Những nghiên cứu gần đây cho thấy việc thâm canh quá mức, tăng vụ, bón phân không cân đối, rơm rạ không được tái sử dụng, sự xâm nhập mặn, giảm lượng phù sa từ thượng nguồn… khiến sản xuất lúa ở ĐBSCL đứng trước nhiều thách thức, như: chi phí tăng cao, hiệu quả chưa tương xứng với đầu tư.
Lạm dụng phân bón hóa học
Nhiều cây trồng lâu nay chủ yếu phụ thuộc vào phân bón. Dù thế nào thì phân bón vẫn tiếp tục là vật tư nông nghiệp quan trọng. Việc sử dụng phân bón không chỉ làm tăng năng suất cây trồng mà còn làm thay đổi tính chất hóa lý và sinh học của đất.
Theo TS Đào Minh Sô, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, trong hợp phần kỹ thuật canh tác lúa bền vững, yếu tố phân bón có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng đến khả năng chống chịu sâu bệnh, năng suất và hiệu quả sản xuất. Hầu hết nông dân trồng lúa đều có thói quen và ưa thích sử dụng phân khoáng, nhất là phân đạm, vì tác động nhanh chóng đến việc sinh trưởng của cây trồng, lại tiện lợi và dễ nhận thấy hiệu quả.
Tuy vậy, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chưa đến 50% phân đạm được cây trồng hấp thu, phần còn lại bị rửa trôi hoặc trở thành chất bay hơi làm tăng phát thải khí nhà kính. Hơn nữa, việc sử dụng quá nhiều phân đạm còn dẫn đến nguy cơ suy giảm khả năng chống chịu sâu bệnh của cây trồng, làm phát sinh sâu bệnh gây hại.
Ông Lê Quốc Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, băn khoăn với cách bón phân như hiện nay, nếu không có sự thay đổi thì 50-60 năm nữa, thế hệ con cháu chúng ta khó mà canh tác được. Bởi lẽ, đất đai ở ĐBSCL vốn phì nhiêu, giàu dinh dưỡng nhưng ngày càng ít được hấp thu do phân bón được sử dụng ngày càng nhiều. Bón phân nhiều khiến dinh dưỡng nằm lại trong đất cũng nhiều thì đất đó càng dễ mất cân đối dinh dưỡng.
Theo một khảo sát của Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trung bình cả nước sử dụng 560 kg phân bón vô cơ/ha. Trong khi đó, nhiều địa phương ở ĐSBCL lại bón phân hóa học cao hơn mức này, như: Bến Tre 2.177 kg/ha, Tiền Giang 1.403 kg/ha, An Giang 1.399 kg/ha...
GS-TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng Khoa Nông nghiệp - Trường ĐH Cần Thơ, phân tích: "Đất trồng lúa ở ĐBSCL đang phải đối mặt tình trạng mất cân đối dinh dưỡng. Khi lấy 76 mẫu đất tại 38 điểm trồng lúa ở ĐBSCL đem phân tích, chúng tôi phát hiện sự mất cân đối dinh dưỡng bởi chất lượng chất hữu cơ suy thoái, chất lân dễ tiêu giảm ở một số nơi... Tuy vấn đề chưa đến mức báo động nhưng cần phải tính giải pháp cải thiện".
Trả lại dinh dưỡng cho đất
TS Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho biết khi sử dụng phân bón hóa học sẽ xảy ra hiện tượng phát thải khí nhà kính.
Cây trồng trung bình chỉ hấp thu khoảng một nửa lượng nitơ nhận được từ phân bón. Phần lớn phân bón được nông dân sử dụng chảy xuống các dòng nước hoặc bị vi khuẩn trong đất phân hủy, giải phóng thành khí nitơ oxit gây hiệu ứng nhà kính. Nitơ oxit chỉ chiếm một phần nhỏ lượng phát thải khí nhà kính nhưng nó làm nóng hành tinh gấp 300 lần so với carbon dioxide.
TS Phùng Hà đề xuất: "Để hạn chế phát thải khí nhà kính, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng và giảm thiểu tổn thất phân bón ra môi trường, cần bón phân đúng loại, đúng tỉ lệ, đúng lúc và đúng cách. Ngoài ra, cần cung cấp các công nghệ giám sát, giúp nông dân sử dụng chính xác chủng loại và lượng phân bón. Bên cạnh đó, bổ sung chất hữu cơ cho đất, thay thế phân bón tổng hợp bằng phân chuồng, phân trộn hoặc phân hủy có khả năng giảm lượng khí phát thải 10%-20% hoặc cao hơn".
Theo GS-TS Nguyễn Bảo Vệ, ĐBSCL cần triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật để cải thiện đất trồng cây, nhất là lúa. Cụ thể, sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ ngay trên đồng ruộng để hoàn trả dinh dưỡng cho đất; làm đất sâu để tầng canh tác dày hơn, rồi phơi đất, ngâm đất, làm rãnh nước khi trồng lúa. Bên cạnh đó, bón phân bio-canxi để cải thiện dinh dưỡng cho đất. Thực tế, khi thử nghiệm, cách làm này giúp tăng hơn 12% năng suất so với ruộng lúa đối chứng (7,62 tấn so với 6,51 tấn/ha).
Trong khi đó, ông Lê Cảnh Định, Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, cho rằng sự tác động của biến đổi khí hậu và canh tác chưa hợp lý dẫn đến việc đất trồng mất cân đối dinh dưỡng. Do đó, trong quá trình sản xuất, nhất là khi làm đất, phải làm sao để rơm rạ phân hủy, trả lại dinh dưỡng cho đất, thay vì đưa ra khỏi ruộng.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các mô hình thí điểm thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Các mô hình thí điểm ở nhiều địa phương tại ĐBSCL đã cho thấy hiệu quả khi lượng phân đạm sử dụng giảm 41% nhưng chất lượng và năng suất lúa tăng lên.
Nỗi lo cạn kiệt phù sa
Theo GS-TS Mai Văn Quyền, thành viên Hội đồng Khoa học Công ty CP Phân bón Bình Điền, một nghiên cứu tại xã Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cho thấy sau mỗi mùa lũ, phù sa bồi lắng ở các khu vực không có đê bao và có đê bao lửng khoảng 5,66-6,47 tấn/ha. Ngoài ra, do nông dân dần được trang bị các biện pháp kỹ thuật đồng bộ như: bón vừa đủ phân, quản lý dịch hại tổng hợp... nên năng suất lúa và cây trồng nói chung ngày càng tăng.
Tuy nhiên, ông Quyền lo ngại từ năm 2014-2015 đến nay, ĐBSCL không có lũ thường xuyên như những năm trước. Lý do chính là rất nhiều đập thủy điện xây dựng ở thượng nguồn nên lượng nước còn lại chuyển về hạ lưu ngày càng thấp. Lũ ít dẫn đến phù sa cũng ít khiến việc trồng trọt, nhất là trồng lúa, ở ĐBSCL sẽ gặp nhiều trở ngại.
Bình luận (0)