Hơn 2 tuần nhập viện điều trị, một bệnh nhân ở Bắc Giang phải bỏ tiền túi mua thuốc với chi phí rất lớn. Những ngày đầu, đơn thuốc phải mua bên ngoài hết 6 triệu đồng. Khi bệnh đỡ hơn, đơn thuốc giảm còn khoảng 3 triệu đồng.
Gắng gượng chờ thuốc
Một bệnh nhân khác bị ung thư tiền liệt tuyến; khi kê đơn, bác sĩ ghi rõ bệnh viện hiện hết thuốc. Bệnh nhân này phải tự túc mua thuốc bên ngoài. Đơn thuốc bệnh nhân mua ở ngoài hết 3 triệu đồng/lần.
Theo phản ánh của nhiều bệnh nhân, mua thuốc bên ngoài 1-2 ngày họ còn cố gắng được. Song, có những bệnh phải điều trị dài ngày như ung thư, bệnh mạn tính, nhiều người không thể chịu nổi chi phí.
Trong khi đó, để được BHYT thanh toán như Thông tư 22 (quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT khám chữa bệnh) do Bộ Y tế mới ban hành thì phải chờ đến năm 2025. Hơn nữa, không phải loại thuốc, vật tư y tế nào mua bên ngoài cũng được hoàn tiền.
Dược sĩ Nguyễn Thanh Hiền, Trưởng Khoa Dược - Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), cho biết có những lúc bệnh viện không bảo đảm thuốc, vật tư cung ứng cho bệnh nhân. Hiện nay, bệnh viện thiếu thuốc Albumin và một loại thuốc tăng cường miễn dịch. Ngày 18-10, bệnh viện mở gói thầu, có 30 nhóm thuốc không được đơn vị nào dự thầu. "Thiếu thuốc Albumin thì không mổ xẻ được. Hiện tại, bệnh nhân phải phải mua Albumin ở ngoài" - bà Hiền nêu thực trạng.
Không riêng Bệnh viện Việt Đức, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thừa nhận thời gian qua, một số cơ sở khám chữa bệnh không cung ứng đủ khiến bệnh nhân phải tự mua thuốc, vật tư y tế ở ngoài. Tại hội thảo hướng dẫn thanh toán trực tiếp cho người bệnh BHYT tự mua thuốc hiếm, đại diện Bệnh viện Đà Nẵng cho hay danh mục thuốc hiếm của bệnh viện chỉ có 54 loại. Nếu chỉ thanh toán, hoàn tiền cho bệnh nhân BHYT sử dụng thuốc hiếm thì không thể giải quyết được bài toán thiếu thuốc thông thường.
"Hiện tại, bệnh viện vẫn bảo đảm được nhu cầu thuốc, vật tư. Trường hợp thiếu, bệnh viện có thể chuyển bệnh nhân lên tuyến cao hơn hoặc thực hiện chỉ định thầu để mua thuốc, bảo đảm cấp cứu" - đại diện Bệnh viện Đà Nẵng cho hay.
Trước đó, TS-BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, thông tin thời gian qua, bệnh viện đã có nhiều nỗ lực để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư. Với các thuốc tương đương sinh học, không có loại này thì có loại khác tương đương thay thế. Song, với những thuốc đặc thù như Albumin hay Gamma Globulin, do không có đối tác tham gia thầu, bệnh viện không mua sắm được nên tình trạng thiếu là có thật. Trường hợp này là bất khả kháng.
Thuốc gây mê tại Bệnh viện Việt Đức cũng thiếu do không có loại thay thế. Trong khi đó, nhu cầu thuốc này rất lớn bởi đây là bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt, mỗi ngày thực hiện khoảng 300 ca mổ phiên và 30-40 ca mổ cấp cứu.
Theo ông Hùng, trước đây, nhà thuốc bệnh viện giải quyết được nỗi lo về thuốc điều trị cho bệnh nhân nội trú và cả ngoại trú. Nhưng hiện các quy định mới về mua sắm, đấu thầu thắt chặt khiến hệ thống nhà thuốc trong tất cả bệnh viện công đều gặp khó khăn. Bên cạnh việc đẩy nhanh làm hồ sơ thầu, bệnh viện cũng phải điều tiết các ca mổ cho hợp lý. Bệnh viện phải giảm ca mổ phiên và ca phẫu thuật không cấp thiết, có thể chờ như phẫu thuật tháo nẹp vít, thẩm mỹ… Còn lại, các ca mổ ung thư, mổ cấp cứu, hay ghép tạng cho người chết não vẫn được bảo đảm.
