icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gia đình mãi là thành trì vững chắc!

PHAN ANH - LÊ VĨNH - ANH VŨ

Trong thời đại 4.0, giữ gìn và phát huy truyền thống gia đình là vấn đề quan trọng, để gia đình luôn là điểm tựa của mỗi người, xã hội ổn định, phát triển bền vững và hạnh phúc

Ngày 4-7, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm, chủ đề "Điểm tựa gia đình giữa những biến động của thời đại 4.0".

Không có gì thay thế được!

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, tiến sĩ - nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, nhấn mạnh gia đình là tài sản vô giá, là điểm tựa đặc biệt, không có gì thay thế được trong hành trình sinh ra, lớn lên và đi đến tương lai của mỗi con người.

Hiện nay, trong thời đại 4.0, gia đình đang đối diện với nhiều thách thức trước quy luật biến động của cuộc sống. "Trong biến động đó, làm sao giữ được gia đình bình yên là điều rất khó. Đây chính là lý do mà Báo Người Lao Động thực hiện tọa đàm này" - ông Tô Đình Tuân nói.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu đã chia sẻ những câu chuyện để chứng minh cho tầm quan trọng của gia đình đối với mỗi cá nhân và xã hội.

Bà Trần Thị Thu Hà (phường 11, quận 3; gia đình Văn hóa - Hạnh phúc tiêu biểu cấp TP HCM) cho biết cha mẹ mất sớm nhưng bà may mắn có điểm tựa vững chắc từ gia đình chồng. Mẹ chồng thương yêu bà như con gái và bà Hà đã học được cách yêu thương con dâu, con rể từ mẹ chồng. Bà Hà tâm sự những tiến bộ trong sự nghiệp của bà đều có sự ảnh hưởng tích cực, sự ủng hộ từ gia đình, nhất là người chồng.

Anh Nguyễn Lê Hoàng Vũ (phường 7, quận Tân Bình; gia đình Văn hóa - Hạnh phúc tiêu biểu cấp TP HCM) kể ở gia đình anh, ba mẹ luôn yêu cầu các con "làm gì thì làm, phải về ăn cơm với gia đình". 

"Lúc còn nhỏ, tôi thấy khó chịu với yêu cầu này, cảm giác bị ràng buộc nhưng khi lớn lên, không còn sống chung với ba mẹ, tôi hiểu ra bữa cơm gia đình rất quan trọng, là dịp để mọi thành viên cùng chia sẻ, thấu hiểu, qua đó thêm gắn kết. Vì lẽ đó, với gia đình nhỏ của mình, chúng tôi cố gắng giữ cho bếp nhà luôn đỏ lửa" - anh Vũ chia sẻ.

Luôn trăn trở làm thế nào để người Việt Nam giữ được gia đình giữa những biến động lớn của thời đại, GS-TS Nguyễn Thiện Nhân (đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM) tâm sự từ năm 2008, ông bắt đầu nghiên cứu về vấn đề dân số - gia đình. 

"Trong lịch sử chống ngoại xâm và bảo vệ đất nước, người Việt Nam luôn dựa trên kết cấu làng xã để hình thành sức mạnh. Trong làng xã đó, gia đình đóng vai trò cốt lõi" - ông Nguyễn Thiện Nhân nói và khẳng định dù ở thời đại nào, gia đình cũng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Vì vậy, phải cố gắng giữ lấy gia đình.

Gia đình mãi là thành trì vững chắc!- Ảnh 1.

GS-TS Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Dù ở thời đại nào, gia đình cũng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của đất nước”. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nền tảng để phát triển bền vững

Gợi mở cách gìn giữ để gia đình luôn là điểm tựa của mỗi người, xã hội ổn định, phát triển bền vững và hạnh phúc, ThS Nguyễn Thị Ngọc Vui, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, cho rằng nên tôn trọng sự khác biệt lẫn nhau của các thành viên trong gia đình. Cần có những buổi nói chuyện thẳng thắn, chân thành dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, từ đó sẽ hiểu, cảm thông cho nhau, gắn kết với nhau hơn. 

