Gần đây, mạng xã hội TikTok, Facebook... nổi lên trend (xu hướng) "test (thử) sự chung thủy của người yêu, chồng" gây nhiều tranh cãi.
Những video liên quan đến dịch vụ này có số lượng theo dõi lên đến hàng trăm ngàn người.
Đắng cay thử lòng người yêu
Trên TikTok, câu chuyện "Yến test chồng dân IT (công nghệ thông tin - PV)" được quan tâm hơn cả, thu hút hơn 4 triệu lượt xem.
Theo trải lòng của người phụ nữ tên Yến, chồng chị là "dân" IT, ít nói, lạnh lùng. Đến nay, họ yêu và cưới đã được 8 năm. "Gần đây, mạng xã hội xuất hiện trào lưu thử lòng người yêu, chồng. Tò mò, tôi quyết định thử chồng, xem lúc được cô gái trẻ, xinh đẹp nhắn tin thì có phản ứng như thế nào" - chị Yến mở chuyện.
Lúc đầu, chồng chị Yến phản ứng rất gắt nhưng cuối cùng cũng bị chinh phục bởi cô gái trẻ xa lạ. "Lúc ấy, tôi thật sự không dám tin chồng là người phản bội, lừa dối nhưng thực tế đã rõ. Hiện chúng tôi tạm ly thân để chờ thủ tục ly hôn" - chị Yến nói.
Không khó để tìm người làm dịch vụ này, chỉ cần lên TikTok gõ từ khóa "nhận test người yêu", có thể thấy hiện lên rất nhiều tài khoản: "Ở đây có test người yêu", "Test nhiều nên sợ lấy chồng", "Bồ câu đưa thư"...
Trao đổi một số tài khoản, họ cho biết khách hàng có nghĩa vụ phải cung cấp tên tuổi, thói quen, số điện thoại, tài khoản xã hội… của người yêu. Sau đó, bên dịch vụ sẽ tiếp cận đối tượng qua mạng xã hội để tán tỉnh và quyến rũ "con mồi", giá cho dịch vụ từ 100.000 đến 300.000 đồng.
"Mở đầu, cuộc trò chuyện là bình thường, khi "cá cắn câu" thì nội dung trò chuyện được đẩy xa hơn, chuyển thành tán tỉnh. Nội dung thử thách thường là câu hỏi "Có người yêu hoặc vợ chưa?, nếu họ trả lời "có" thì nội dung trò chuyện sẽ kết thúc, người thuê vẫn trả tiền. Ngược lại, nếu câu trả lời là "chưa" thì tiếp tục gạ gẫm, chờ đợi…" - một tài khoản giải thích.
"Lời tán tỉnh cần tự nhiên, thông minh, sến súa là không hiệu nghiệm. Nên tùy người, nghề nghiệp mà có kiểu bắt chuyện, tán tỉnh khác nhau. Tóm lại, cần có bí kíp riêng" - một tài khoản khác nói.
Minh họa: KHỀU
Tài khoản chuyên thực hiện dịch vụ kiểm tra người yêu cũng cho biết khách hàng là những cô gái từ 15 - 30 tuổi, hay ghen, yêu xa hoặc đã yêu quá lâu, một số ít là do tò mò, theo xu hướng mạng xã hội. Kết quả test với tỉ lệ "sập bẫy" rất lớn, cũng từ kết quả này, nhiều người không còn giữ mối quan hệ tốt với bạn trai, chồng.
Chị Phan Thị Thu Hoài (ngụ quận 7, TP HCM) cho biết đã lên TikTok tìm dịch vụ kiểm tra người yêu. Kết quả, người bạn trai chị hết mực tin tưởng đã bị đổ gục trước những tin nhắn gạ gẫm của người làm dịch vụ. "Anh ta chat với "gái lạ", giọng điệu rất ngọt ngào yêu thương. Tôi không còn biết phải tin vào đâu, bạn trai mà mình nghĩ đã chọn lựa đúng, lại là người như vậy. Nếu sau này lấy về chỉ có khổ. Tôi đã nói rõ với anh ấy và kết thúc mối quan hệ" - Hoài nói.
Cần sự tôn trọng, tin tưởng
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hải An, dịch vụ test người yêu đã rộ lên ở Trung Quốc nhiều năm trước, nay lan sang Việt Nam.
"Trong một số trường hợp, kiểm tra sự chung thủy cũng là cơ hội để mối quan hệ khăng khít, tin tưởng nhau hơn. Nhưng ngay cả khi người kia không làm gì "nên tội" mà mình vẫn không thể gạt ra khỏi đầu suy nghĩ nghi ngờ rồi tìm đặt niềm tin ở người xa lạ thì tình cảm chẳng thể bền lâu và hạnh phúc.
Yêu mà luôn dằn vặt, đa nghi… sẽ rất nặng nề, mệt mỏi, không thể đem lại kết quả tốt đẹp, ngược lại dễ dàng đẩy người yêu đến chỗ không thể chịu đựng.
Chưa kể, nếu người yêu biết bị thử lòng, họ sẽ rất tổn thương, có thể dẫn đến chia tay bởi không ai chịu được việc bị người yêu cứ nghĩ xấu, tìm cách thử thách họ" - ông Nguyễn Hải An nói.
Chuyên gia tâm lý Mai Thanh Thủy, Trung tâm Tham vấn tâm lý The Sight, cũng cho rằng chọn đặt niềm tin vào người xa lạ hơn vào người yêu là mối quan hệ đã lung lay. Thực tế, tình cảm không mấy vững chắc hơn sau bài kiểm tra này.
"Người quyết định tạo tình huống kiểm tra sự chung thủy của người yêu, chồng không chỉ để biết người kia có làm gì sai không, mà còn để chứng minh rằng mình đúng, rằng nếu chia tay với người "tồi tệ" như thế sẽ không có gì để nuối tiếc. Nhưng như thế liệu sau này bạn có thể sống mãi trong vùng an toàn của mình?
Yêu là đối xử với nhau trên cơ sở tôn trọng, tin tưởng, để người yêu vì niềm tin của bạn mà tự tìm cách bảo vệ mình trước những cám dỗ. Nếu nghi ngờ, cần nói chuyện thẳng thắn, nếu niềm tin tiếp tục lung lay thì cần dừng lại hoặc có thể sử dụng dịch vụ tham vấn tâm lý tại những cơ sở uy tín" - bà Mai Thanh Thủy nhắn nhủ.
Đừng dại dột!
Trong khi đó, nói về trend "kiểm tra người yêu, chồng", nhiều ý kiến cho rằng đây là cách làm dại dột, dễ gây tổn thương cho đối phương và cả người thuê dịch vụ. "Đang yên đang lành, sao tự rước buồn phiền vào thân? Nếu bạn biết đối phương dùng người khác để thử lòng mình, bạn sẽ nghĩ gì?
Chắc chắn sẽ bị tổn thương sâu sắc bởi đó không chỉ chứng tỏ người yêu không tin tưởng, mà còn coi mối quan hệ này có thể dùng làm phép thử. Thử lửa, thử vàng, chẳng ai dại dột thử lòng người cả" - tài khoản có tên Mai Mai nêu ý kiến.
Tài khoản Yen Anh thì cho rằng: "Từ giây phút bạn thử lòng người yêu của mình, mối quan hệ đó đã chấm dứt rồi. Bởi điều đó chứng tỏ bạn thiếu tôn trọng người yêu, thiếu lòng tin vào tình yêu giữa hai người".
Bình luận (0)