Công tác tổ chức chấm thi, tổng kết công tác chấm thi, gửi dữ liệu kết quả thi về Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), đối sánh kết quả thi sẽ hoàn thành chậm nhất vào 17 giờ ngày 13-7.
Công tác chấm thi đúng tiến độ
Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, cùng đoàn công tác đã kiểm tra công tác chấm thi tại một số địa phương. Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, qua công tác chỉ đạo, theo dõi tình hình và kiểm tra trực tiếp tại các địa phương, công tác chấm thi tại các hội đồng đang được triển khai đúng tiến độ, quy chế.
Đáp án 11 môn thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã được Bộ GD-ĐT công bố, ngoài ngữ văn là môn thi tự luận, được chấm 2 vòng độc lập, các môn trắc nghiệm được chấm bằng máy với phần mềm chuyên dụng do Bộ GD-ĐT cung cấp.
Liên quan đến chấm thi ngữ văn thế nào để đánh giá đúng năng lực và ghi nhận được tính sáng tạo của học sinh với một đề thi mở, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng đề mở hay hướng dẫn mở cũng không xa lạ nhiều với giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, do năm nay đề ngữ văn mở hoàn toàn nên Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn chấm mở để bảo đảm đánh giá đúng năng lực của học sinh. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói thêm tỉ lệ chấm thử, chấm chung được thực hiện để bảo đảm sự thống nhất và đều tay giữa các cán bộ chấm thi. Đặc biệt, công tác chấm kiểm tra được thực hiện ít nhất 5% số lượng bài thi tự luận đã được chấm trước đó.
Bộ GD-ĐT cũng lưu ý trong quá trình chấm, nếu xuất hiện các hiện tượng bất thường như quá nhiều bài có điểm số quá cao hoặc quá thấp, các hội đồng cần rà soát, xem xét lại để bảo đảm tính công bằng và quyền lợi cho thí sinh.

Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh thêm hướng dẫn mở cho phép ghi nhận những yếu tố sáng tạo, chủ động, tư duy độc lập của thí sinh. Tuy nhiên, bài làm phải đáp ứng chuẩn đầu ra và theo tiêu chí của chương trình giáo dục phổ thông cũng như hướng dẫn chấm thi đã ban hành. Với đề mở, học sinh có thêm cơ hội phát huy tính chủ động, sáng tạo và bộc lộ rõ tư duy, suy nghĩ của mình không chỉ trong làm bài mà cả trong quá trình học tập và các hình thức đánh giá khác.
Với những môn học được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm về mức độ khó, như môn toán và tiếng Anh, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay sau khi kỳ thi kết thúc và có đầy đủ số liệu, Bộ GD-ĐT sẽ đánh giá toàn diện, tổng thể Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời xem xét, rút kinh nghiệm từ những hạn chế trong công tác tổ chức kỳ thi năm nay, từ đó có cơ sở điều chỉnh, hoàn thiện hơn cho những năm tiếp theo. Mục tiêu chung là hướng đến kết quả thật của thí sinh, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của thí sinh trong kỳ thi này.
Điểm 8,5 - 9 rất hiếm
Theo kế hoạch, ngày 8-7, TP HCM hoàn thành công tác chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đối với môn ngữ văn. Theo nhiều giám khảo tham gia chấm thi, số điểm nhiều nhất ghi nhận được qua quá trình chấm thi là ở khoảng điểm 6,5 - 7.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là kỳ thi đầu tiên theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, với nhiều thay đổi quan trọng trong đề thi và phương thức kiểm tra, đánh giá.
Mặc dù chủ đề xuyên suốt của đề thi ngữ văn năm nay không gây bất ngờ với nhiều thí sinh nhưng số điểm cao ở môn thi này không nhiều. "Mức điểm ghi nhận được nhiều nhất qua các ngày chấm thi là 6,5 - 7 điểm. Số điểm dưới trung bình ít, số bài thi ở khoảng 8,5 - 9 điểm rất hiếm" - một giám khảo cho biết.
Theo một giáo viên tham gia chấm thi, với đề thi ngữ văn năm nay, độ phân hóa thể hiện đậm nét, công tác chấm thi môn này có vẻ "nhàn" hơn, đồng thời hạn chế chấm thi theo cảm tính. Giáo viên này phân tích cùng với đề thi, đáp án và hướng dẫn chấm cũng thể hiện mạch lạc, tường minh, nghĩa là thí sinh làm được chừng nào tính điểm chừng đó, không có chuyện nới lỏng hay vớt vát cho thí sinh.
