Nửa đêm, người bé T. nóng ran, khóc quấy. Lo lắng, anh P.T.Q (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) gọi điện thoại về quê cho mẹ cầu cứu. Với kinh nghiệm của bà nội, bé T. đỡ sốt, anh Q. thở phào nhẹ nhõm.
Vất vả gà trống nuôi con
Bốn năm sau ngày ra trường, ổn định công việc ở một doanh nghiệp nhà nước, vượt qua trở ngại về "môn đăng hộ đối", anh Q. kết hôn cùng bạn gái đã hẹn hò 2 năm. Thế nhưng, hôn nhân của họ chỉ kéo dài được 7 năm thì tan vỡ do những bất đồng không thể hàn gắn. Anh nhận nuôi con trai, được vợ và gia đình vợ đồng ý.
Ông bà nội ở quê đã già yếu, gia đình bên ngoại cũng không mấy thiết tha, một mình anh vừa làm cha vừa làm mẹ. "Trước đây, việc nhà, nuôi dạy, đưa đón con…, tôi và vợ luân phiên. Bây giờ, tôi xin cho con học bán trú, gần chỗ làm để tiện đưa đón. Cuối tuần, công việc cơ quan chưa xong thì gửi con ở nhà đồng nghiệp hoặc đưa con lên công ty. Nhiều lúc đi làm về rất mệt nhưng phải nấu nướng, dạy con học. Sợ nhất là lúc con ốm đau, thấy thương con vì cha không thể chăm sóc chu đáo bằng mẹ nhưng hoàn cảnh vậy rồi thì phải ráng vượt qua…" - anh Q. tâm sự.
Anh N.V.Y (42 tuổi, quê Núi Thành, Quảng Nam) một mình nuôi hai con, con trai học lớp 6, con gái chỉ mới 5 tuổi. Anh Y. kể ngày trước vợ anh là công nhân, rất giỏi quán xuyến công việc gia đình. Anh làm nghề câu mực, cứ lênh đênh trên biển chừng hơn 2 tháng thì được gặp con vài hôm. Vợ anh đột ngột mất đi, anh bỏ hẳn nghề câu mực, xin việc trong đất liền để dễ chăm sóc con. Anh cũng học nấu ăn, làm mọi việc lớn nhỏ trong nhà.
"Thu nhập từ nghề biển khá, cộng với lương công nhân của vợ, vun vén cũng đủ sống. Bây giờ một mình chăm hai con, tiền đi học hay con ốm đau, tôi phải vay mượn người thân, bạn bè vì đăng ký làm thêm, tăng ca thì không ai trông dạy con, hai đứa còn quá nhỏ, ông bà già yếu cũng không trông nổi…" - anh Y. bộc bạch.
Trong khi đó, anh N.V.P (45 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết chuyện làm bố đơn thân của anh cũng không dễ. Có những cảm xúc của con gái, anh gặng hỏi cũng không thể hiểu vì con không chịu nói. "Khi vào học lớp 8, con bé bắt đầu thích chưng diện, dùng điện thoại nhiều hơn. Thương con thiếu mẹ, tôi không nỡ cấm cản nhưng cũng không thể để con "tự do". Mấy lần, tôi phải nhờ bà nội, đồng nghiệp nữ tư vấn, tâm sự cùng con. Cũng may con đã vượt qua tuổi ẩm ương, hiểu và thương cha hơn" - anh P. nói.
Nỗ lực, kiên nhẫn, hy sinh nhiều hơn
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Phương Trang, làm cha đơn thân không đơn giản, có nhiều áp lực, thậm chí "sốc" về tinh thần. Chưa kể khi "khuyết" đi người bạn đời, người đàn ông có thể bị mất cân bằng giữa công việc và gia đình.
"Các nước Á Đông thường có quan niệm: "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", người đàn ông là trụ cột tài chính, phụ nữ dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình. Do đặc điểm giới tính, đàn ông nuôi dạy con có phần vất vả hơn so với phụ nữ.
Đây là một thách thức với người cha đơn thân và cả với con trẻ. Bởi dù có thương con, quan tâm, chăm sóc con thế nào thì người cha cũng không thể thay thế người mẹ; tình cảm của cha cũng khác tình cảm của mẹ.
Khiếm khuyết người mẹ bên cạnh, trẻ sẽ rất chông chênh, thường gặp phải những vấn đề tâm lý hơn những đứa trẻ khác. Đặc biệt, cha đơn thân nuôi dạy con gái thật sự không đơn giản vì có những vấn đề riêng về giới tính, cả cha và con đều sẽ ngại trao đổi, chia sẻ. Nếu con còn mẹ, hãy để mẹ và trẻ gặp nhau thường xuyên" - bà Phương Trang nói.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Phượng Uyên cho rằng giống như mẹ đơn thân, cha đơn thân là một phần cấu thành xã hội, cần thay đổi cách nhìn nhận, chính sách về trường hợp này. Về phía người cha đơn thân, nên giữ tinh thần lạc quan; thành thật, thẳng thắn với con và dạy con vào khuôn khổ.
"Nuôi con không đơn giản chỉ bằng việc cho ăn uống, đi học… mà còn hàng trăm vấn đề khác. Nuôi con một mình lại càng khó khăn gấp bội, đòi hỏi phải nỗ lực, kiên nhẫn, hy sinh nhiều hơn, dành sự quan tâm cho con nhiều hơn để lắng nghe, thấu hiểu và bù đắp những thiệt thòi mà con phải gánh chịu" - thạc sĩ Nguyễn Phượng Uyên nói.
Bình luận (0)