Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 5, 9, 12 của các cơ sở giáo dục phổ thông được thực hiện từ nay đến trước ngày 5-3. Đây cũng là năm học đánh dấu chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 phủ sóng toàn bộ các cấp học.
Giao quyền chủ động cho giáo viên
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết việc tổ chức lựa chọn SGK được thực hiện theo các quy định của Bộ GD-ĐT tại Thông tư 27/2023, cụ thể theo các bước như: Căn cứ kế hoạch của hội đồng và tiêu chí lựa chọn SGK, tổ trưởng tổ chuyên môn các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn SGK cho từng môn học được cơ cấu trong tổ chuyên môn, báo cáo người đứng đầu trước khi thực hiện. Tổ trưởng tổ chuyên môn tổ chức họp với các giáo viên (GV) môn học để thảo luận, bỏ phiếu lựa chọn 1 SGK cho môn học đó.
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, các cơ sở giáo dục lập hồ sơ lựa chọn SGK gửi về phòng GD-ĐT. Danh mục SGK do cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn được cập nhật chậm nhất ngày 5-3. Từ ngày 5-3, phòng GD-ĐT thẩm định hồ sơ và báo cáo về Sở GD-ĐT TP HCM trước ngày 10-3. Các phòng GD-ĐT chỉ đạo cơ sở giáo dục thông báo danh mục SGK được UBND TP HCM phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục đến giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh trước ngày 30-4 hằng năm.
Theo UBND TP HCM, tiêu chí lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố phải bảo đảm 2 tiêu chí. Thứ nhất, phù hợp đặc điểm kinh tế - xã hội của thành phố, phù hợp điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông; SGK được chọn phải phù hợp việc giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống, lý tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh; sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và xã hội; kiến thức hiện đại, hội nhập khu vực và quốc tế, có giá trị liên hệ thực tiễn đến đời sống hằng ngày, môi trường xung quanh học sinh… Đặc biệt, bảo đảm tính kế thừa, phù hợp phong tục, tập quán, lối sống, văn hóa của người Việt Nam trên mọi miền đất nước, trong đó có chú trọng đến phong tục, tập quán, lối sống, văn hóa của thành phố; đáp ứng được định hướng phát triển GD-ĐT của thành phố, xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế…
Thứ hai, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông, bao gồm: phù hợp năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý, GV... phục vụ mục tiêu giáo dục, nhất là trong tổ chức dạy học ngoại ngữ, tin học, chủ đề STEM; phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và thiết bị dạy học hiện đại; đáp ứng tốt, phát huy thế mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông trong tổ chức các hoạt động giáo dục; bảo đảm tính phân hóa, đa dạng loại hình trường - lớp…
Ghi nhận từ các cơ sở giáo dục cho thấy ngay sau khi Sở GD-ĐT TP HCM ra văn bản hướng dẫn chọn sách, các trường đều thực hiện theo những bước trong quy định. Bà Tống Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1), cho biết hiện nay nhà trường đang triển khai cho các tổ bộ môn và GV thực hiện những bước theo quy định của Thông tư 27/2023 của Bộ GD-ĐT và hướng dẫn của Sở GD-ĐT thành phố.
Quan trọng vẫn là cách dạy
Theo bà Hương, dù theo thông tư cũ hay mới thì việc nghiên cứu, lấy ý kiến về SGK của GV đều được chú trọng, GV được tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng và đóng góp ý kiến. "Với thông tư mới, trách nhiệm của GV sẽ nặng hơn nhưng cũng vì thế được chủ động hơn, các ý kiến của những người trực tiếp đứng lớp giảng dạy, từ thực tiễn nên cũng sát sao hơn" - bà Hương cho biết.
Bà Hoàng Thụy Bích Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (quận 7), nhận xét quy trình lựa chọn SGK như Thông tư 27 không khác nhiều so với quy trình lựa chọn SGK tại TP HCM. Theo bà, việc lựa chọn SGK dù là do UBND TP HCM quyết định trong danh sách những bộ sách được Bộ GD-ĐT phê duyệt nhưng thực tế, quyền chủ động được giao cho các trường và quy trình lựa chọn cũng dân chủ, khách quan.
Bà Thủy dẫn chứng dù một số trường chọn sách theo độ tin tưởng, thói quen giảng dạy của GV nhưng quyết định của thành phố vẫn bảo đảm tính dân chủ, đa dạng ở chỗ có nhiều đầu sách khác nhau để từng quận, huyện, nhà trường chọn sao cho phù hợp năng lực của GV, học sinh.
Cũng theo bà Thủy, từ nhiều năm nay, TP HCM khuyến khích mỗi trường có thư viện sách dùng chung, nghĩa là dù lựa chọn sách nào thì thư viện mỗi trường đều có các đầu sách của các bộ sách còn lại để GV tham khảo. Nếu thấy ngữ liệu của sách này không hay bằng đầu sách khác, GV hoàn toàn có thể chủ động thay đổi.
Hiệu trưởng một trường THCS tại quận 1 cho rằng thực tế hiện nay rất ít GV phụ thuộc vào SGK để giảng dạy, bởi SGK chỉ là tài liệu tham khảo. Các thầy cô có thể kết hợp nhiều bộ sách khác nhau để giảng dạy, miễn là đáp ứng theo khung chương trình và giúp học sinh đạt được các phẩm chất, năng lực cần có theo từng giai đoạn.
Phải bảo đảm quyền lợi học sinh
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), cho rằng việc lựa chọn SGK hiện nay giao về cho các trường là hợp lý. Dù vậy, nỗi lo không phải ở vấn đề chọn sách mà làm sao để quyền lợi của học sinh được bảo đảm nếu chuyển trường hay chuyển địa phương học tập. "Nếu chuyển trường, hiện nay việc sắp xếp tổ hợp môn không giống nhau ở các trường khiến học sinh nếu muốn chuyển trường rất khó khăn. Hoặc trường hợp học sinh đang học bộ SGK này nhưng khi sang trường khác học bộ sách khác thì phải làm sao?" - ông Phú đặt vấn đề.
Bình luận (0)