Lấy ví dụ, giáo viên trên cho biết ở phần đọc - hiểu, ở từng yêu cầu của đề thi, đòi hỏi thí sinh phải xác định đúng vào trọng tâm vấn đề để trả lời, không có chuyện trình bày lan man, dài dòng, trong khi không có ý mà vẫn có điểm. Chẳng hạn, ở yêu cầu thứ 3 của phần đọc - hiểu, thí sinh sau khi phải chỉ ra được biện pháp tu từ so sánh, còn phải phân tích được 2 tác dụng của biện pháp này mới lấy trọn 1 điểm, song không nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối ở câu này.
"Với câu hỏi thứ 5 phần đọc - hiểu, nhiều thí sinh dù tìm ra được sự tương đồng về ý nghĩa ở 2 ngữ liệu nhưng lại trình bày không rõ ràng, nhiều ý trùng lặp. Ngược lại, một số bài làm lại thực hiện yêu cầu đề thi như đề thi trắc nghiệm, chỉ gạch đầu dòng, không có ý nghĩa văn chương" - giáo viên này cho biết.
Điểm chung nhiều nhất ở kỳ chấm thi năm nay, theo nhiều giám khảo, đó là không xuất hiện những bài làm dài lê thê, nhiều trang giấy. Theo một giám khảo, trong số những bài thi đã chấm, điểm cao nhất ghi nhận được là 9, đây là bài thi trả lời đúng, đủ các yêu cầu của đề, ngoài ra còn các yếu tố khác như cách trình bày, chính tả và lối hành văn mạch lạc nhưng không khô cứng, gượng gạo.
Theo giám khảo này, trước khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án các môn thi, nhiều lo ngại sẽ có nhiều bài làm lạc đề ở phần viết, dù vậy khi chấm, hầu như không có bài thi nào lạc đề. Phần này là phần phân hóa rõ năng lực của từng thí sinh, thể hiện ở việc nhận biết chính xác nội dung câu hỏi để trả lời đúng trọng tâm, vừa vặn với dung lượng chữ.
Câu dễ lấy điểm và cũng dễ mất điểm nhất là ở câu hỏi 2 của phần viết. Một giám khảo phân tích dù chủ đề là quen thuộc với hầu hết thí sinh trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi lớn nhưng không phải bài làm nào cũng đạt như mong đợi. Ở câu hỏi này, những bài làm đạt điểm gần trọn vẹn là những thí sinh có khả năng nắm bắt từ thực tế đang diễn ra để đưa vào bài thi một cách gần gũi, sinh động, gắn với thực tiễn. Có những bài làm viết dài nhưng sáo rỗng, không có tính cụ thể, không có yếu tố liên tưởng đến thực tiễn cuộc sống đang diễn ra.
Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành công tác chấm thi, ngày 9-7, Sở GD-ĐT TP HCM sẽ kết nối dữ liệu bài thi tự luận. Từ ngày 10 đến 11-7 sẽ đối sánh kết quả thi. Từ ngày 12 đến 13-7 thực hiện ghép điểm tổng và ghi đĩa CD chứa toàn bộ dữ liệu điểm bài thi.
Gửi dữ liệu kết quả thi ngày 13-7
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, hội đồng thi các tỉnh sẽ tổng kết công tác chấm thi và gửi dữ liệu kết quả thi về Bộ GD-ĐT chậm nhất vào 17 giờ ngày 13-7. Sau đó, các hội đồng thi sẽ công bố kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vào 8 giờ ngày 16-7. Các sở GD-ĐT và các trường phổ thông sẽ hoàn tất việc xét công nhận tốt nghiệp THPT chậm nhất ngày 18-7. Kết quả tốt nghiệp THPT được Sở GD-ĐT công bố chậm nhất ngày 20-7. Các đơn vị sẽ in và gửi giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh chậm nhất ngày 22-7.
Việc thu nhận đơn phúc khảo và lập danh sách phúc khảo sẽ diễn ra từ ngày 16 đến hết ngày 25-7. Việc tổ chức phúc khảo bài thi (nếu có) sẽ hoàn thành chậm nhất là ngày 3-8.
Bình luận (0)