Ngày 15-5, tại TP Cần Thơ, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với UBND TP Cần Thơ và Viện Nghiên cứu – Phát triển Kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP HCM) tổ chức hội thảo "Giải pháp cấp thiết bảo vệ ĐBSCL".
Phát biểu mở đầu hội thảo, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cho rằng TP HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL có nhiều chương trình ký kết hợp tác, để tương hỗ phát triển bền vững.
Vùng ĐBSCL cung cấp nguyên vật liệu, còn TP HCM là chế biến, xuất - nhập khẩu rất lớn. Sự thay đổi của ĐBSCL sẽ tác động trực tiếp đến TP HCM. Do đó, hội thảo càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
"TP Cần Thơ là đô thị trung tâm của vùng, thời gian qua, chúng tôi luôn trăn trở trước những thiệt hại, hậu quả nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra với địa phương và cả vùng. Việc UBND TP Cần Thơ phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng và Viện Nghiên cứu - Phát triển Kinh tế tuần hoàn tổ chức hội thảo thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, sự chung tay và quyết tâm tìm giải pháp ứng phó hiệu quả của TP Cần Thơ" - ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.
Ông Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, cho biết TP HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, ĐBSCL là vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia. Giữa TP HCM và các địa phương vùng ĐBSCL luôn có mối quan hệ mật thiết, gắn bó, tương hỗ lẫn nhau trong quá trình phát triển.
Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng nhận định: "Thời gian qua, chứng kiến các địa phương vùng ĐBSCL gánh chịu hậu quả nặng nề do biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn… gây ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM luôn đau đáu, xót xa".
Từ đầu mùa khô năm 2024 đến thời điểm hiện tại, hạn hán và xâm nhập mặn đã làm hơn 50.000 hộ dân ở ĐBSCL bị thiếu nước sinh hoạt; gần 1.000 tuyến đường, bờ kênh, nhà ở, kho xưởng, cầu giao thông bị hư hỏng, đổ sập do sụt lún, sạt lở; hàng ngàn ha rau màu bị thiếu nước tưới, chết khô và diện tích rừng bị cháy rụi…
Từ những trăn trở này, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo nhằm mục đích góp phần đánh giá đúng thực trạng và tác động của biến đổi khí hậu hiện nay, từ đó đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài để vùng ĐBSCL thích nghi, ứng phó hiệu quả hơn, phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.
Tại hội thảo, PGS-TS Lê Anh Tuấn (Trường ĐH Cần Thơ) công bố nghiên cứu của ông về sự thiệt hại các yếu tố rủi ro do tác động hạn và mặn. Nếu như vào năm 2026 và 2020 (năm xuất hiện hạn, mặn cao), ngành nông nghiệp và thủy sản bị ảnh hưởng lần lượt là 70.000 ha và 50.000 ha; số hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt là 110.000 hộ và 95.000 hộ thì năm 2024 giảm xuống còn 20.000 ha và 40.000 hộ. Tuy nhiên, diện tích rừng bị khô và cháy; hư hỏng, sụp lở cơ sở hạ tầng lần lượt là 30.000 ha, 700 vị trí (năm 2016), 40.000 ha, 1.100 vị trí (năm 2020) tăng lên 55.000 ha, 1.300 vị trí (năm 2024).
"Cách ứng phó với hạn, mặn hiện nay là thường xuyên cập nhật tình hình khô hạn và xâm nhập mặn; điều chỉnh lịch thời vụ hoặc chuyển đổi loại hình sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, áp dụng các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm và chia sẻ nguồn nước, ưu tiên phân phối nước ngọt cho các lĩnh vực. Đặc biệt, cần phục hồi khả năng hấp thụ và lưu trữ nước tự nhiên ở các vùng trũng" - PGS-TS Lê Anh Tuấn kiến nghị.
Bình luận (0)