Ngày 10-7, theo ghi nhận của Công ty CP Anova Feed (Long An) trên phạm vi cả nước, Nam Định là địa phương có giá heo hơi cao nhất, lên tới 69.000 đồng/kg, thấp nhất là 2 tỉnh Bình Định, Khánh Hòa (62.000 đồng/kg) và bình quân giá cả nước là 65.200 đồng/kg. Giá này tuy giảm khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg so với mức đỉnh vào cuối tháng 6 nhưng vẫn ở vùng cao nhất trong vòng 2 năm qua. So với mức giá 50.000 đồng/kg vào đầu năm, giá heo hơi bình quân hiện cao hơn 30% và hầu hết người chăn nuôi đều có lãi sau nhiều năm điêu đứng.
Giá heo hơi tăng cao khiến giá các loại thịt heo trên thị trường tăng mạnh, đặc biệt là ở những phần thịt được người nội trợ ưa chuộng và ít phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Ví dụ, cửa hàng thịt heo thương hiệu G-Kitchen tại quận Bình Thạnh (TP HCM) ngày 10-7 niêm yết giá thịt heo ba rọi rút sườn lên tới 239.000 đồng/kg, sườn non 275.000 đồng/kg, ba rọi 189.000 đồng/kg. Trên trang thương mại điện tử của Vissan, thịt heo ba rọi VietGAP có giá 210.000 đồng/kg, thịt vai heo thảo mộc 150.000 đồng/kg…
Còn tại các chợ truyền thống, giá bán lẻ thịt heo ba rọi dao động 150.000 - 160.000 đồng/kg, cao hơn đầu năm 10.000 - 20.000 đồng/kg.
Ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, cho biết hiện giá heo hơi C.P xuất bán dao động 63.000 - 68.000 đồng/kg (bình quân 66.000 đồng/kg). Mức giá này bảo đảm cho người chăn nuôi có lời, nhất là khi heo lậu từ biên giới đã được ngăn chặn. Theo ông Huy, nếu tình hình này được duy trì, thị trường thịt heo sẽ hình thành mặt bằng giá mới.
Dù vậy, theo một chuyên gia trong ngành chăn nuôi, do các tiêu chuẩn về môi trường, an toàn dịch bệnh đối với chăn nuôi ngày càng tăng khiến giá thành chăn nuôi tăng theo đã gây khó khăn cho doanh nghiệp khi muốn tăng đàn. "Đặc biệt, hiện có hàng chục trại chăn nuôi tại Đồng Nai, bao gồm các trại nuôi gia công cho những công ty lớn buộc phải ngừng hoạt động hoặc chỉ còn duy trì thêm vài tháng vì không bảo đảm tiêu chuẩn" - chuyên gia này cho biết.
Trong khi đó, các tỉnh gần TP HCM như Bình Phước, Tây Ninh hiện không còn đất cho chăn nuôi tập trung nên doanh nghiệp phải chuyển lên Tây Nguyên, tốn thêm chi phí vận chuyển và tăng hao hụt, đẩy giá thành tăng thêm khoảng 3.000 đồng/kg so với vùng nuôi trước đó.
Ông Quách Phong, Giám đốc Bộ phận Tư vấn Công ty Nghiên cứu thị trường Ipos Việt Nam, nói trong năm 2023, chăn nuôi heo thua lỗ, kể cả khối doanh nghiệp cũng lỗ nặng. Hiện tại, chăn nuôi nông hộ giảm rất mạnh cũng là lý do khiến giá heo hơi ở mức cao. "Với việc tăng đàn của các doanh nghiệp chăn nuôi, dự kiến cuối năm giá heo hơi sẽ hạ nhiệt, còn khoảng 60.000 đồng/kg" - ông Phong dự đoán.
Cũng theo ông Phong, hiện thịt heo không còn quá thiết yếu với bữa ăn gia đình - nếu giá thịt heo quá cao, người tiêu dùng sẽ chuyển sang loại đạm khác và đa dạng hóa nguồn thực phẩm nên giá heo khó lên cơn sốt như trước.
Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng số heo của cả nước tính đến cuối tháng 6 là hơn 25,5 triệu con, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023. "Khu vực doanh nghiệp và chuỗi liên kết sản xuất có xu hướng ổn định và mở rộng sản xuất khi giá sản phẩm đầu ra tăng; chăn nuôi hộ gia đình gặp khó khăn khi dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương" - báo cáo nhận xét.
Nhập khẩu tăng trở lại
Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, trong tháng 5, nhập khẩu thịt heo đã tăng trở lại sau 3 tháng giảm liên tiếp. Các doanh nghiệp đã nhập 11.330 tấn thịt heo, trị giá 25,19 triệu USD, tăng gần 30% về lượng và tăng 11% về giá trị so với tháng 5-2023. Giá thịt heo nhập khẩu bình quân khoảng 56.500 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá bán trong nước. Lũy kế 5 tháng đầu năm, nhập khẩu thịt heo đạt 30.700 tấn, trị giá 68,57 triệu USD, tăng 3,9% về lượng nhưng giảm 6,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Brazil, Nga, Canada, Đức, Mỹ là 5 thị trường cung cấp thịt heo lớn nhất cho Việt Nam.
Bình luận (0)