xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sống theo ý cha mẹ

Thiên Nga

Tuổi trẻ cần dấn thân, va vấp và trải nghiệm. Nếu cha mẹ tước đi quyền ấy thì "sức đề kháng" của con sẽ yếu, từ đó bản lĩnh, kinh nghiệm, tầm nhìn cũng bị hạn chế

"Phải đắn đo, suy nghĩ rất nhiều, tôi mới dám đưa hình ảnh và kể cho mẹ nghe về người bạn trai của mình. Anh hơn tôi 2 tuổi, tốt nghiệp đại học và đã đi làm 3 năm ở một công ty lớn. Qua một thời gian quen biết, anh muốn đến gặp mẹ tôi để xin cho cả hai được tìm hiểu nhau. Chỉ vậy thôi mà suốt mấy hôm nay, ngày nào mẹ tôi cũng chì chiết" - N.T.M.A (22 tuổi; ngụ quận 10, TP HCM) tâm sự.

Cha mẹ quyết tất cả

Theo M.A, từ nhỏ, mọi việc liên quan đến cô đều do mẹ suy nghĩ, lựa chọn. M.A chỉ nhất nhất làm theo, không dám cãi vì sợ mẹ rầy la. Từ việc mặc quần áo gì, đi ăn, đi chơi ở đâu đến học nơi nào, học cái gì… cũng do mẹ cô quyết. Mẹ còn đưa ra tiêu chuẩn bạn trai cho M.A rất rõ ràng: phải sáng sủa, cao 1,75 - 1,8 m; học giỏi hoặc có một vị trí nhất định ở chỗ làm; gia đình gia giáo, giàu có, có địa vị xã hội…

"Bạn trai tôi cao chưa đến 1,7 m, không giàu có nhưng gia đình gia giáo. Anh là người tử tế, học hành đàng hoàng, có năng lực. Vì còn trẻ nên anh nhiều khả năng có một vị trí nhất định sau này. Quan trọng là anh quan tâm, yêu thương, chăm sóc tôi. Vậy mà mẹ bảo tôi tự hạ thấp giá trị, uổng công mẹ chăm sóc, nuôi dạy và dành mọi điều tốt nhất cho tôi. Rằng mẹ quá thất vọng về tôi… Tôi có cảm giác mẹ đang sống thay tôi và tôi chỉ là cái bóng của mẹ" - M.A thở dài.

Đến giờ, anh L.V.S (26 tuổi; ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) vẫn chưa quên được những áp lực và mệt mỏi vì chuyện "cha mẹ độc đoán". S. là con một, cháu "đích tôn" trong gia đình nội; hai bên nội - ngoại có nhiều người là giáo viên, bác sĩ... Từ khi học lớp 1, S. đã quen với áp lực phải đạt kết quả tuyệt đối.

"Tôi còn nhớ điểm tổng kết năm lớp 8 của mình được 9,7; ba mẹ không khen ngợi mà còn mắng vì có bạn trong lớp bằng điểm. Trong khi bạn bè chỉ ôn một môn để thi cấp huyện, tỉnh thì tôi phải học rất nhiều để thi toán, ngữ văn và năng khiếu nhưng chưa bao giờ được ba mẹ công nhận. Đến giờ, tôi vẫn bị ám ảnh khi nhận kết quả vì nhớ đến nét mặt của mẹ ngày xưa" - anh S. kể.

Điều đó vẫn không đáng sợ bằng việc cha mẹ S. luôn khước từ những sở thích của anh: S. thích mỹ thuật, mẹ mắng và xé tranh anh vẽ; S. thích guitar, mẹ ép anh phải thuần thục piano... Cha S. thì cấm tiệt anh tiếp xúc bạn bè đồng trang lứa trong xóm vì sợ "học tính hư".

