Rạng sáng nay, 11-10, phiên giao dịch cà phê Robusta trên sàn London (Anh) ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ khi giá tăng ở tất cả các kỳ hạn giao hàng, mức tăng từ 41-53 USD/tấn. Đặc biệt, kỳ hạn giao hàng tháng 11 đạt mức cao nhất 4.914 USD/tấn, trong khi kỳ hạn tháng 5-2025 thấp hơn, ở mức 4.475 USD/tấn. Điều này cho thấy khả năng giá cà phê Robusta có thể cán mốc 5.000 USD/tấn trong các phiên giao dịch tới.
Trên thị trường trong nước, giá cà phê hôm nay (11-10) tại các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông... tăng 500 đồng/kg so với ngày hôm trước, đạt mức 114.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, việc giá cà phê nguyên liệu tăng cao đang khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại về khả năng cà phê có thể trở thành một mặt hàng xa xỉ, người tiêu dùng phải cân nhắc trước khi chi tiêu.
Theo ông Nguyễn Hữu Long, Giám đốc Công ty Cổ phần Học viện Cà phê Việt Nam VCA (Gia Lai), vấn đề này không quá đáng lo. Ông Long cho rằng không nên đánh đồng giá cà phê ở khách sạn 5 sao với giá thị trường chung. "Thưởng thức cà phê mỗi ngày là thói quen của nhiều người, và cà phê vẫn là một ngành kinh doanh 'siêu lợi nhuận' do giá vốn rất thấp" - ông Long chia sẻ.
Ông Long, từng trực tiếp kinh doanh quán cà phê, nói rằng đây là một mặt hàng kinh doanh "siêu lợi nhuận" do giá vốn rất thấp. Với giá cà phê nguyên liệu 120.000 đồng/kg, tương đương giá cà phê rang xay khoảng 200.000 đồng/kg, có thể pha được từ 50 đến 100 ly. Tức chi phí mỗi ly chỉ khoảng 2.000 – 4.000 đồng, rất rẻ so với giá bán thực tế mà chất lượng vẫn bảo đảm sạch và nguyên chất.
"Giá mỗi ly cà phê phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và nơi bán. Cà phê vỉa hè hay mang đi thường rẻ hơn so với các chuỗi cà phê lớn hay quán cà phê đặc sản" - ông Long bổ sung.
Ngoài ra, ông Long nhận định mức giá của các chuỗi cà phê như Highlands, Phúc Long, The Coffee House hiện dao động từ 30.000 – 40.000 đồng/ly, dù giá nguyên liệu đã tăng đáng kể, hiện khoảng 5.000 USD/tấn.
Theo các chuyên gia trong ngành, khi giá cà phê nguyên liệu tăng 2-3 lần, các quán cà phê có thể điều chỉnh giá bán tăng 1.000 – 2.000 đồng/ly ở các mô hình ki-ốt và 3.000 – 5.000 đồng/ly ở các quán cà phê văn phòng. Tuy nhiên, việc tăng giá cần thận trọng, vì cà phê là mặt hàng nhạy cảm về giá. Người tiêu dùng có thể sẵn sàng từ bỏ quán quen nếu giá tăng quá cao.
Bình luận (0)