Với nhà báo Đan Hà (Báo Công Lý), gia đình bà đặt ra những nguyên tắc dựa trên sự tôn trọng sở thích lẫn nhau và sự riêng tư của các thành viên. Áp dụng nguyên tắc này giúp cho các thành viên 3 thế hệ luôn gần gũi, gắn kết, trở thành những người bạn của nhau.

GS-TS Nguyễn Thiện Nhân nêu Hiến pháp năm 1980, điều 64 có ghi "Gia đình là tế bào của xã hội". Tuy nhiên, sau đó câu này đã không còn trong Hiến pháp. Ông đề xuất đưa câu này trở lại Hiến pháp. Bởi nếu chú trọng đặc biệt đến sự phát triển ổn định, hạnh phúc bền vững của gia đình sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó, nên đưa vào nhà trường môn khoa học hạnh phúc; các cơ quan báo chí, tổ chức xã hội nên tổ chức thêm nhiều tọa đàm, hội thảo bàn về vấn đề gia đình để mỗi người dân nhận thức rõ tầm quan trọng của gia đình.

Đồng tình với quan điểm của GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, TS Phạm Thị Thúy, giảng viên chính, Phó Khoa Quản lý kinh tế - xã hội Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP HCM, mong vấn đề hạnh phúc gia đình nên được lồng ghép vào các chính sách công; đưa môn khoa học hạnh phúc vào các trường học cũng như lan tỏa trong các chương trình, hội thảo.

Nhận định thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã xây dựng hệ thống những chính sách, quy định pháp luật nhằm hỗ trợ, xây dựng gia đình hạnh phúc, song theo bà Nguyễn Thị Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP HCM, để chính sách thực thi có hiệu quả, cần coi đây là nhiệm vụ của toàn xã hội, của mỗi gia đình, mỗi cá nhân và cần có sự kết nối cộng đồng. Bên cạnh đó, trước sự biến động của thời đại, gia đình, xã hội có nhiều vấn đề mới phát sinh nên chính sách, pháp luật về gia đình cần tiếp tục được nghiên cứu và hoàn thiện.

Phát biểu kết luận tọa đàm, tiến sĩ - nhà báo Tô Đình Tuân nhận xét tọa đàm ghi nhận nhiều ý kiến hay, có giá trị. Chẳng hạn như các thành viên trong gia đình phải thấu hiểu, yêu thương, tôn trọng nhau; hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; tăng cường tính kết nối giữa các thành viên; chia sẻ, cảm thông, đồng hành với nhau. Tăng cường hơn nữa công tác giáo dục về giá trị và hạnh phúc gia đình. Bên cạnh đó, phát huy vai trò tuyên truyền của các cơ quan truyền thông, báo chí... 

3 biến động lớn

Gia đình mãi là thành trì vững chắc!- Ảnh 2.

TS Phạm Thị Thúy. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Với kinh nghiệm 25 năm làm công tác tham vấn tình yêu, gia đình, TS Phạm Thị Thúy nhìn nhận gia đình đang gặp 3 biến động.

Một là, sự thay đổi quy mô gia đình. Gia đình đơn thân ngày càng nhiều, tỉ lệ ly hôn đang gia tăng, giới trẻ kết hôn ngày càng muộn, thậm chí không kết hôn. Đây là một xu hướng làm quy mô gia đình ngày càng nhỏ hơn.

Hai là, biến đổi chức năng gia đình. Có 2 chức năng biến đổi rất lớn: chức năng tái sản xuất con người (sinh ít, sinh muộn, có khi không sinh con); không chú trọng con trai (biến đổi này mang tính tích cực, bình đẳng giới).

Ba là, biến đổi trong cách dạy con. Mối quan hệ cha mẹ và con cái trở nên dân chủ hơn, con cái được lắng nghe nhiều hơn nhưng con cái cũng trở nên khó dạy hơn.

"Trước những biến động như vậy, gia đình phải làm sao giữ được sự bình yên, hạnh phúc. Gia đình hạnh phúc thì quốc gia mới thịnh vượng" - TS Phạm Thị Thúy kết luận.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo