Beatbox (hay còn gọi là beatboxing, b-box) là một loại hình nghệ thuật sử dụng môi, lưỡi hoặc giọng nói để mô phỏng âm thanh.
Yogetsu Akasaka sử dụng kỹ năng này cùng với các phương tiện kỹ thuật kết hợp tạo âm thanh sáng tạo riêng. Đây không phải việc các thiền sư thường làm nhưng Yogetsu Akasaka, 37 tuổi, lại muốn thực hiện. Trước khi thụ giới vào năm 2015, anh là một cựu nghệ sĩ biểu diễn thuộc công ty nghệ thuật có trụ sở tại Fukushima. Yogetsu Akasaka cũng tửng làm việc toàn thời gian tại nhiều nước bao gồm Mỹ, Úc ở lĩnh vực nghệ thuật.
Yogetsu Akasaka sử dụng kỹ năng beatboxer đưa phần tụng kinh Phật kết hợp vào để tạo sự pha trộn mới mẻ
Phần thể hiện của Yogetsu Akasaka
Sinh ra ở Tokyo, Yogetsu Akasaka chơi guitar từ thuở niên thiếu và trở thành một beatboxer chuyên nghiệp lúc 20 tuổi. Anh mua Boss Loop Station đầu tiên vào năm 2009, đây là một nhạc cụ thiết yếu cho beatboxer xử lý âm thanh của mình. Sau đó, anh thêm phần tụng kinh Phật vào, tạo nên một sự kết hợp sáng tạo.
"Sau khi trở về từ khóa đào tạo ở chùa, tôi nghĩ mình muốn làm âm nhạc một lần nữa. Nhưng tôi không muốn làm nhạc như lâu nay mà muốn làm với tư cách một tu sĩ Phật giáo cũng như nhạc sĩ. Tôi nghĩ có lẽ mình có thể thử thay đổi âm nhạc của mình. Tôi có lo lắng vì đây là điều chưa có ai làm, không theo truyền thống. Thế nhưng, tôi muốn thử bởi nó có vẻ hợp với tôi. Khi tôi biểu diễn cho những người khác họ cũng rất thích" - Yogetsu Akasaka cho biết.
Anh ấy đã biểu diễn trước nhiều người, đưa âm nhạc được sáng tạo mang đậm màu sắc tâm linh riêng của mình vào lễ hội âm nhạc, sự kiện, hội nghị của công ty... Tất nhiên, trong giai đoạn Covid-19 bùng nổ thì các sự kiện này bị hủy và phần trình diễn của Yogetsu Akasaka cũng gặp ảnh hưởng.
Dẫu vậy, thiền sư này cho biết vẫn tập luyện mỗi ngày dẫu hiện tại anh dành nhiều thời gian để nghiên cứu, thiền định và các hoạt động tôn giáo khác. Với Yogetsu Akasaka, âm nhạc cao hơn trò tiêu khiển nhưng không phải chính yếu với anh.
Video clip đầu tiên mà Yogetsu Akasaka đăng tải lên YouTube thu hút lượng lớn người xem. Thiền sư tỏ vẻ ngạc nhiên trước độ lan tỏa của video clip này không chỉ ở các nước châu Á mà cả Mỹ, châu Âu. Yogetsu Akasaka tụng kinh bằng tiếng Nhật Bản nhưng theo quan sát của anh thì chỉ có 20% người theo dõi video là người Nhật Bản.
Nhận định về độ lan tỏa của video clip, Yogetsu Akasaka cho rằng đó là vì đại dịch Covid-19. Mọi người ở nhà để chống lây lan dịch bệnh và tìm kiếm sự an ủi về mặt tinh thần.
"Họ nói với tôi rằng chúng thực sự chữa lành tâm hồn. Họ nghe chúng trước khi đi ngủ. Tôi chưa từng mong chờ hiệu quả như thế. Là một Phật tử, tôi tin rằng mọi người cần thiền định. Những gì tôi cố gắng làm là khiến mọi người trải nghiệm một điều gì đó thuộc về tâm linh để hỗ trợ cho sự thiền định và cho mọi người cảm nhận cõi lành của chính họ. Tôi mong âm nhạc của mình sẽ giúp mọi người chữa lành và thật tuyệt vời nếu điều này là sự thật. Tôi hy vọng âm nhạc của mình có thể đến nhiều người hơn thông qua biểu diễn nhưng sự lan tỏa của các video đã nhiều hơn những gì tôi mong đợi" - Yogetsu Akasaka thổ lộ.
Bình luận (0)