Bệnh nhân nữ 46 tuổi, đến Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) khám sau một tuần mắt trái bị ngứa, tập trung ở mi mắt trên. Người bệnh cho biết chị đã dùng thuốc nhỏ mắt nhưng tình trạng không cải thiện, trái lại tình trạng ngứa dữ dội, khó chịu, cảm giác nặng mí mắt nhiều hơn.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tứ, Phó Trưởng Khoa liên chuyên khoa, Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa, cho biết soi mắt bệnh nhân dưới kính hiển vi, phát hiện dưới lớp vảy là nhiều con rận mi bám chi chít trên mi mắt. Trên lông mi, trứng rận xâu thành chuỗi.
Bác sĩ gắp nhiều con rận bám chặt vào mi mắt, xử lý hàng chục trứng rận trên lông mi, đồng thời hướng dẫn bệnh nhân cách vệ sinh mắt, tránh lây lan, tái nhiễm.
Theo bác sĩ Tứ, rận có nhiều ở chó mèo. Khi người tiếp xúc gần với chó mèo, rận dễ bò sang. Rận sống và đẻ trứng ở các khu vực ẩm ướt như mắt, hậu môn, bộ phận sinh dục. Rận cắn vào da người để hút máu liên tục trong nhiều giờ, nước bọt tiết từ miệng con rận gây ngứa ngáy, khó chịu.
Rận mi có thể lây nhiễm trong quá trình tiếp xúc giữa bố mẹ bị nhiễm bệnh và con cái, hoặc lây truyền gián tiếp qua quần áo, khăn tắm bị nhiễm rận.
Bác sĩ Tứ khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với chó mèo ở cự ly gần, vệ sinh nơi ở sạch sẽ. Khi có biểu hiện ngứa ngáy, khó chịu ở mắt, bộ phận sinh dục, hậu môn, nách... cần đến cơ sở y tế kiểm tra.
Rận mi hay còn gọi là rận mu hoặc rận bẹn. Rận mi được truyền qua tiếp xúc cơ thể hoặc lây qua chăn, chiếu, mùng mền, quần áo, khăn tắm… khi dùng chung.
Khi bị rận mi, bệnh nhân có thể cảm thấy ngứa, sẩn, đỏ mắt hoặc có các vảy màu đỏ sẫm ở mi và lông mi. Nếu để ý kỹ sẽ thấy trứng và rận trưởng thành. Có thể ở một mắt hay hai mắt.
Ngoài ra, rận có thể sống ở nhiều vị trí khác trên cơ thể như: tóc, lông mày, lông mu… Bệnh nhân thường ngứa nhiều vào ban đêm. Rận mi gây ngứa, thường xảy ra sau 1-2 tuần nhiễm bệnh. Ngứa dẫn đến gãi, gãi nhiều có thể gây ra lở loét và nhiễm khuẩn thứ phát.
Bình luận (0)