Theo Bộ Tài chính, kể từ khi cảnh báo lần thứ nhất (tháng 6-2024) cho đến nay, cơ quan này vẫn liên tục nhận được thông tin về tình trạng giả mạo văn bản, con dấu, chữ ký của lãnh đạo và website của Bộ Tài chính để lừa đảo người dân chuyển tiền.
Cụ thể, thông qua website giả mạo, kẻ xấu đưa lên các văn bản giả mạo như Giấy xác nhận ủy quyền, Bản cam kết thực hiện ủy quyền và tất toán tiền... để lừa người dân nhập các thông tin cá nhân và sau đó là chuyển tiền.
Do đó, Bộ Tài chính khuyến cáo người dân, doanh nghiệp cần cảnh giác trước việc giả mạo, lợi dụng danh nghĩa cán bộ, công chức của Bộ cũng như giả mạo văn bản, giấy tờ để lừa đảo người dân nhằm trục lợi cá nhân.
Cơ quan này đề nghị người dân, doanh nghiệp nâng cao cảnh giác, thận trọng trong các giao dịch chuyển tiền đối với những người không quen biết trên không gian mạng. Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân cần thông báo với cơ quan công an nơi gần nhất để điều tra và ngăn chặn hành vi của đối tượng xấu.
"Bộ Tài chính đang phối hợp và đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ các hành vi giả mạo văn bản, chữ ký, con dấu của lãnh đạo Bộ Tài chính và Bộ Tài chính"- đại diện Bộ Tài chính cho hay.
Trước đó, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đã đưa ra cảnh báo về việc trong các tháng đầu năm 2024 liên tiếp tiếp nhận phản ánh của người dùng về các trường hợp lừa đảo trực tuyến.
Qua kiểm tra và phân tích, các chuyên gia của Cục An toàn thông tin nhận thấy có nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà cung cấp, dịch vụ lớn như một số bộ ngành, các trang mạng xã hội, ngân hàng, thư điện tử, dịch vụ công...
Thực tế, đây là một trong những thủ đoạn quen thuộc mà các đối tượng thường sử dụng để tấn công lừa đảo người dùng. Vì vậy, người dân cần hết sức cẩn trọng, kiểm chứng kỹ các đường liên kết trước khi đăng nhập để tự bảo vệ mình.
Bình luận (0)