Rạng sáng 16-1 theo giờ Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch hàng hóa trên sàn London – Anh, giá cà phê Robusta tăng từ 49 USD – 60 USD/tấn, tương đương tỉ lệ từ 1,01%-1,25%, tùy kỳ hạn. Cụ thể, giá các kỳ hạn được chốt như sau:
Kỳ hạn giao hàng tháng 3-2025 tăng 49 USD, lên 4912 USD/tấn.
Kỳ hạn giao hàng tháng 5-2025 tăng 60 USD, lên 4856 USD/tấn.
Kỳ hạn giao hàng tháng 7-2025 tăng 58 USD, lên 4780 USD/tấn.
Kỳ hạn giao hàng tháng 9-2025 tăng 50 USD, lên 4692 USD/tấn.
Tại thị trường trường trong nước, giá cà phê hôm nay 16-1 cũng tăng trở lại khoảng 1.200 đồng/kg, lên mức 115.700 đồng/kg. Nông dân vừa thu hoạch cà phê thở phào trở lại sau vài ngày giá cà phê giảm liên tiếp khiến họ lo lắng khi tiền bị "bốc hơi".
Trên sàn NewYork-Mỹ, giá cà phê Arabica cũng có 1 phiên tăng rất mạnh, mức tăng 2,2%-2,64%. Ở kỳ hạn giao hàng vào tháng 3-2025, giá cà phê Arabica tăng đến 190 USD/tấn, lên mức 7.290 USD/tấn.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, sáng lập thương hiệu cà phê trái cây Meet More (TP HCM), dự báo giá cà phê dù ở mặt bằng cao nhưng khó phá vỡ các kỷ lục giá đã lập thời gian qua. Dù vậy, ông Luận cũng tin tưởng ở vụ này, giá cà phê Việt Nam nếu có giảm cũng sẽ không thể nào xuống dưới mốc 100.000 đồng/kg, ít nhất là đến hết quý I/2025, khi Việt Nam vẫn là nguồn cung cà phê chính trên thế giới.
Nguyên nhân chính được ông Luận chỉ ra là do sản lượng cà phê đã được cải thiện trong khi kinh tế thế giới khó khăn, người tiêu dùng rất quan tâm vấn đề về giá khi mua sắm.
"Ở thị trường trong nước hiện nay, mùa Tết là lúc sản phẩm cà phê có nhu cầu tiêu thụ cao nhưng chúng tôi đang gặp áp lực lớn trước yêu cầu giảm giá. Tôi vừa từ chối 1 đơn hàng 1.000 hộp cà phê hòa tan muối biển để đóng gói vào giỏ quà do bên mua yêu cầu giảm giá từ 50.000 đồng/hộp xuống còn 37.000 đồng/hộp" – ông Luận kể.
"Với mặt bằng giá nguyên liệu cà phê cao như hiện nay, người tiêu dùng nên cảnh giác với những sản phẩm có giá rẻ bất thường bởi không rõ thành phần trong đó là gì" – ông Luận cảnh báo.
Bình luận (0)