Tại phòng sinh thiết, Khoa Xạ trị, Viện Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Quân y 175 vào ngày cuối năm 2024, một bệnh nhân nam ngoài 40 tuổi đang được ThS - BS Phạm Thành Luân giải thích, động viên.
Sự kết hợp giữa con người và robot
Theo BS Luân, bệnh nhân bị tổn thương xương cột sống cổ, đã đi khám nhiều nơi nhưng không tìm ra bệnh do không thể làm sinh thiết để xác định bản chất tổn thương. Bằng việc ứng dụng robot định hướng, chưa đầy 20 phút, ê-kíp sinh thiết đã lấy được bệnh phẩm, bệnh nhân ra về sau 30 phút nghỉ ngơi và theo dõi.
Trước đây, tại Bệnh viện Quân y 175 và hầu hết cơ sở y tế, những trường hợp bệnh nhân có tổn thương xương chưa rõ nguyên nhân thường được chẩn đoán thông qua các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, một số trường hợp phải phẫu thuật để xác định bản chất. Từ năm 2019, bệnh viện triển khai kỹ thuật sinh thiết xương dưới hướng dẫn của cắt lớp vi tính (hay còn gọi là chụp CT).
Với cách làm này, bác sĩ sẽ xác định và cố định vị trí sinh thiết bằng chùm kim dán trên da, việc sinh thiết được tiến hành chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của bác sĩ. "Việc chọc sinh thiết tiến hành theo ước lượng. Nhiều bệnh nhân phải chọc kim nhiều lần mới trúng vị trí cần sinh thiết. Điều này làm tăng nguy cơ tai biến khi kim lệch hướng vào những cấu trúc quan trọng, đặc biệt với các xương ở vị trí sâu, trên đường vào có nhiều mạch máu, thần kinh" - BS Luân cho biết.
Theo BS Luân, mặc dù có sự hỗ trợ của cắt lớp vi tính nhưng với những trường hợp khó sinh thiết như cột sống cổ, xương sọ, xương nền sọ..., các bác sĩ thường phải tiến hành phẫu thuật để lấy mẫu. Nếu bị ung thư, bệnh nhân có thể phải phẫu thuật lần 2. Vừa gây ảnh hưởng sức khỏe bệnh nhân vừa tốn nhiều kinh phí, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng. "Vị trí lấy mẫu sinh thiết càng khó, mức độ nguy hiểm của ca phẫu thuật càng cao. Không chỉ gia đình và bệnh nhân chịu áp lực, mà ê-kíp mổ cũng rất căng thẳng" - BS Luân tâm sự.
Chỉ tay về phía robot MaxiO, BS Luân cho hay khi Khoa Xạ trị được trang bị robot vào năm 2022, việc sinh thiết dần "dễ thở" hơn. Ban đầu, robot MaxiO được ứng dụng trong sinh thiết các khối u đặc (phổi, gan, thận...), dẫn hướng cho việc điều trị khối u bằng sóng cao tần... Trong quá trình sử dụng, BS Luân có ý tưởng ứng dụng khả năng dẫn đường chính xác của robot, để định vị những vị trí xương khó sinh thiết.
"Khác với sinh thiết các tạng mềm như phổi, gan hay thận, việc sử dụng robot Maxio để thực hiện toàn bộ quy trình sinh thiết xương là không khả thi. Khi khoan vào tổn thương xương bằng kim có hình dạng đặc biệt và cần lực xoay, rung lắc mạnh - điều mà cánh tay robot không đáp ứng được. Do đó, ê-kíp sinh thiết đã tận dụng tối đa ưu điểm của robot trong giai đoạn cố định, định vị và dẫn đường, sau đó sử dụng kỹ thuật khoan xương truyền thống để hoàn thành thao tác sinh thiết" - BS Luân giải thích.
Đầu năm 2023, nhóm nghiên cứu do BS Luân làm trưởng nhóm bắt đầu xây dựng lại quy trình sinh thiết xương ứng dụng công nghệ mới. Đầu tiên, bác sĩ sẽ cố định bệnh nhân bằng túi chân không định hình, dùng cánh tay robot để "dẫn đường" kim đúng hướng đến vị trí chọc da và chỉ chọc đến vỏ xương. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành chụp cắt lớp vi tính lại để bảo đảm robot đã "dẫn đường" đúng hướng. Đến đây, vai trò của robot kết thúc, bác sĩ tiến hành thao tác khoan cắt xoay lắc bằng tay như cách sinh thiết truyền thống để lấy mẫu bệnh phẩm.