"Nếu không điều tiết, không có thuốc mê thì ngay cả các ca mổ cấp cứu cũng không thể thực hiện, buộc phải giảm bớt số lượng chứ không gián đoạn mổ" - ông Hùng khẳng định.
Khổ sở vay thuốc cứu người
Lãnh đạo một bệnh viện tuyến Trung ương cho hay trước đây khi thiếu thuốc, bệnh viện này vay mượn bệnh viện khác hoặc đơn vị cung cấp, khi đấu thầu xong thì trả. Bây giờ không làm được việc đó, đơn vị cung cấp cũng không cho vay thuốc; mua trước họ cũng không bán. Nếu bệnh viện có mua thì BHYT cũng không thanh toán. Đây là tình huống mà các bệnh viện hay gặp.
Ông Hoàng Cương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế, thừa nhận qua kiểm tra rà soát cho thấy vẫn có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số bệnh viện. Nguyên nhân là do đầu năm 2024, các bệnh viện áp dụng Luật Đấu thầu mới nên việc áp dụng còn chậm trễ. Một số gói thầu đưa ra những quy định chưa phù hợp, dẫn đến không lựa chọn được nhà thầu, phải hủy để đấu thầu lại.
"Về cơ bản, các vướng mắc chủ yếu từ phía cơ sở y tế trong quá trình thực thi là do chưa có cách hiểu thống nhất. Một số địa phương đã ban hành quy định phân cấp triệt để cho các cơ sở y tế, các bệnh viện quyết định việc mua sắm nhưng cũng có một số địa phương lại phân cấp ở mức vừa phải. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc kéo dài thời gian mua sắm vì phải qua các bước trình duyệt, thẩm định trung gian" - ông Cương nhận định.
Theo ông Cương, những vướng mắc phát sinh kể từ khi văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu được ban hành không phải là nguyên nhân chủ yếu. Bằng chứng là rất nhiều địa phương, bệnh viện đã đấu thầu và không gặp vướng mắc gì. Tuy nhiên, một số bệnh viện khác lại gặp vướng mắc.
Những khó khăn của địa phương tập trung chủ yếu về thủ tục thẩm định, phê duyệt còn phức tạp; chưa phân cấp triệt để cho các bệnh viện trong việc quyết định mua sắm. Việc thu thập báo giá, thông tin để xác định giá gói thầu còn có cách hiểu chưa thống nhất; khó khăn trong việc phê duyệt dự toán ngân sách dành cho mua sắm; đánh giá về xuất xứ của hàng hóa mà nhà thầu nêu trong hồ sơ dự thầu. Ngoài ra, bệnh viện chưa mạnh dạn quyết định mua sắm cho 2-3 năm thay vì chỉ đấu thầu theo từng năm như trước…
Khẩn cấp nối lại chuỗi cung ứng
Theo Bộ Y tế, tình trạng thiếu thuốc vẫn tồn tại, chủ yếu liên quan một số mặt hàng hiếm hoặc có giá quá thấp hay những loại mà cơ sở y tế ít sử dụng. Nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu hụt này chủ yếu do đứt gãy nguồn cung.
ThS-DS Nguyễn Thị Bích Nga, Trưởng Khoa Dược - Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết bệnh viện không thiếu thuốc thường quy. Giai đoạn thiếu nhất do nhiều yếu tố, trong thời gian chờ đợi Chính phủ và Bộ Y tế hướng dẫn, bệnh viện đã tiến hành đấu thầu trước. Liên quan tình trạng thiếu Gamma Globulin điều trị bệnh tay chân miệng, nguyên nhân không phải do thiếu văn bản pháp luật mà chủ yếu vì đứt gãy chuỗi cung ứng và chậm trễ trong nhập khẩu.
"Chúng tôi thường xuyên rà soát thuốc tồn kho và dự báo nhu cầu nhưng vẫn có những tình huống phát sinh ngoài dự kiến. Năm 2023, 13 nhà cung ứng có giấy phép không thể cung cấp đủ Gamma Globulin khiến chúng tôi phải xin ý kiến Sở Y tế và Bộ Y tế để có thuốc cung ứng cho bệnh viện" - bà Nga nêu.
