Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), chỉ riêng trong tuần 36, TP ghi nhận 104 ca sốt phát ban nghi sởi, tăng 12,7% so với trung bình 4 tuần trước (92 ca). Trong đó, có 98 ca sởi (12 ca xác định phòng thí nghiệm và 86 ca nghi ngờ lâm sàng).
Tiến độ tiêm chủng còn chậm
Theo HCDC, tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy từ đầu năm đến tuần 36 là 748 ca, trong đó có 581 ca sởi (287 ca xác định phòng xét nghiệm và 294 ca lâm sàng). Những địa phương có số mắc sởi cao bao gồm huyện Bình Chánh, Hóc Môn và quận Bình Tân. Đáng chú ý, TP đã ghi nhận 5 ổ dịch sởi tại các trường học. Tất cả các ổ dịch này đều xuất hiện trong các trường tiểu học kể từ khi khai giảng đến nay và hầu hết học sinh mắc sởi chưa tiêm đủ mũi vắc-xin. Cụ thể, Trường Tiểu học Phạm Hữu Lầu (phường Phú Mỹ, quận 7) 4 ca; Trường Tiểu học Huỳnh Văn Bánh (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) 3 ca; Trường Tiểu học Lại Hùng Cường (xã Vĩnh Lộc B) 2 ca; Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Phú Thạnh, quận Tân Phú) 2 ca; và Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tây (phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức) 3 ca. Các chuyên gia dự báo thời gian tới có thể sẽ tiếp tục phát sinh nhiều ổ dịch tại trường học.
Sở Y tế TP HCM cho biết trong 10 ngày đầu của chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh sởi (từ ngày 31-8 đến 9-9) đã có 19.821 trẻ từ 1 đến 5 tuổi được tiêm vắc-xin sởi (chiếm tỉ lệ 32,6%) trên tổng số 60.733 trẻ thuộc diện phải tiêm theo kế hoạch chủ động ứng phó dịch bệnh sởi trên địa bàn TP. "Hiện tiến độ tiêm chủng vẫn còn chậm, nhiều quận, huyện chưa đạt chỉ tiêu. Ban chỉ đạo phòng chống dịch yêu cầu các địa phương huy động toàn bộ lực lượng, tổ chức tiêm chủng tại các trường học, trạm y tế, bệnh viện, bảo đảm an toàn và kịp thời cho các trẻ chưa được tiêm đủ mũi, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch sởi trong cộng đồng" - lãnh đạo Sở Y tế cảnh báo.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho rằng thực tế cho thấy số ca mắc sởi đang gia tăng, trong khi đó tiến độ tiêm chủng ở nhiều địa phương còn chậm. Một số quận thậm chí không tổ chức hoặc chỉ có rất ít điểm tiêm chủng tại trường học. Do đó, BS Châu đề nghị các địa phương phải vừa tiếp tục rà soát vừa tổ chức tiêm chủng ngay, không nên chờ đợi đến khi hoàn thành rà soát.
Lãnh đạo ngành y tế TP cũng khuyến cáo ngành giáo dục cần phối hợp chặt chẽ hơn với ngành y tế để đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng sởi trong các trường học. Đối với những trường có ít học sinh, có thể kết hợp nhiều trường hoặc phối hợp với trạm y tế gần trường để tổ chức tiêm cho trẻ. Nếu các trường chỉ thông báo và yêu cầu phụ huynh tự đưa con đi tiêm tại địa phương, việc quản lý sẽ rất khó khăn.
Hai mũi vắc-xin có hiệu quả lên đến 98%
Ngày 16-9, BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa VNVC - đơn vị được Sở Y tế TP HCM chọn là đơn vị chủ lực đồng hành cùng sở tham gia chiến dịch tiêm vắc-xin sởi miễn phí cho trẻ em 1-10 tuổi, cho hay bên cạnh đạt chỉ tiêu về độ phủ vắc-xin, gần 2.000 nhân viên y tế của 39 trung tâm VNVC tại TP HCM tham gia chiến dịch, đặc biệt chú trọng bảo đảm an toàn, đạt hiệu quả cao phòng bệnh.
Vắc-xin sử dụng trong chiến dịch là loại phòng sởi - rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất, nguồn vắc-xin từ ngân sách của TP và Bộ Y tế cấp. Đối tượng tiêm là tất cả trẻ em từ 1-10 tuổi sống tại TP HCM, chưa được tiêm vắc-xin sởi đủ 2 mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng. Người dân có thể đưa trẻ đến bất kỳ trung tâm tiêm chủng nào của VNVC trên địa bàn để được tiêm miễn phí.
Hai mũi vắc-xin phòng sởi có hiệu quả lên đến 98%. Trong bối cảnh có dịch, hai mũi vắc-xin có thể tiêm cách nhau 1 tháng cho trẻ từ 12 tháng thay vì 3 tháng như lịch tiêm thông thường. Trẻ em từ 7 tuổi và người lớn có lịch tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng. Phụ nữ nên hoàn thành lịch tiêm trước khi mang thai tốt nhất 3 tháng. Vắc-xin sởi có thể tiêm cùng lúc với các vắc-xin khác trong cùng một buổi tiêm, người dân có thể kết hợp tiêm cùng loại khác để tiết kiệm thời gian.
