xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giá phải trả và lời cầu xin từ cõi lặng

Bài và ảnh: TRẦN THÁI

Bản án chung thân khép lại bi kịch của cựu binh 62 tuổi giết đồng nghiệp sau dồn nén nhưng gây day dứt bởi lá đơn xin giảm án đầy bất ngờ từ con gái nạn nhân

Một ngày đầu tháng 4-2024, thời tiết không nắng gắt nhưng cũng chẳng dịu nhẹ. Cánh cửa phòng xử B1 của TAND TP HCM từ từ mở ra, tiếng bản lề rít lên như kéo theo một luồng khí mát thổi vào bên trong. Trong căn phòng rộng, có khoảng chục người gồm HĐXX, thư ký, kiểm sát viên, vài người thân và vài nhà báo.

Án mạng từ cơn giận dồn nén

Đứng ở bục khai báo là người đàn ông 62 tuổi, tóc đã bạc, tên L.V.C. Ông từng học lớp 12 thời chiến tranh còn váng mùi thuốc súng rồi đi bộ đội 4 năm. Ra quân, ông trở về làm đủ thứ nghề.

Cáo trạng ngắn gọn, rõ ràng nhưng cũng trong những dòng buộc tội khô khốc ấy, có vài nét phác họa về con người của bị cáo, một ông bảo vệ già được đánh giá là nghiêm túc và kỷ luật. Công việc của ông chia theo 2 ca trực ngày và đêm. Bị hại tên H. - nhỏ hơn ông 10 tuổi, là đồng nghiệp hay trực ca đêm với ông.

Ông từng nhiều lần thấy H. bước vào ca trực với giọng lè nhè, ánh mắt lờ đờ vì say rượu. Với bản tính cẩn trọng, ông đã không ít lần nhắc nhở rằng đây là công việc liên quan đến an ninh, rằng không thể tắc trách, qua loa. Nhưng những lời góp ý dù nhỏ nhẹ hay thẳng thắn đều chỉ được đáp lại bằng những cái cau mày khó chịu của H.

Giá phải trả và lời cầu xin từ cõi lặng- Ảnh 1.

Bị cáo L.V.C tại tòa

Và rồi, vào một đêm tháng 8-2023, ông lại cùng ca trực với H. Khoảng 22 giờ, H. nhờ người trực thay, nói "đi nhậu với đứa bạn tí". Đến nửa đêm, H. quay lại, vào trực ở sảnh tòa nhà khi mắt đã đỏ quạch và hơi thở nồng mùi rượu.

Bấy giờ, ông C. chốt ở phòng bảo vệ tại tầng hầm. Đến khi ông C. đi kiểm tra thì thấy cửa ở sảnh chỉ khép hờ. Vì không tìm thấy chìa khóa nên ông lấy móc áo buộc tạm cửa lại. Nhưng bất ngờ, H. phản đối rồi đánh ông C.

Ông bảo vệ già bỏ xuống tầng hầm nhưng trong lòng, cơn giận đã bén rễ. Đến khoảng 1 giờ cùng ngày, ông C. lần lượt gọi điện thoại cho tổ trưởng tổ bảo vệ và nhân viên quản lý tòa nhà kể lại chuyện H. say xỉn, đánh ông. Nhưng không có sự can thiệp nào, cũng không có ai tới. Đến 2 giờ sáng, H. lại yêu cầu C. đi nấu nước sôi pha trà và mì tôm. Ông C. không đáp mà lặng lẽ cầm theo 2 con dao đi lên sảnh. Lửa giận dữ thiêu đốt hết lý trí. Ông C. cất giọng hỏi H., câu nói lạnh đến buốt sống lưng: "Nước sôi đây, anh pha đặc hay pha loãng?".

H. bật dậy nhưng… 1 nhát, 2 nhát, rồi liên tiếp những nhát dao vào lưng, ngực, đầu, cổ, vai, tay. Nạn nhân gục tại chỗ. Còn ông C. đi bộ đến Công an phường Tân Định (quận 1) tự thú.

Xin giảm án cho kẻ sát hại cha

HĐXX chăm chú nhìn bị cáo như thể muốn nhìn xuyên qua lớp vỏ tội lỗi để tìm kiếm điều gì đó đã lẩn khuất. Chủ tọa cất giọng hỏi: "Bị cáo từng phục vụ quân ngũ, học hết lớp 12 thời không phải ai cũng được đi học. Bản lĩnh của bị cáo đâu mà lại hành xử như vậy?". Ông C. đứng lặng, không trả lời ngay. Mắt không dám nhìn lên, C. khẽ thốt: "Hôm đó… tôi không còn nghĩ được gì hết!".

Bản lĩnh? Có chứ. 4 năm quân ngũ. Hơn 30 năm làm chồng, làm cha, chưa từng phạm luật. Cả đội bảo vệ ai cũng bảo ông là người sống kỹ, sống ngay. Nhưng cũng chính cái bản lĩnh ấy khi bị dồn ép quá lâu đã trở thành thứ giữ chặt ông trong tự tôn, trong nỗi tức giận không chịu khuất phục. Và cũng chính cái bản lĩnh ấy đã bị tổn thương đến mức mất phương hướng.

Chủ tọa không hỏi thêm. Phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của luật sư. Luật sư do tòa án chỉ định. Vị này nói rằng bị cáo không phải bị kích động nhất thời mà là sự âm ỉ, đè nén, rồi bùng phát. Ca đêm kéo dài, không đồng nghiệp, không ai giám sát, một mình ông gánh trách nhiệm giữ an toàn cho cả tòa nhà, trong khi H. bỏ đi nhậu, để cửa không khóa, thậm chí đánh ông chỉ vì một lời nhắc nhở.

Và khi H. ra lệnh nấu nước sôi, giọng điệu áp đặt ấy không chỉ là yêu cầu mà là cái tát cuối cùng vào lòng kiêu hãnh của 1 người cha còng lưng nuôi con. Ông đã gọi tổ trưởng, gọi quản lý nhưng không ai đến.

Một điều đặc biệt khác của phiên tòa này là không có đại diện phía bị hại. Không một bóng dáng nào để đối chất, để oán giận, để đòi hỏi công lý như thường thấy ở các vụ án giết người.

Nhưng chính sự vắng mặt ấy lại khiến mọi thứ nặng nề hơn. Trong tập hồ sơ dày cộp trên bàn HĐXX, có một lá đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và không yêu cầu bồi thường. Đó là lá đơn của con gái bị hại. Không lời giải thích, cũng không có những dòng cảm xúc thể hiện trong đơn. Chỉ như một tiếng nói từ cõi lặng.

Phải chăng cô gái đã nhìn thấy ở ông bảo vệ già là hình bóng của một người cha, một cựu binh, một lao động nghèo, người từng nhẫn nhịn, từng cố gắng và cuối cùng sụp đổ vì cơn tức giận bị dồn nén? Không ai biết họ đang nghĩ gì. Nhưng liệu rằng tha thứ có đủ làm dịu lòng kẻ phạm tội?

Khi được nói lời sau cùng, ông C. ngẩng lên, giọng khản đục, rời rạc nhưng không đứt đoạn: "Tôi biết... tôi đã làm một việc không thể nào sửa lại được. Tôi xin lỗi gia đình anh H. Tôi xin lỗi vợ con tôi… Tôi... đã gây ra mất mát cho cả 2 gia đình".

Sau ít phút tạm dừng phiên tòa để nghị án, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo L.V.C tù chung thân về tội "Giết người". Bị cáo không khóc mà khẽ gật đầu, như một cách tiễn biệt phần còn lại của đời mình. 


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo