Ngày 14-5, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp Thành ủy TP HCM tổ chức hội thảo khoa học "Quản lý đất đai trên địa bàn TP HCM - Thực trạng và giải pháp", nhằm góp phần triển khai Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Luật Đất đai 2024.
Giá nhà, đất cao
Tại hội thảo, GS-TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh nguồn lực đất đai đã được khai thác, sử dụng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; góp phần giải quyết những vấn đề xã hội, tạo sự bình đẳng hơn giữa các chủ thể sử dụng đất.
Tuy nhiên, thực tiễn phát triển đất nước nói chung và tại TP HCM nói riêng, những năm qua ở nhiều nơi việc sử dụng đất còn lãng phí; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đất đai chậm được đẩy lùi; số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực đất đai còn nhiều và phức tạp. Thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
TS Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Nghị quyết 98/2023 - cho rằng vấn đề lớn nhất là hệ quả đẩy giá đất lên vượt sức chịu đựng của nền kinh tế và người dân.
"Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, chúng ta chuyển một số đất nông nghiệp thành đất hoang. Với giá đất hiện nay thì TP HCM làm nhà ở xã hội kiểu gì?" - TS Trần Du Lịch bức xúc và nói rõ khi làm Nghị quyết 98/2023, ông rất tâm huyết vấn đề đánh thuế đầu cơ đất.
"Điều này cực kỳ quan trọng, vì đất bỏ hoang khắp nơi, trong khi người cần chỗ ở không bao giờ tiếp cận được đất ở. Bức xúc như vậy hiện nay Luật Đất đai 2024 giải quyết được chưa? Nghị quyết 18 nói quan điểm rồi nhưng thể hiện thế nào? Vấn đề này liên quan tài chính đất đai. Tại sao Luật Đất đai bao phủ nhiều thứ mà chưa bao phủ điểm này" - ông Trần Du Lịch nói.
Cụ thể về thực trạng nhà ở, ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM - cho rằng hiện nay hầu hết căn hộ kinh doanh phục vụ nhu cầu cao cấp và trung cấp, chỉ phần nhỏ phục vụ nhu cầu bình dân, người thu nhập thấp. Hiện nay không thể giải quyết được vấn đề nhà ở theo quy tắc cân đối cung - cầu của thị trường cho người thu nhập thấp. Vì vậy, nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người lao động, người thu nhập thấp.
Sử dụng hiệu quả nhà đất công
Bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM - cho rằng thời gian qua, quản lý đất đai gặp nhiều khó khăn, bất cập; việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thiếu đồng bộ, minh bạch. Quản lý thực hiện quy hoạch rất khó khăn, thường bị phá vỡ.
TP HCM có nhiều dự án lớn chậm triển khai, trở thành quy hoạch "treo" rồi bị "xẻ thịt", điển hình là Khu TDTT Rạch Chiếc (TP Thủ Đức). Nhiều dự án giao đất cho giao thông, giáo dục, văn hóa, cây xanh… chưa hợp lý.
Theo bà Thảo, giá đất hiện nay không những cao mà còn "ảo", nên việc xây dựng bảng giá đất hằng năm sẽ gặp khó khăn, thách thức. Vì vậy, cơ quan chức năng phải hết sức cố gắng và có định hướng để xây dựng bảng giá đất không bị ảnh hưởng khi đi sau "giá ảo" của thị trường.
Trước tình trạng quản lý, sử dụng nhà đất công lãng phí, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM kiến nghị các cơ quan, đơn vị trung ương có đất quản lý trên địa bàn thành phố phối hợp thành phố để có phương án xử lý.
"Vừa qua, thực hiện Nghị quyết 54/2017, chúng ta chưa thực hiện được bởi phương án thống nhất quản lý chưa tốt. Vì vậy, sắp tới cơ quan trung ương phải cùng thành phố xem xét phương án xử lý các cơ sở, cái nào bảo tồn, cái nào cần bán để tạo quỹ phát triển hạ tầng cho thành phố" - bà Phạm Phương Thảo nói và đề nghị ưu tiên các dự án theo mô hình TOD (phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm); quản lý tốt hành lang sông Sài Gòn, sớm xây dựng khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa…
Liên quan tài sản công, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM, cho hay cử tri bức xúc và các quận, huyện còn ý kiến đối với nhóm đất công đã giao cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước.
"Qua buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và HĐND TP HCM, cử tri rất bức xúc vì sử dụng đất công lãng phí, các chính quyền địa phương, quận, huyện cũng liên tục kiến nghị xử lý tình trạng này nhưng thời gian qua cũng chưa hiệu quả, trong khi nhu cầu xây dựng bệnh viện, trường học trên địa bàn thành phố rất cao" - bà Hạnh nói.
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp, quy định pháp luật liên quan quản lý, sử dụng tài sản công, đầu tư công khá cụ thể, rõ ràng trong thu hồi đất, thu hồi các dự án, thu hồi cơ sở tài sản công, tuy nhiên chúng ta thiếu sự kiên quyết, quyết liệt thực hiện các thủ tục này.
Ngoài ra, những khu đất công đang trong thời gian chờ thực hiện các thủ tục giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư, giao cho các cơ quan quản lý, sử dụng thì nhiều nơi để trống. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù để có thể tạm sử dụng các cơ sở nhà đất này. Việc này mang lại 3 lợi ích là khai thác, sử dụng đất công hiệu quả; tăng nguồn thu ngân sách; giảm sự bức xúc của người dân.