Khẩn trương bao phủ vắc-xin
TP HCM ước tính có gần 125.000 trẻ thuộc diện cần tiêm trong chiến dịch. Tuy nhiên, đến nay thành phố mới chỉ thực hiện tiêm bổ sung được cho khoảng 70% trẻ từ 1-5 tuổi và gần như toàn bộ nhóm trẻ từ 6-10 tuổi chưa được tiêm. Trong khi đó, sởi liên tục gia tăng ca mắc, bắt đầu xuất hiện các ổ dịch ở trường học dù chỉ mới vào năm học mới. Tại VNVC, kể từ khi TP công bố dịch sởi và các địa phương ghi nhận nhiều ca mắc, số người lớn và trẻ em tăng cường tiêm vắc-xin phòng bệnh. Từ ngày 1 đến 14-9, tại TP HCM cho thấy lượt tiêm tăng 300% so với cùng kỳ tháng trước. Tính từ đầu tháng 9 đến nay, VNVC đã triển khai tiêm chủng an toàn hơn 30.000 liều vắc-xin sởi các loại bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trên địa bàn TP HCM.
Theo BS Chính, hiện hệ thống gần 200 trung tâm tiêm chủng rộng khắp cả nước và 39 trung tâm tại TP HCM đều có đầy đủ các loại vắc-xin phòng sởi cũng như các bệnh nguy hiểm khác ở trẻ em và người lớn. VNVC còn có vắc-xin phối hợp sởi - quai bị - rubella gồm Priorix (Bỉ) và MMR II (Mỹ), nâng cao hiệu quả phòng nhiều bệnh trong 1 mũi tiêm và tiết kiệm chi phí, giảm số lần phải tiêm vắc-xin. Các loại vắc-xin này tiêm được cho trẻ em từ 9 tháng tuổi và người lớn. "VNVC cũng cam kết sẵn sàng hỗ trợ cơ sở vật chất, vật tư y tế, điều động đội ngũ tham gia cùng TP phòng chống dịch sởi. Hoạt động của VNVC đồng thời thể hiện trách nhiệm xã hội, chung tay góp sức cùng cả nước đẩy lùi dịch, bảo vệ sức khỏe cho hàng triệu người dân" - BS Chính nhấn mạnh.
Đại diện lãnh đạo VNVC cũng thông tin 100% trẻ thuộc diện tiêm sởi miễn phí khi đến VNVC được phục vụ như các trung tâm khác của VNVC trên toàn hệ thống, đều trải qua quy trình tiêm chủng an toàn 8 bước. Thông tin tiêm chủng của trẻ sẽ được lưu trữ trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia và ứng dụng mobile App tiêm chủng VNVC. Bên cạnh hỗ trợ chiến dịch tiêm vắc-xin sởi, VNVC cũng nỗ lực cung ứng đầy đủ các loại vắc-xin trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tình hình mưa lũ thường xuyên từ nay đến cuối năm khiến nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát như cúm, thủy đậu, bạch hầu, ho gà, uốn ván…
Triển khai hệ thống giám sát
Theo các bác sĩ, sởi là bệnh lây nhiễm hàng đầu, một người có thể lây cho 12-18 người. Bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, tiêu chảy, suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng hậu sởi… TP HCM đang là vùng có dịch, nguy cơ mắc sởi rất cao nếu phơi nhiễm mầm bệnh nhưng chưa có miễn dịch.
HCDC khuyến cáo các trường cần triển khai hệ thống giám sát trẻ sốt, báo cáo để cảnh báo ngay, theo dõi sát. Khi học sinh có dấu hiệu phát ban phải tiến hành xử lý ổ dịch ngay. Các trường cần thường xuyên mở cửa, cửa chính cho ánh sáng chiếu vào và bảo đảm thông khí cho phòng học, thực hiện vệ sinh khử khuẩn đồ chơi, đồ dùng, sàn nhà, tay cửa nắm… bằng xà phòng và các chất tẩy rửa thông thường hoặc bằng dung dịch chứa clo. Bên cạnh đó, cần rà soát và tiêm bù, tiêm bổ sung ngay cho học sinh và giáo viên tại trường nếu chưa tiêm đủ hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng.
Gần như toàn bộ nhóm trẻ từ 6-10 tuổi chưa được tiêm bổ sung vắc-xin phòng dịch sởi.
60 điểm tiêm vào cuộc, hoạt động xuyên suốt cả tuần
Cũng trong ngày 16-9, trước tình hình ca bệnh sởi đang tăng nhanh trong trường học, ngành y tế TP đã lập 4 đoàn kiểm tra toàn diện công tác phòng chống dịch sởi tại các cơ sở giáo dục, cơ sở khám chữa bệnh, cộng đồng và triển khai thêm 60 điểm tiêm sởi tư nhân miễn phí.
Theo đó, mỗi đoàn kiểm tra sẽ có sự tham gia của Ban Giám đốc Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội và Sở Giáo dục - Đào tạo. Đoàn sẽ đi kiểm tra, hướng dẫn và chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót hạn chế của đơn vị được kiểm tra, đồng thời rút kinh nghiệm cho các quận, huyện, TP Thủ Đức. Bên cạnh thành lập đoàn kiểm tra, Sở Y tế còn đẩy mạnh tiêm vắc-xin phòng chống bệnh sởi với sự tham gia của 60 điểm tiêm tại các cơ sở tiêm chủng tư nhân. Bắt đầu từ ngày 16-9, 60 điểm tiêm này sẽ hoạt động xuyên suốt từ 7 giờ 30 phút đến 17 giờ hằng ngày, kể cả thứ bảy và chủ nhật. Song song đó, Trung tâm Y tế quận, huyện, TP Thủ Đức sẽ bảo đảm vào các ngày nghỉ thứ bảy và chủ nhật phải triển khai 1-2 điểm tiêm để thuận tiện cho người dân.
Ngoài ra, Sở Y tế cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế khẩn trương dự trù vắc-xin và tiêm vắc-xin cho nhân viên y tế, người làm việc tại cơ sở khám, chữa bệnh có nguy cơ tiếp xúc người mắc sởi; nhân viên y tế, người chăm sóc trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao từ ngày 16-9 đến 20-9.
Bình luận (0)