"Tôi luôn có cảm giác buồn bã, ít nói cười, chuyện gì cũng nén trong lòng vì không thể nói ra với ba mẹ. Bất cứ việc gì tôi làm mà không theo ý ba mẹ thì bị chê một cách tệ hại, đến mức tôi không còn tự tin, cảm thấy mình vô tích sự, không làm được gì. Cũng có lúc tôi muốn "bùng nổ" vì quá áp lực nhưng rồi không dám. Nhiều lúc tôi thấy mình chỉ tồn tại chứ không phải đang sống, bởi sở thích, niềm vui và cả tự do cá nhân đều bị "tước đoạt" - anh S. trầm tư.

Nhớ lại việc phải sống theo ý cha mẹ, L.V.A.D (32 tuổi; ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết từ nhỏ, anh phải làm theo mọi yêu cầu và quan điểm của họ. Đến khi D. lấy vợ, việc sinh hoạt, mua sắm, nuôi dạy con…, cha mẹ cũng muốn anh phải theo ý họ. Nếu không, họ sẽ bàn lùi hoặc giận dỗi.

"Từ cuộc đời mình, tôi tâm niệm sau này sẽ lắng nghe con, để con phát triển theo ý chúng muốn. Chúng tôi chỉ định hướng nhưng không áp đặt" - anh D. nói.

Sống theo ý cha mẹ - Ảnh 1.

Minh họa: KHỀU

Đừng nên áp đặt

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Phương Trang (Trung tâm Tham vấn Tâm lý The Sight), ngày nay, mỗi cặp vợ chồng thường có ít con nên họ dồn hết tình cảm cho con. Điều này làm trẻ thiếu tự tin, không dám quyết định điều gì và vô tình làm cho khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa.

"Ai cũng có thể va vấp, sai lầm trên con đường đã chọn, kể cả người lớn. Trên hết, mỗi lần vấp ngã, người ta sẽ trưởng thành hơn, tự học được cách chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình. Cha mẹ chỉ nên ở phía sau, quan sát và hỗ trợ khi cần thiết" - bà Phương Trang nhìn nhận.

Chuyên gia này cho rằng tuổi trẻ cần dấn thân, va vấp và trải nghiệm. Nếu cha mẹ tước đi quyền ấy thì sức đề kháng của con họ sẽ yếu, từ đó bản lĩnh, kinh nghiệm, tầm nhìn cũng bị hạn chế. Cha mẹ gây áp lực quá mức có thể "tàn phá" con, khiến con họ đánh mất lòng tự trọng, sự tự tin vào bản thân. Cha mẹ độc đoán cũng làm giảm khả năng con mình xử lý, đánh giá vấn đề khách quan và luôn có xu hướng bất an, thấy mình vô giá trị.

"Ngay khi con còn nhỏ, cha mẹ hãy trở thành bạn của con, tâm sự nhiều để hiểu chúng thực sự cần gì, điểm mạnh nằm ở đâu, từ đó đưa ra lời khuyên phù hợp, hỗ trợ con phát triển theo hướng trẻ thật sự muốn. Cha mẹ nên ghi nhận và giúp con gọi tên cảm xúc. Thay vì nói "Đừng khóc" hoặc "Sao con chẳng chịu nghe lời cha mẹ?" thì hãy nói: "Đây là những trải nghiệm và lời khuyên của cha mẹ cho con"... Lúc đó con trẻ sẽ dễ cảm nhận hơn" - bà Phương Trang gợi ý.

Về phía con cái, bà Phương Trang cho rằng cần mạnh dạn chia sẻ với cha mẹ bằng những kế hoạch, hướng đi cụ thể. Nếu không thể trò chuyện trực tiếp thì có thể viết thư, nhắn tin hay tìm người trung gian. Đừng nghĩ rằng lựa chọn trái ngược của mình là quay lưng với cha mẹ, hãy chia nhỏ mục tiêu và chứng minh với gia đình những điều cần làm.

Trở thành cha mẹ không dễ, làm cha mẹ tốt và phù hợp càng khó hơn nhiều. Chỉ cần một chút tinh tế, thấu hiểu, dừng việc áp đặt con mình thì mọi việc sẽ nhẹ nhàng hơn” - chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Phương Trang nhắn nhủ.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo