Sau khi ra mắt cuốn tiểu thuyết Xứ sở miên man, Jun Phạm tiếp tục thực hiện MV cùng tên đầy thu hút
Ca khúc "Xứ sở miên man" được Jun Phạm đặt hàng từ nhạc sĩ trẻ Vy Vy, là một ca khúc dễ thương, đơn giản nhưng dư âm sâu sắc. Kết cấu bài hát như những câu đồng dao với giai điệu dịu dàng, kết hợp với những câu từ vừa ngây thơ mà cũng thật lấp lánh, miên man.
"Có lẽ một lần ta cần học lại những nghĩ suy như một đứa bé", cũng chính là khi hát ca khúc này. Jun mang một tâm trạng khác biệt hơn, thoải mái và tự do hơn bởi những câu chữ và giai điệu của Xứ sở miên man như một cơn gió mát ban trưa, như một buổi hừng đông giữa chân trời thênh thang có thể xoa dịu tất thảy những bôn ba của người lớn.
Một ca khúc vừa gói ghém cả một xứ sở trong quyển sách, vừa kiến tạo nên một không gian âm nhạc trong lành và vô cùng thư giãn.
"Cứ thế tay đàn, ta cùng đi vào xứ sở miên man", một miền đất dành cho tất cả chúng ta, những người đã từng là trẻ con vì ở đó sẽ có những ngày ta được sống trẻ lại mặc kệ những đúng sai.
MV cực kỳ thú vị bởi những hình ảnh gần gũi
MV của Xứ sở miên man được Jun lên ý tưởng từ chính những chất liệu đã tạo cảm hứng cho câu chuyện: những đồ đạc trong chính căn nhà mình. Series "Nhà có một người" đã từng giới thiệu tổ ấm của Jun, với rất nhiều đồ đạc theo phong cách riêng.
Nhưng cũng có rất nhiều món đồ trong số đó là những kỷ niệm mà Jun đã lưu giữ lại theo thời gian. Là ấm trà của mẹ, là mảnh vườn nhỏ theo năm tháng ở ban công, là nhành khổ qua bố ươm trồng trước khi mất, là những chén đĩa từ căn tiệm bán đồ ngọt Jun Sachi năm nào… rất nhiều thứ đã hoá thành nhân vật, có đời sống riêng biệt trong Xứ sở miên man.
Hẳn ai cũng sẽ tìm thấy chính mình trong MV này
Đạo diễn Đăng Quang đã chọn kỹ thuật stop-motion kết hợp cùng việc quay hình để tạo ra cảm giác hoạt hoạ thông qua Tò He, nhân vật chính của quyển sách lẫn MV, đi chu du ở khắp nơi trong xứ sở miên man, cũng chính là căn nhà đầy kỷ niệm của Jun.
MV được thể hiện theo khung hình dọc, không chỉ để phù hợp với xu hướng thưởng thức nội dung khổ dọc hiện tại mà còn như một dụng ý về góc nhìn của chúng ta với trẻ con. Nhiều lúc ta đánh giá trẻ con thật ngô nghê, hạn hẹp bởi những điều chúng nói nhưng thực tế đằng sau ấy là cả một thế giới sáng tạo không giới hạn mà chính chúng ta cũng đã từng có một quãng đời như vậy.
Cuộc sống này nhiều nghịch lý, một trong số đó chính là việc ta chỉ hiểu ra đứa trẻ bên trong mình rõ hơn khi trưởng thành. Và vô vàn các câu chuyện, kỷ niệm, đồ đạc, niềm thương nhớ rồi sẽ trở thành di sản của cuộc đời.
Bình luận (0)