Trong quyết định mới đây, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt thêm 191 tuyến phố đủ điều kiện sử dụng tạm thời một phần lòng đường để trông giữ xe. Cùng với 43 tuyến đã được cấp phép trước đó, tổng số tuyến phố ở Hà Nội được phép trông giữ phương tiện dưới lòng đường hiện tăng lên 234. Trong đó, quận lõi của Hà Nội với nhiều khu phố cổ chật hẹp có tới 42 tuyến đường được phép trông giữ xe.
Việc có thêm gần 200 tuyến phố được cấp phép trông giữ phương tiện giao thông khiến không ít người lo ngại đường phố Hà Nội vốn đông đúc, thường xảy ra ùn tắc sẽ có nguy cơ xuất hiện thêm nhiều "điểm đen". Tất nhiên, TP Hà Nội đã đưa ra những tiêu chí để các tuyến phố có thể được tổ chức trông giữ xe nhằm không gây cản trở giao thông, cũng như không ảnh hưởng đến sinh hoạt và hoạt động hai bên đường.
Theo đó, với tuyến đường lưu thông hai chiều, nếu rộng 10,5 m thì cho phép trông giữ xe một bên; rộng từ 14 m cho phép giữ xe hai bên. Với tuyến đường lưu thông một chiều, nếu rộng tối thiểu 7,5 m thì được trông giữ xe bên phải phần xe chạy. Ngoài ra, điểm trông giữ xe phải cách nút giao thông tối thiểu 20 m; xe đỗ thành hàng thuận theo chiều phương tiện chạy; không cắm cọc, chăng dây rào chắn lòng đường…
Tuy nhiên, với lượng phương tiện giao thông rất lớn, người đi đường thường xuyên bận rộn, đông đúc thì việc trông giữ xe dưới lòng đường chắc hẳn ảnh hưởng tới lưu thông, thường trực nguy cơ xảy ra ùn tắc. Theo số liệu thống kê mới nhất, hiện tổng số phương tiện giao thông đường bộ của TP Hà Nội là hơn 8 triệu chiếc, gồm hơn 1,1 triệu ô tô và khoảng 6,9 triệu xe máy. Đáng chú ý, số phương tiện này không ngừng gia tăng - khoảng 10.000 chiếc mỗi tháng, nên đường phố Hà Nội sẽ ngày càng đông đúc, chật chội hơn.
Giao thông đô thị nói chung, giao thông tĩnh nói riêng, là vấn đề đặt ra từ lâu với Hà Nội. Thành phố cũng đã nhận thấy vấn đề này khi sớm quy hoạch 1.690 bãi đỗ xe, song tới nay mới đầu tư xây dựng được 72 bãi. Rất nhiều dự án giao thông tĩnh rơi vào tình trạng "trùm mềm" nhiều năm nay dù thành phố đang rất "khát" bãi đỗ xe. Diện tích giao thông tĩnh ở Hà Nội lẽ ra phải đáp ứng được 30% nhu cầu nhưng đến nay mới vỏn vẹn được 0,5%.
Cấp phép trông giữ xe dưới lòng đường, vì thế, được xem là giải pháp tình thế, tạm thời nhằm giải quyết nhu cầu ngày càng cấp bách hiện nay. Thế nhưng, cần tìm giải pháp căn cơ hơn chứ không thể vì nhu cầu cấp bách mà lại cấp phép thêm các điểm trông giữ xe dưới lòng đường.
Hà Nội mới đây đã có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để hồi sinh dòng sông Tô Lịch. Nay có lẽ cần làm điều tương tự để hạ nhiệt vấn đề giao thông tĩnh tại thủ đô.
Bình luận (0)