Chia sẻ về ý tưởng này, BS Luân cho biết chỉ mất khoảng 2 ngày để lập trình robot, nhưng để ứng dụng và đưa vào điều trị cho bệnh nhân cần một khoảng thời gian dài nhằm chứng minh với các hội đồng chuyên môn, hội đồng đạo đức của bệnh viện.
Giảm nguy hiểm, tiết kiệm kinh phí
Nói về ca bệnh đầu tiên sinh thiết xương sọ dưới sự hướng dẫn của robot MaxiO, BS Luân vẫn nhớ rõ từng chi tiết. Đó là một nam bệnh nhân 22 tuổi, nhập viện giữa năm 2023, có tổn thương bất thường ở xương chũm. Thời điểm đó, các khoa cùng hội chẩn, có nhiều nhận định khác nhau về bản chất tổn thương. Nếu phẫu thuật để lấy mẫu bệnh phẩm, khả năng ảnh hưởng đến thính lực của bệnh nhân rất cao. Chính vì vậy, BS Luân đề xuất chọc sinh thiết dưới sự hướng dẫn của robot MaxiO.
"Thực tế, nếu sinh thiết xương bằng robot, robot chỉ hỗ trợ dẫn đường và khoan đến phần vỏ xương sọ. Từ vỏ xương sọ tiến vào trong khối u thì vẫn do chính con người thực hiện hoàn toàn. Mức độ nguy hiểm vẫn có nhưng chúng ta có thể làm chủ từng bước. Nếu kết thúc thủ thuật an toàn, bệnh nhân có thể về nhà ngay" - BS Luân chia sẻ.
Giây phút bệnh nhân đầu tiên sinh thiết xương thành công, BS Luân biết mình đã đi đúng hướng. "Trên cương vị bác sĩ, nhiệm vụ của tôi là điều trị cho bệnh nhân. Khi thấy việc trong khả năng thì tôi sẵn sàng làm. Không được thấy khó mà nản lòng, vì mình nản thì bệnh nhân sẽ là người chịu thiệt nhiều nhất" - BS Luân bộc bạch.
Từ khi ứng dụng robot MaxiO vào sinh thiết xương tại các vị trí khó, Bệnh viện Quân y 175 đã rút ngắn thời gian sinh thiết một bệnh nhân từ 45-60 phút còn khoảng 20 phút.
Theo BS Luân, mục tiêu ban đầu là triển khai phục vụ sinh thiết các tổn thương xương trong chuyên ngành ung thư. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm áp dụng, hiện đã phục vụ cho nhiều chuyên ngành khác trong nội bộ bệnh viện như chuyên ngành thần kinh, chấn thương, lao... Ngoài ra, một số cơ sở y tế khác thuộc địa bàn TP HCM và các tỉnh phía Nam cũng đã gửi bệnh nhân để sinh thiết xương bằng kỹ thuật này.
TS-BS Huỳnh Thanh Bình, Phó trưởng Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, cho biết: "Đây là bước tiến đột phá của Bệnh viện Quân y 175 trong nghiên cứu khoa học và điều trị cho bệnh nhân".
Theo TS-BS Bình, hiệu quả đạt được từ công trình nghiên cứu này góp phần giảm gánh nặng cho bệnh viện, nhất là giảm tải việc chờ mổ, chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật. So với mổ mở, sinh thiết xương bằng công nghệ tiết kiệm 75% chi phí. Chi phí trọn gói cho một lần sinh thiết bằng robot khoảng 2,5 triệu đồng và được áp dụng bảo hiểm y tế.
Với những đóng góp thiết thực, giải pháp ưu việt hỗ trợ sinh thiết thành công và an toàn nhiều tổn thương xương ở các vị trí khó tiếp cận do BS Luân và ê-kíp cải tiến, sáng tạo đã lọt vào tốp 27 sản phẩm y tế thông minh của giải thưởng Thành tựu y khoa Việt Nam lần thứ 5, năm 2024.
Bình luận (0)