Càng xót xa hơn nữa khi khung hình lọt vào 2 đứa trẻ khóc thét, sợ hãi, chắp tay và quỳ gối van xin: "Con xin bố..., đừng đánh mẹ nữa...".
Bạo lực gia đình vẫn đang xảy ra trong nhiều gia đình, dẫu trình độ dân trí nâng cao, xã hội kêu gọi bình đẳng giới. Nỗi đau bạo lực gia đình đâu chỉ in hằn trên da thịt qua những vết bầm tím mà nó còn gây ra biết bao thương tổn không bao giờ có thể xoa dịu trong tâm hồn người vợ, người mẹ và những đứa trẻ.
Đã qua rồi thời phụ nữ chỉ biết câm nín, nhẫn nhục, chịu đựng sống dưới cái bóng của chồng. Phụ nữ cần được sống hạnh phúc, được tôn trọng và được bảo vệ. Nhưng hai tiếng "hạnh phúc" sẽ được định nghĩa thế nào nếu người phụ nữ cứ mãi nhẫn nhịn? Vẫn biết muôn vàn thiên chức làm con, làm vợ, làm mẹ quàng vào vai khiến người phụ nữ kìm hãm tiếng nói tố cáo thói vũ phu của chồng. Song, nỗi đau bạo lực gia đình đâu dừng lại ở đó.
Khi tổ ấm bị gió lùa, bố mẹ bỗng hóa người dưng, sẵn sàng thóa mạ và đánh đấm lẫn nhau, những đứa trẻ trong gia đình sẽ vô tình hứng chịu vô vàn thương tổn về mặt tâm lý. Có đứa trẻ sớm lây nhiễm bản tính hung dữ, bạo lực từ người bố nên dễ dàng ra tay đánh đấm bạn bè. Có đứa trẻ lại bê y nguyên "bản sao" của bố trong hành xử với vợ con sau này. Có đứa trẻ sau nhiều lần ức chế bị dồn nén đã vùng lên bảo vệ mẹ và rồi trở thành tội phạm...
Đừng im lặng! Bởi khi nhẫn nhịn, nắm đấm sẽ tiếp tục giáng xuống thân thể người phụ nữ và xây xước tâm hồn con trẻ; bởi người phụ nữ không đơn độc trong cuộc chiến chống bạo lực gia đình. Bênh vực cho sự yếu thế của phụ nữ là những quy định nghiêm khắc của pháp luật và chúng ta có thể tựa nương vào người thân, họ hàng, làng xóm.
Muốn vậy, các quy định của Luật Phòng chống bạo lực gia đình cần được thực thi nghiêm túc. Các tổ chức, đoàn thể đại diện cho tiếng nói của phụ nữ cần vươn dài cánh tay để tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ đến từng gia đình. Quan trọng nhất vẫn là người phụ nữ thay đổi nhận thức của mình về bình đẳng giới.
Bình luận (0)