GS-TS Nguyễn Quang Thuấn, Trưởng Tiểu ban Kinh tế của Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh Nghị quyết 18 là nghị quyết mới nhất hiện nay để giải quyết những tồn đọng trong giai đoạn trước và đặc biệt đưa ra quan điểm giải pháp trong thời gian tới đây về đất đai. Trong đó, tập trung vào 3 điểm mới: phải dựa trên cơ sở thị trường, thị trường nhiều hơn; tăng cường vai trò đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; giải quyết mối quan hệ giữa thị trường - nhà nước và xã hội ở lĩnh vực đất đai.
Theo ông Thuấn, Luật Đất đai 2024 những điểm mới cũng rất nhiều nhưng có thể thấy tập trung vào phân cấp phân quyền rõ ràng hơn, triệt để hơn; cải cách thể chế; nâng cao vai trò, lợi ích của các đối tượng khác nhau là người sử dụng đất. Từ những nghiên cứu chung của đất nước, TP HCM thì giải pháp kiến nghị đưa ra phong phú, toàn diện ở các khía cạnh khác nhau nhưng tinh thần chung là theo chủ trương định hướng của Nghị quyết 18, trên cơ sở đó cụ thể hóa trong Luật Đất đai 2024 và đặc biệt là các nghị định hướng dẫn để triển khai hiệu quả nhất trong thời gian tới đây.
Hoàn thiện chính sách quản lý
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải, công tác quản lý và sử dụng đất đai luôn được Đảng bộ và chính quyền TP HCM quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thường xuyên, liên tục. Thành ủy TP HCM đã ban hành Chương trình hành động số 38 để thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW; UBND TP HCM triển khai thực hiện đề án "Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP HCM". Tập trung thực hiện quy hoạch sử dụng đất; chuyển đổi số trong quản lý đất đai; đổi mới công tác tài chính đất đai; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất... Tuy nhiên, với nhiều khó khăn, thách thức cả khách quan lẫn chủ quan, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao.
Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM mong hội thảo sẽ làm sáng rõ hơn nữa cơ sở lý luận, kinh nghiệm thực tiễn về công tác quản lý, sử dụng đất. Đặc biệt, những kết quả nghiên cứu tâm huyết, kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn của các bộ, ngành, địa phương, nhà khoa học, các chuyên gia, sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất đai, về nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển thành phố nói riêng.
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:
TP HCM phải tiên phong
Luật Đất đai 2024 đã trao quyền, phân quyền rất nhiều nội dung cho các địa phương trong tổ chức thi hành và có nhiều điểm khác biệt mang tính đột phá, đòi hỏi các địa phương nỗ lực rất nhiều bởi cũng khá thách thức. Theo đó, hàng chục nội dung hoàn toàn giao cho chính quyền địa phương, HĐND, UBND ban hành các hướng dẫn trong thẩm quyền của mình và phù hợp thực tế địa phương.
Chẳng hạn, công tác xây dựng bảng giá đất, định giá đất cụ thể đòi hỏi công tác điều tra, thu thập thông tin, dữ liệu hằng năm để có dữ liệu tốt; cùng với đó là đội ngũ chuyên gia có năng lực.
Luật Đất đai giao cho HĐND cấp tỉnh phải ban hành tiêu chí, điều kiện, quy định các trường hợp nào là đấu giá, trường hợp nào là đấu thầu để giao, cho thuê đất phát triển dự án nhà ở thương mại. Điều này thể hiện luật được thiết kế theo cách tiếp cận mới là hoàn toàn giao cho địa phương. Địa phương tùy tình hình thực tế, bối cảnh, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà có sự chủ động và có thể làm khác nhau.
Hay Luật Đất đai 2024 cũng giao cho trường hợp địa phương có thể căn cứ tình hình thực tiễn các dự án cụ thể để có thể có cơ chế hỗ trợ thêm trong trường hợp nhà nước có thu hồi đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia - công cộng. TP HCM là thị trường sôi động, khối lượng công việc rất lớn và đòi hỏi nỗ lực nhiều của chính quyền địa phương. Tôi mong muốn và có lẽ TP HCM nên đi tiên phong trong việc tổ chức triển khai. Trước mắt là chú trọng khâu ban hành văn bản kịp thời, đầy đủ, chất lượng, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế - xã hội địa phương để bảo đảm rằng khi luật có hiệu lực thì sẵn sàng triển khai luật ngay.
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM:
Cụ thể hóa 12 văn bản
TP HCM là địa phương có nhiều kiến nghị trong Luật Đất đai 2024 và được ban soạn thảo tiếp thu rất nhiều. Vì vậy, TP HCM phải chuẩn bị rất nhiều nội dung khi luật có hiệu lực. Điển hình là trên 12 văn bản mà TP HCM xây dựng để cụ thể hóa Luật Đất đai. Luật Đất đai 2024 quy định rất rõ nội dung nào là thực hiện ngay, nội dung nào giao Chính phủ hướng dẫn, nội dung nào giao cho địa phương thực hiện.
Do đó, khối lượng thực hiện cho TP HCM rất lớn. Tâm thế là TP HCM đã chuẩn bị tất cả. Trong đó, để chuẩn bị về nhóm tài chính cho đất đai, hiện nay thành phố cũng đang thuê tư vấn để lập bảng giá đất, sao cho bảng giá đất đó sát giá thị trường, rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng, tạo nguồn thu từ đất đai lành mạnh, minh bạch. Điều này cũng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án trên địa bàn.
Nếu áp dụng Luật Đất đai 2024 sớm sẽ giải quyết được những vấn đề như trao quyền, phân cấp, những vấn đề mới.
Bình luận (0)