Ông Lê Ngọc Danh, Trưởng Phòng Nghiệp vụ dược - Sở Y tế TP HCM, cho biết việc thiếu thuốc không phải do cơ chế mua sắm mà chủ yếu là vì chuỗi cung ứng gặp khó khăn. TP HCM có nhiều bệnh viện làm nhiệm vụ tuyến Trung ương. Khi xảy ra dịch bệnh, ngoài việc đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố, các cơ sở y tế này còn phải hỗ trợ điều trị cho các địa phương lân cận, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc.
Theo ông Danh, trong đợt dịch tay chân miệng năm 2023, tình trạng thiếu thuốc chủ yếu là do phải điều tiết cho bệnh nhân từ các địa phương khác. Nếu chỉ cung ứng cho TP HCM thì cơ bản là đủ. Ngoài ra, nhiều loại thuốc đã được cấp số đăng ký nhưng không được nhà nhập khẩu đưa vào thị trường khiến TP HCM phải xin cấp đơn hàng nhập khẩu đặc biệt.
Ông Danh cho rằng Luật Đấu thầu 2023 đã giải quyết nhiều khó khăn, đặc biệt đối với các cơ sở có năng lực đấu thầu hạn chế hoặc số lượng danh mục thuốc ít. Khoản 3 điều 53 của luật cho phép các cơ sở y tế phối hợp để đấu thầu gộp, từ đó lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc một cách hiệu quả hơn. Trường hợp không thể gộp nhu cầu, các bệnh viện có thể báo cáo Sở Y tế và Bộ Y tế để tổ chức đấu thầu nhằm bảo đảm cung ứng thuốc cho các cơ sở công lập, phục vụ bệnh nhân có thẻ BHYT.
Thông tư 22/2024/TT-BYT quy định về thanh toán chi phí thuốc và thiết bị y tế cho người có thẻ BHYT khám bệnh được đánh giá là một bước tiến quan trọng. Văn bản này giúp "bịt lỗ hổng" trong khâu mua sắm, nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của bệnh nhân có BHYT trong giai đoạn chuyển tiếp. Điều này rất thực tế trong trường hợp bệnh viện gặp khó khăn về thuốc, gián đoạn cung ứng giữa 2 gói thầu hoặc khi bệnh nhân cần thuốc không có trong danh mục. Việc chi trả cho bệnh nhân BHYT trong những tình huống này trở nên cần thiết và phù hợp với quy định của BHXH.
"Cần xem xét vấn đề này một cách thận trọng để tránh tình trạng các bệnh viện không bảo đảm cung ứng thuốc thông thường, buộc bệnh nhân phải ra ngoài mua rồi yêu cầu BHYT chi trả. Mặc dù có những hướng mở nhưng cũng cần có các giải pháp để ngăn chặn việc lạm dụng, nhằm tránh né trách nhiệm khi mua sắm không phù hợp" - ông Danh nhấn mạnh.
Cần có các giải pháp để ngăn chặn việc lạm dụng, tránh né trách nhiệm khi mua sắm thuốc, vật tư y tế không phù hợp.
Tìm giải pháp khắc phục
Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM mỗi ngày tiếp nhận 7.000-8.000 bệnh nhân ngoại trú và khoảng hơn 1.000 bệnh nhân nội trú. Theo PGS-TS Nguyễn Minh Anh, Phó Giám đốc bệnh viện, thuốc và vật tư hiện không thiếu nhờ việc dự trù được thực hiện liên tục và đấu thầu thường xuyên. Tỉ lệ đấu thầu, mua sắm của bệnh viện hiện đạt 80%. Khoảng 10%-20% còn lại không phải do vướng mắc nội bộ mà vì khó khăn trong chuỗi cung ứng.
Theo BS chuyên khoa II Phạm Thanh Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 5.000-6.000 bệnh nhân ngoại trú. Bệnh viện cũng gặp phải tình trạng thiếu thuốc do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc thiếu thuốc không phải do thiếu quy định pháp luật mà chủ yếu là vì nguồn cung bị gián đoạn. Các cơ sở y tế đang tích cực khắc phục tình trạng thiếu thuốc, đồng thời thực hiện các giải pháp thay thế để bảo đảm bệnh nhân được điều trị đầy đủ.
Bình luận (0)