Trước đây, khi một số tuyến đường bị ngập sâu do mưa lớn, nhiều người dân ở TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau luôn than phiền vì sản xuất và cuộc sống đảo lộn. Tuy nhiên, theo thời gian, họ cũng dần quen bởi hình ảnh này không còn hiếm gặp.
Mưa lớn, triều cường là ngập
Ông Huỳnh Hoàng Thành - ngụ phường 9, TP Cà Mau - cho biết cơn mưa lớn chiều 23-8 làm nhiều tuyến đường ngập cục bộ khiến việc di chuyển gặp khó khăn. Nhiều phương tiện chết máy nên người dân phải cuốc bộ hàng cây số để tìm tiệm sửa xe. "Trời mưa cộng với ngoài sông nước lớn nên nước trên đường rút khá chậm. Nước bẩn từ các ống cống tràn lên đường, hôi hám, rất khó chịu" - ông nói.
Theo Phòng Quản lý đô thị TP Cà Mau, nhiều tuyến đường trong thành phố bị ngập khi thủy triều dâng cao và mưa lớn là do có địa thế trũng, thấp, gần sông. Bên cạnh đó, việc ngập nước còn do rác thải, lá cây chặn bít nắp đậy ống cống.
Tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, một số địa điểm nhiều năm qua luôn trong tình trạng ngập nặng cục bộ khi mưa lớn kéo dài. Theo ghi nhận của phóng viên, những nơi ngập sâu nhất ở Phú Quốc cũng là nơi có nhiều khu dân cư tự phát, xây dựng lấn chiếm, ngăn bít dòng chảy các con suối.
Điển hình là tại các ấp Cây Thông Ngoài và Cây Thông Trong ở xã Cửa Dương, TP Phú Quốc, cứ mưa lớn là ngập nặng ở khu dân cư tự phát. Tại đây, người dân mở đường đi qua những con suối nhưng làm hệ thống cống nhỏ, làm hẹp dòng chảy. Thậm chí, tại khu vực suối Đá Bàn còn có cả công trình chắn ngang dòng suối như "đập thủy điện", khiến dòng chảy bị tắc hoàn toàn.
Thời gian qua, UBND TP Phú Quốc cũng như UBND tỉnh Kiên Giang đã triển khai nhiều phương án, chỉ đạo quyết liệt để xử lý vấn nạn xây dựng trái phép, lấn chiếm sông suối, giải quyết rác thải, khai thông cống rãnh nhằm hạn chế tình trạng ngập cục bộ. Thế nhưng, vào mùa mưa, tình trạng này vẫn tái diễn.
Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho rằng Phú Quốc ngập nặng là do hệ thống hạ tầng thoát nước chưa đồng bộ, cũ kỹ, xuống cấp. Việc vệ sinh môi trường, nạo vét, khơi thông cống rãnh trước mùa mưa chưa được bảo đảm; quản lý quy hoạch và đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa theo kịp sự phát triển của không gian đô thị… Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, bỏ rác không đúng nơi quy định, làm bít miệng thu nước và hố ga, gây cản trở dòng chảy.
Đa dạng các giải pháp
Người đứng đầu UBND tỉnh Kiên Giang cho biết đã chỉ đạo UBND TP Phú Quốc tăng cường quản lý đô thị, vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh; cải tạo ngay các đoạn đường, tuyến cống thường xuyên ngập cục bộ.
"Tỉnh sẽ đánh giá, rà soát mạng lưới chống ngập. Tôi đã yêu cầu Phú Quốc khắc phục sớm vì mùa mưa còn kéo dài với cường độ ngày càng lớn. Nếu không khắc phục sớm thì khả năng sẽ ngập sâu, ảnh hưởng tài sản, cuộc sống người dân" - ông Thành lo ngại.
Về giải pháp chống ngập đô thị lâu dài, ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Cà Mau, cho hay thành phố sẽ tiếp tục bố trí nguồn vốn; kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cấp đồng bộ mặt đường và hệ thống thoát nước tại một số tuyến nội ô.
TP Cà Mau còn đề xuất tỉnh xem xét "tranh thủ" nguồn vốn đầu tư hỗ trợ phát triển hoặc vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài để giúp địa phương có kinh phí thực hiện chống ngập trên địa bàn. Ngành chức năng địa phương cũng tuyên truyền, vận động người dân chung sức dọn dẹp vệ sinh, không vứt rác bừa bãi để bảo đảm việc thoát nước khi mưa.
Trong khi đó, tại TP Cần Thơ, âu thuyền Cái Khế đã phát huy tác dụng trong việc giảm ngập lúc triều cường dâng cao vào tháng 9 và 10-2023. Ban Quản lý đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (Ban ODA) TP Cần Thơ cho biết thời điểm đó đã cho âu thuyền Cái Khế hoạt động thử nghiệm khi công trình này chỉ đạt 70% khối lượng, song đã ngăn được nước từ sông Cần Thơ đổ về.
Âu thuyền Cái Khế là công trình thuộc dự án "Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị" với tổng kinh phí 436 tỉ đồng, do Ban ODA TP Cần Thơ làm chủ đầu tư. Công trình này được thiết kế như hệ thống khóa nước và xả nước, có tác dụng đóng - mở, làm tăng hay giảm nước từ sông Cần Thơ đổ về khi mưa lũ, triều cường.
Ông Nguyễn Văn Tho, Phó Giám đốc Ban ODA TP Cần Thơ, cho biết: "Dự án "Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị" có 42 gói thầu. Đến nay, nhiều gói thầu như: kè sông Cần Thơ, đường 918, cầu Trần Hoàng Na, đường Hoàng Quốc Việt, âu thuyền Cái Khế… đã hoàn thành. Trong đợt triều cường tới, chúng tôi sẽ đóng âu thuyền Cái Khế và các cống để chống ngập cho vùng lõi".
Cần Thơ triển khai dự án 4.500 tỉ đồng
Theo ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, thành phố hiện triển khai dự án chống ngập, sạt lở, chỉnh trang đô thị với tổng kinh phí 4.500 tỉ đồng và đang đề xuất Trung ương phân bổ nguồn vốn.
Nếu dự án này được duyệt và triển khai, vùng Ninh Kiều, Bình Thủy và Ô Môn ở Cần Thơ sẽ không còn tình trạng ngập úng như trước.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)