích người khác mà không có lý lẽ thuyết phục. Thay vì dễ dàng “ném đá”, có lẽ họ nên tìm hiểu vì sao Hà Đông thành công và cân nhắc đến các yếu tố khiến game trở thành “bom tấn”.
9. Truyền thông Việt xem nhẹ sự phát triển của Twitter. Twitter là kênh chính thức Hà Đông liên lạc cùng thế giới. Anh không làm điều này qua blog, Facebook hay thậm chí cả website .GEARS. Điều này có vẻ khôi hài vì Việt Nam được xem là một trong những quốc gia sử dụng Facebook nhiều nhất thế giới, từ 12 triệu người dùng tháng 3/2013 lên hơn 20 triệu người dùng vào tháng 1/2014. Trong khi có tới 60% cư dân mạng Việt Nam dùng Facebook, con số này đối với Twitter chỉ là chưa đầy 20%. Twitter cũng hiếm khi được nhắc đến trên báo chí Việt. Liệu chúng ta có thể chứng kiến nhiều người Việt sử dụng Twitter hơn?
Bình luận (0)